Trong giai đoạn Chiến Quốc ở Nhật Bản cuối thế kỷ 16, các chiến binh tự nâng cao kỹ năng thực chiến của mình trên chiến trường. Những kỹ thuật chiến đấu được thử nghiệm dưới một hệ thống khắc nghiệt. Trong nhiều trại huấn luyện chiến binh thời đại này, thanh kiếm bằng gỗ hay còn gọi là bokuto được sử dụng để hạn chế mức độ nguy hiểm cho binh sĩ. Giai đoạn này, kiếm thuật được gọi là kenjutsu.
Trận chiến Sekigahara đã chấm dứt chuỗi ngày chiến tranh ở Nhật Bản. Dưới triều đại của tướng Tokugawa, hòa bình đã đến với xứ sở hoa anh đào. Sự bình yên này làm giảm đáng kể số lượng các trại huấn luyện mặc dù không hoàn toàn bị xóa sạch. Để tiếp tục cung cấp cho học viên cảm giác chiến đấu thực sự mà không nguy hiểm đến tính mạng, nhiều trường học đã sử dụng “shinai” như một công cụ đào tạo. Được thiết kế vào đầu thế kỷ 18, shinai ban đầu được làm bằng nhiều miếng tre bọc trong một túi lụa hoặc da, có thể được sử dụng để chiến đấu nhưng không gây thương tích nặng nề cho đối thủ như những thanh kiếm làm bằng thép hoặc gỗ rắn.
Đồ bảo hộ (bogu) được phát triển từ bộ giáp samurai nhưng có trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều dùng để bảo vệ đầu, cổ tay và cơ thể. Đây được xem là những vị trí trọng yếu để nhanh chóng chiến thắng đối thủ và kết thúc trận đấu.
Ảnh: www.capitalareabudokai.org
Trong thời kỳ Minh Trị, chính quyền nỗ lực xóa sổ tất cả tàn dư của samurai, bao gồm cả võ thuật. Đấu kiếm không còn được công nhận rộng rãi nhưng cũng không bị lãng quên. Đến năm 1895, đấu kiếm được khôi phục bởi Hiệp hội Võ thuật-Butokukai. Năm 1911, Kendo lần đầu tiên được giới thiệu trong chương trình giảng dạy của các trường học tại Nhật Bản. Năm 1912, Kendo no kata đã được thêm vào để nhắc nhở học sinh rằng shinai là đại diện cho một thanh kiếm thực sự.
Trong thời kỳ Thế chiến II, Kendo và nhiều loại hình võ thuật khác là những môn học bắt buộc vì chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản và được sử dụng để nuôi dưỡng tư tưởng chiến tranh trong nhân dân.
Sau Thế chiến II, quân Đồng Minh đã áp đặt lệnh cấm đối với tất cả các hoạt động võ thuật ở Nhật Bản từ năm 1945 đến năm 1947. Đến năm 1952, Kendo được tái thiết lập với mục tiêu phát triển kỹ năng và rèn luyện tính cách thông qua thanh kiếm.
Đình Phú
(Lược dịch)