Trang chủ»Văn hóa xã hội»Sức khỏe - Thực phẩm

Sức khỏe - Thực phẩm

Thêm cảnh báo về hạt nở làm đồ chơi cho trẻ

Hạt nở có thể hút nước và trương lên to như viên bi hay thậm chí là bóng golf. Nếu nuốt phải, loại hạt này có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hoá.



Hạt nở thường được quảng bá là loại đồ chơi đầy sắc màu với độ nhớt nhất định khiến trẻ thích thú cầm nắm - Ảnh: Smith Collection/Getty Images

Mặc cho các vụ thương tích và cảnh báo an toàn được truyền thông đưa tin suốt nhiều năm liền, hạt nở vẫn là mối hiểm hoạ khôn lường đối với trẻ em, theo công bố của Ủy ban An toàn cho Người tiêu dùng (CPSC) hôm 19/3.

Hạt nở thường được quảng bá là loại đồ chơi đầy sắc màu với độ dính nhất định khiến trẻ thích thú cầm nắm. Một số loại bé bằng cườm đính tai nên rất dễ bị trẻ nuốt phải. Song, khi hút nước, chúng sẽ trương lên thành viên bi hay thậm chí lớn bằng quả bóng golf, vì vậy mà có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hoá.

Chỉ trong 5 năm (2018-2022), CPSC ghi nhận gần 7.000 ca thương tích đường tiêu hoá liên quan đến hạt nở. Trong tuần thứ 2 của tháng 3, cơ quan này đăng tin cảnh báo hạt nở của 2 hãng Jangostor và Tulado có nguy cơ gây ngộ độc, khuyến khích người mua nên bỏ chúng đi. Được biết, hai loại này bắt đầu bày bán trên Amazon từ tháng 11/2023.

CPSC nói mức acrylamide ở cả 2 loại hạt đều vượt ngưỡng an toàn. Đây là chất gây ung thư; với liều lượng lớn, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống thần kinh và sinh sản.

Thông báo CPSC có đoạn: “Cảnh báo sản phẩm nhấn mạnh hạt nở không chỉ nguy hiểm cho hệ tiêu hoá hay làm tắc nghẽn các cơ quan khác mà còn có cả acrylamide gây ung thư nữa. Mức acrylamide trong hạt nở hoàn toàn vi phạm ngưỡng do Luật Vật chất Nguy hại Liên bang đặt ra.”

Cả Jangostor và Tulado, hai nhãn hiệu hạt nở Trung Quốc, vẫn “chưa đồng ý thu hồi sản phẩm”, theo CPSC. Được biết cơ quan này đã liên tục yêu cầu thu hồi và đưa ra cảnh báo suốt nhiều năm qua, trong khi các phụ huynh, các tổ chức phi lợi nhuận, và giới làm luật cũng vận động cấm hoàn toàn các loại hạt nở. Amazon, Walmart, và Target trong tháng 12/2023 có thông báo sẽ ngừng bán hạt nở hoàn toàn.

Thông báo của CPSC nhấn mạnh nếu trương lên bên trong cơ thể, hạt nở có thể “gây khó chịu cực độ, làm nôn mửa, mất nước, tắc nghẽn đường tiêu hoá, hay gây ra các chấn thương nguy hiểm, cần phải phẫu thuật”.

Tiến sĩ Elizabeth Murray, Bác sĩ chuyên khoa cấp cứu nhi tại Đại học Rochester kiêm phát ngôn viên Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), cho biết: “Hạt nở dễ nuốt và một khi đã nuốt phải, nó sẽ trương lên trong hệ tiêu hoá của trẻ. Vấn đề trở nên trầm trọng khi hạt nở quá lớn, làm dị vật cản trở các hệ thống bên trong cơ thể.”

Murray cho biết nhiều trẻ cũng phải vào phòng cấp cứu vì hạt nở mắc kẹt trong mũi hay ống tai làm trẻ đau nhức, thậm chí nhiễm trùng: “Có thể nói hàng tháng lại có vài ba trường hợp nhập viện vì hạt nở.”

Theo healthychildren.org - trang thông tin được AAP khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên đợi tất cả con trẻ trong nhà đều từ 3 tuổi trở lên rồi mới mua hạt nở và phải giám sát thật chặt chẽ khi các trẻ chơi. Bố mẹ cũng nên cho hạt nở vào lọ đóng thật kín, để xe tầm tay trẻ nhỏ và chỉ cho phép trẻ chơi với hạt nở trên mặt bàn đặt trên sàn cứng, còn các hạt rơi xuống đất thì quét hay dùng máy hút thu gom rồi vứt đi.

Murray cũng khuyên các bậc phụ huynh chỉ cho phép trẻ chơi với một nắm hạt nở và bỏ chúng vào khay, thau, hay hộp lớn để chúng không lăn khỏi bàn, rơi xuống đất, tránh được nguy cơ trẻ nhỏ tìm thấy và nuốt phải.

Ashley Haugen, bà mẹ hai con sống tại San Antonio, vào năm 2017 tặng con gái lớn hạt nở mừng bé lên 6. Một tuần sau, cô phát hiện con gái nhỏ Kipkey, khi đó mới 1 tuổi, bị nổi mẩn đỏ quanh miệng, liên tục quấy phá, khỏ ngủ. Hai tháng sau đó, Kipley bắt đầu nôn mửa thất thường.

Tại phòng cấp cứu, bác sĩ phát hiện có vật tròn kẹt trong ruột non Kipley nên thực hiện phẫu thuật lấy dị vật ra. Tất cả bàng hoàng khi phát hiện đó là hạt nở. Haugen cho biết tình hình con cô tệ đi ngay cả khi đã được phẫu thuật: các tuần sau đó, bé hậu đậu hơn, không còn nói bập bẹ, và cũng không cử động tay để ra dấu hiệu.

Hoá ra hạt nở Kipley nuốt phải có chứa acrylamide. Haugen kể lại: “Bác sĩ nhi chuyên khoa phát triển chẩn đoán cháu bị nhiễm độc não do tiếp xúc với hoá chất nguy hiểm. Điều này thay đổi hoàn toàn tương lai con tôi.”

Vào năm 2022, Haugen lập ra “That Water Bead Lady”, một tổ chức phi lợi nhuận đặt mục tiêu nâng cao nhận thức về hiểm hoạ hạt nở, hỗ trợ các gia đình có con bị thương tích do hạt nở gây ra, và vận động cấm bày bán hạt nở.

Dự luật cấm hạt nở, được kỳ vọng sẽ cấm hầu hết các loại đồ chơi có hạt nở, được Dân biểu Frank Pallone Jr. - chính trị gia Đảng Dân chủ tại New Jersey - đề xuất và là một trong những thành quả của tổ chức do Haugen đứng đầu.

Haugen cho rằng dù có thực hiện tất cả các khuyến cáo an toàn thì vẫn không thể bảo vệ được trẻ. Cô nói: “Hạt nở trông rất giống kẹo, chúng nhỏ xíu, dễ vương ra khắp nơi, nẩy lên, lăn tròn, rồi ở yên tại góc kẹt nào đó trong nhà bạn suốt nhiều năm liền mà không ai hay biết. Chúng không phải đồ chơi, và không nên được đưa cho trẻ con chơi. Đơn giản vậy thôi.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán