Hành trình bí ẩn của một phiến đá thời La Mã được tìm thấy ở một khu vườn tại Anh

Một phiến đá cẩm thạch từ thời La Mã cổ đại, đã được sử dụng trong gần một thập kỷ với chức năng làm giá đỡ để trèo lên yên ngựa trước khi nguồn gốc thực sự của nó được tiết lộ. Phiến đá hiện đang là tâm điểm của một bí ẩn khi các chuyên gia đang tìm hiểu làm sao nó kết thúc cuộc hành trình của mình trong khu vườn của một ngôi nhà gỗ ở Anh.



Ảnh: Woolley & Wallis

Phiến đá được điêu khắc tinh xảo này có dòng chữ Hy Lạp, giúp cung cấp một ít manh mối về nguồn gốc của nó, phiến đá có niên đại từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Thế nhưng cuộc hành trình gần đây của phiến đá lại khiến cho các chuyên gia cảm thấy bối rối.

Phiến đá đã được chủ nhân của một ngôi nhà ở Whiteparish, ngôi làng ở miền Nam nước Anh, tình cờ phát hiện khoảng 20 năm trước, ở hòn non bộ trong vườn nhà cô.

Cô đã sử dụng phiến đá như là một giá đỡ để trèo lên lưng ngựa trong chuồng ngựa khoảng 10 năm, trước khi chú ý đến vòng nguyệt quế được khắc trên bề mặt của nó, theo một thông cáo báo chí từ nhà đấu giá Woolley & Wallis - nơi đang bán đấu giá phiến đá.

Will Hobbs, chuyên gia cổ vật tại Woolley & Wallis, nói rằng những đồ tạo tác như đá thường đến nước Anh trong thế kỷ thứ 18 và 19 khi giới quý tộc du ngoạn khắp Châu Âu để học hỏi về nghệ thuật và văn hóa cổ điển.

“Chúng tôi giả định rằng đó là cách phiến đá thâm nhập vào Vương quốc Anh, nhưng điều hoàn toàn bí ẩn là làm thế nào nó kết thúc cuộc hành trình của mình trong một khu vườn và đó là nơi chúng tôi mong muốn sự giúp đỡ của công chúng,” Hobbs tuyên bố.



Khu vườn nơi phiến đá được tìm thấy - Ảnh: Woolley & Wallis

Sau khi nhận biết các chi tiết trên phiến đá, chủ nhân gần đây của ngôi nhà đã giao nó cho một nhà khảo cổ học, người đã xác định được niên đại của nó là vào khoảng thế kỷ thứ hai với nguồn gốc có thể ở Hy Lạp hoặc Anatolia.

Phiến đá sẽ được bán đấu giá vào tháng 2 bởi Woolley & Wallis, với ước tính giá trị trước phiên bán đấu giá có thể lên đến 15.000 bảng Anh (tương đương 20.300 USD).

Các nhà bán đấu giá đang hỏi người dân địa phương xem liệu họ có biết ai sống ở khu vực này trong những thập kỷ gần đây hay không, vì họ muốn tìm kiếm manh mối về cách phiến đá này xuất hiện trong một khu vườn ở Anh.

Họ cũng đang đặt câu hỏi liệu có ai tham gia vào việc xây dựng ngôi nhà gỗ trên Đường Common ở Whiteparish vào giữa những năm 1960, vì điều này có thể gợi nhắc nguồn gốc của một vài đống gạch vụn đã được sử dụng.

“Ở đây ta có một số khả năng về nguồn gốc của phiến đá,” Hobbs cho biết.

“Cả hai dinh thự Cowesfield House và Broxmore House đều nằm rất gần Whiteparish và bị phá hủy vào năm 1949 sau khi bị trưng dụng bởi quân đội trong chiến tranh. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng ngôi nhà, nơi hiện nay là Công viên Paulton, đã bị hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 1963. Vì vậy, có thể những đống đổ nát từ đó đã được tái sử dụng tại các địa điểm xây dựng trong khu vực ngay sau đó.”

Vân Anh
(Lược dịch)