Trang chủ»Thể thao»Sự kiện thể thao

Sự kiện thể thao

Bất bình trước thềm lễ rước đuốc Olympic

Điểm khởi đầu của hành trình rước đuốc Olympic, Trung tâm Huấn luyện Quốc gia J-Village tại tỉnh Fukushima, đã đóng cửa, không tiếp bất kỳ ai khác ngoài 300 vận động viên và quan chức có tên trong danh sách tham gia buổi lễ. Mọi người có thể xem trực tiếp lễ rước đuốc qua livestream.

Nơi này từng được sử dụng làm căn cứ tiếp tế cứu trợ sau khi bộ ba thảm hoạ - sóng thần, động đất, và rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi - diễn ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011. Tỉnh Fukushima được chọn làm nơi bắt đầu buổi lễ rước đuốc nhằm phản ánh đời sống tại đây đã thay đổi như thế nào trong 10 năm qua. Từ điểm xuất phát, 10.000 vận động viên sẽ cầm ngọn đuốc chạy qua 47 tỉnh thành của Nhật Bản, tượng trưng cho lòng đoàn kết dân tộc.



Ảnh: edition.cnn.com/

Song, không phải ai cũng hưởng ứng thông điệp mà ban tổ chức muốn đưa ra. Vài người dân tại Fukushima cho biết tỉnh thành này chưa thật sự phục hồi sau thảm hoạ. Trong khi nhiều gương mặt nổi bật đã từ chối tham gia lễ rước vì quan ngại tình trạng Covid-19 như hiện tại.

Trước đó một tuần, ban tổ chức thông báo Thế vận hội 2020, từng bị hoãn do Covid-19, sẽ chính thức diễn ra từ ngày 23 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8 năm 2021, còn Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) sẽ diễn ra từ ngày 24 tháng 8 đến ngày 9 tháng 5.

Điểm khác biệt so với các kỳ Thế vận hội trước là khán giả nước ngoài không được phép đến xem trực tiếp. Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp và ban tổ chức lúng túng khi một sự kiện tầm cỡ bị trì hoãn quá lâu, nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ liệu Olympic có còn giữ được sức hút vốn có.



Bên ngoài một địa điểm rước đuốc ở thị trấn Naraha vào ngày 25 tháng 3 - Ảnh: edition.cnn.com/

Hình tượng bị hoen ố

Ngoài những vấn đề liên quan đến đại dịch, Thế vận hội 2020 còn dính nhiều vụ tai tiếng khác, từ chuyện logo là tác phẩm đạo nhái đến chuyện Chủ tịch Ban tổ chức Yoshiro Mori từ chức vì những bình luận xem thường nữ giới.

Đó là chưa kể những vụ lùm xùm liên quan đến cựu Thủ tướng Shinzo Abe, vốn từng muốn sử dụng sự kiện để đánh bóng tên tuổi cho kỳ bầu cử tiếp theo. Vì vậy, công chúng có cái nhìn thiếu thiện cảm dành cho Thế vận hội từ những ngày đầu Nhật Bản giành được quyền đăng cai tổ chức.

Trong khi đó, Saki Ookawara, phát ngôn viên của một tổ chức ủng hộ những nạn nhân phải di tản sau thảm hoạ hạt nhân, lại cho rằng thông điệp gửi gắm qua lễ hội rước đuốc không thật sát với thực tế.

Tuy nhiều cộng đồng đã từng bước hồi phục, hiện vẫn còn 35.703 người di tản vẫn chưa thể trở về sinh sống tại nhà mình ở tỉnh Fukushima, theo số liệu từ các cơ quan chính phủ tại địa phương. Ookawara bức xúc: “Tôi không hiểu tại sao nước mình lại tổ chức Olymic trong khi thảm hoạ hạt nhân vẫn chưa lo xong.”

Cả thế giới hướng về Nhật Bản

Barbara Holthus, phó chủ tịch Viện Nhật Bản Học tại Đức, cho biết: “Ý tưởng ban đầu là giới thiệu một đất nước Nhật Bản tuyệt vời đến với thế giới - vừa đổi mới hình ảnh quốc gia, vừa củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc. Dự kiến năm 2020 sẽ có hơn 40 triệu khách đến Nhật Bản, thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển. Nhưng chuyện không xảy ra như mong muốn, và Olympic dần trở thành một sự kiện thất bại về mọi mặt.”

Giờ đây ban tổ chức đang đau đầu chuẩn bị các sự kiện chính tại Tokyo thật an toàn, khi tình trạng khẩn cấp do làn sóng dịch thứ ba vừa chỉ kết thúc khoảng một tuần trước.

Cơ quan chức năng không những phải bảo vệ các vận động viên, mà còn phải quan tâm đến mọi người sinh sống tại vùng đô thị đông dân nhất thế giới này. Đó là chưa kể đến vấn đề dân số già tại Nhật Bản cũng như những chậm trễ trong công tác triển khai tiêm phòng vaccine.

Vì Thế vận hội 2020 tại Tokyo là sự kiện thể thao toàn cầu đầu tiên được tổ chức trong thời đại dịch, mọi biện pháp y tế được triển khai - bất kể thành công hay không - đều sẽ là những bài học đáng giá cho những sự kiện thể thao tầm cỡ về sau. Có thể nói, chương trình phòng chống vi-rút Corona của Tokyo sẽ là một điểm nhấn khó phai trong lịch sử Thế vận hội.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán