Ảnh: goodhousekeeping.co.uk
Một vị giáo sư tâm lý học đang giảng dạy các nguyên tắc quản lý căng thẳng trong một giảng đường đầy sinh viên. Khi cô nhấc một ly nước lên, tất cả mọi người đều cho rằng họ sẽ nhận được câu hỏi “ly nước đầy nửa ly hay cạn nửa ly” kinh điển. Thay vào đó, giáo sư nở nụ cười hỏi các sinh viên, “Chiếc ly tôi đang cầm trên tay nặng bao nhiêu?”
Sinh viên đưa ra các câu trả lời từ 200 gram đến 1 kg.
Cô trả lời, “Theo quan điểm của tôi, trọng lượng chính xác của cái ly này kì thực không quan trọng. Tất cả phụ thuộc vào việc tôi giữ nó trong bao lâu. Nếu tôi cầm nó trong một vài phút, nó khá nhẹ. Nếu tôi giữ nó trong một giờ đồng hồ, trọng lượng của nó có thể làm cho cánh tay của tôi bị đau một chút. Còn nếu tôi cầm nó trong một ngày liền, cánh tay tôi có thể bị chuột rút và cảm thấy tê liệt, buộc tôi phải đặt chiếc ly xuống bàn. Trong mỗi trường hợp, trọng lượng của chiếc ly không hề thay đổi, nhưng giữ lấy nó càng lâu, nó sẽ càng nặng hơn với tôi.”
Khi cả lớp gật gù đồng ý, cô tiếp tục: “Những căng thẳng và lo lắng của bạn trong cuộc sống rất giống với ly nước này. Suy nghĩ về chúng trong một khoảng thời gian ngắn thì không có gì xảy ra. Suy nghĩ về chúng lâu hơn một chút và bạn sẽ bắt đầu “đau” một chút. Nghĩ đến chúng suốt cả ngày dài, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và tê liệt, không thể làm bất cứ điều gì khác cho đến khi bạn buông được chúng.”
Bài học: Điều quan trọng là bạn nên nhớ buông bỏ những căng thẳng và lo lắng. Cho dù điều gì xảy ra vào trong ngày, hãy đặt tất cả các gánh nặng xuống càng sớm càng tốt. Đừng mang theo chúng qua đêm và cả ngày hôm sau. Nếu bạn vẫn cảm thấy áp lực của căng thẳng của ngày hôm qua, đó là một dấu hiệu cho thấy rằng đã đến lúc bạn nên đặt “chiếc ly” xuống.
Minh Tâm Huỳnh
(Lược dịch)