Những môn võ thuật tương tự như Sumo đã được trình diễn trên thế giới từ rất lâu. Một số môn vẫn còn được duy trì đến tận ngày nay như Ssireum ở Hàn Quốc, Boke ở Mông Cổ và Yağlı Güreş ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Nhật Bản, những bức tượng nhỏ của các đô vật Sumo được khai quật có niên đại từ giữa thế kỷ thứ 3 và thế kỷ thứ 7. Sumo được nhắc đến trong các thần thoại và truyền thuyết như Kojiki and Nihon Shoki (những cuốn sách lịch sử Nhật Bản được viết vào thế kỷ thứ 8). Khi đến mùa vụ trồng lúa, người Nhật sẽ tổ chức những trận đấu Sumo để cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu hay để dự đoán kết quả thu hoạch của vụ mùa năm đó có tốt hay không. Trong thời kỳ Nara (710-794) và Heian (794-1192), Sumo đã trở thành một sự kiện được tổ chức tại triều đình và những trận so tài diễn ra trước sự chứng kiến của hoàng đế.
Trong suốt thời kỳ Samurai, sức mạnh cơ thể là rất quan trọng đối với các chiến binh và những gia đình Samurai bắt đầu sử dụng các đô vật Sumo. Theo như sử sách, lãnh chúa Oda Nobunaga là một tín đồ của Sumo vì vậy ông đã kêu gọi các đô vật hội tụ lại để tổ chức các giải đấu hàng năm.
Đấu trường Sumo Ryōgoku Kokugikan
Về cơ bản, Sumo ngày nay được lấy nguyên bản từ thời kỳ Edo. Các trận đấu được tổ chức nhằm quyên góp xây dựng đền thờ, chùa chiền hoặc tu sửa cầu đường. Từ một môn thể thao chỉ dành cho giới nhà giàu và những người có thế lực, Sumo dần trở nên phổ biến hơn trong quần chúng và các võ sĩ Sumo chuyên nghiệp được sinh ra. Các sự kiện Sumo thường được tổ chức tại Edo (nay là Tokyo), Osaka và Kyoto. Chính phủ lúc bấy giờ không chấp thuận các sự kiện có tính chất chiến đấu nên đã ban hành lệnh cấm Sumo.
Vì lý do này, các nhà tổ chức trận đấu quyết định tạo ra một bộ quy tắc, bao gồm cả việc tạo ra danh sách 48 bước di chuyển hợp lệ và vòng tròn giới hạn trên sàn đấu, những điều này vẫn được duy trì đến tận ngày nay. Một hệ thống trường lớp đã được tạo ra để đào tạo các đô vật.
Rất nhiều khía cạnh văn hóa xưa của Nhật Bản được duy trì trong môn Sumo như tục búi tóc, trang phục truyền thống... Sumo chuyên nghiệp không chỉ là một môn thể thao mà còn là minh chứng sống động về văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Khi tham gia vào những sự kiện ở nước ngoài, các võ sĩ Sumo phụng sự như những đại sứ văn hóa của Nhật.
Đình Phú
Theo web-japan.org