Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật

Văn học - Nghệ thuật

Nhạc cụ mới phỏng theo âm thanh của núi rừng

Niềm đam mê mãnh liệt đối với các nhạc cụ truyền thống từ vùng Tây Nguyên thôi thúc ông Nguyễn Trường, hiện đang sinh sống ở Đắk Lắk, chế tác ra một nhạc cụ độc đáo - cây vĩ cầm làm bằng tre.



Ông Nguyễn Trường biểu diễn với cây vĩ cầm được làm bằng tre mà ông đặt tên là viokram - Ảnh: Vỹ Cầm Viokram Facebook

Với tên gọi viokram - sự kết hợp giữa vĩ cầm và kram, có nghĩa là tre trong thổ ngữ của người dân tộc Êđê. Nhạc cụ này nhẹ hơn cây vĩ cầm truyền thống và tạo ra những giai điệu đặc trưng mang âm hưởng của vùng núi rừng Tây Nguyên.

Theo ông Trường, không những là nhạc sĩ mà còn là cựu giảng viên âm nhạc của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, viokram là sản phẩm gần đây nhất của ông và ông đã dành phần lớn thời gian để nghiên cứu trước khi bắt tay vào thực hiện.

“Nhạc cụ này được làm bằng tre, một vật liệu có rất nhiều trong tự nhiên”, ông nói. “Khi chơi nhạc, nhạc cụ sẽ phát ra âm thanh giống như tiếng gió thổi ngang qua khu rừng hay dòng suối đang chảy róc rách, cả hai rất giống nhau nhưng cũng rất khác biệt.”

Việc tạo ra viokram đã giúp làm phong phú bộ sưu tập các nhạc cụ truyền thống của ông Trường.

Tình yêu của ông dành cho các nhạc cụ, chẳng hạn như đàn T’rưng, đàn tứ và và đàn klông pút đã được minh chứng bởi cách ông lưu trữ chúng một cách sạch sẽ và ngăn nắp ở một góc nhà.

“Nhà tôi không có gì giá trị ngoại trừ bộ sưu tập các nhạc cụ, vốn là kết quả của nhiều năm theo đuổi âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên”, ông nói.

“Một khi bạn đam mê, bạn không thể thoát ra được.”

Mặc cho niềm đam mê nhạc cụ truyền thống, ông Trường theo học một nhạc cụ hiện đại - đó là đàn vĩ cầm - tại trường Cao đẳng Âm nhạc Quốc gia Huế, nay là Học viện Âm nhạc Huế.

Sau khi tốt nghiệp năm 1980, ông chuyển đến Đắk Lắk để sống và làm việc, đảm nhiệm nhiều vị trí như giảng viên âm nhạc hay trưởng phòng đào tạo tại Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Đây là thời điểm niềm đam mê của ông với nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số được hình thành.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh lực giảng dạy âm nhạc, ông trải nghiệm niềm đam mê âm thanh và nắm giữ khối lượng lớn kiến thức về âm nhạc, âm thanh và thanh nhạc.

Không chỉ chế tạo và chơi các loại nhạc cụ truyền thống, ông Trường còn có thể chơi nhiều loại nhạc cụ hiện đại từ phương Tây, chẳng hạn như vĩ cầm và mandolin, những loại nhạc cụ giúp cho ông lên ý tưởng mới về âm nhạc.

Khi về hưu, ông Trường có sở thích thu thập và học cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Theo ông, hầu hết các nhạc cụ truyền thống trong vùng đều làm từ tre nứa như đàn T’rưng, đing clé và sáo, và chúng đều bị giới hạn về chất lượng âm thanh và cách chơi.



Ông Trường cùng một vị khách nước ngoài khi chơi thử cây đàn viokram - Ảnh: Vỹ Cầm Viokram Facebook

Với mục tiêu tăng thêm “chất lượng cho âm thanh” của Tây Nguyên, ông đã lên ý tưởng kết hợp chất liệu truyền thống với nhạc cụ phương Tây, và đàn viokram ra đời.

“Một phần tên gọi của viokram xuất phát từ ngôn ngữ tiếng Êđê, một dân tộc thiểu số chiếm số đông ở Tây Nguyên. Và cây đàn có 4 dây,” ông cho biết.

“Trong khi đàn vĩ cầm được làm từ gỗ sồi, loại gỗ vừa khó kiếm vừa đắt tiền ở Việt Nam, viokram được làm từ tre, một nguyên liệu rẻ tiền và dễ kiếm hơn nhiều. Nhạc cụ này có thể được làm với nhiều kích cỡ khác nhau, dành cho cả người lớn và trẻ con, và có thể diễn độc tấu hoặc trong một dàn nhạc.”

Mặc cho sự đơn giản của chất liệu, việc chế tạo viokram đòi hỏi sự cẩn thận và chính xác trong quá trình đục đẽo và lắp ráp để tạo ra âm thanh phù hợp, ông cho biết.

Theo nhạc sĩ Y San Alio, trưởng đoàn ca múa nhạc Đắk Lắk, viokram thật sự là một nhạc cụ độc đáo.

“Bằng cách sử dụng chất liệu quen thuộc của Tây Nguyên, ông Trường lên ý tưởng về nhạc cụ có thể tạo ra âm thanh độc đáo của núi rừng, đồng thời phù hợp để chơi với các loại nhạc cụ khác”, ông nói.

“Hy vọng là viokram sẽ tìm được chỗ đứng trong các loại nhạc cụ truyền thống của Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần trong việc bảo tồn âm nhạc truyền thống.”

Viokram vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi cho công chúng, và chỉ có bạn bè của ông Trường và các nhạc sĩ địa phương biết đến sự tồn tại của nó.

“Một vài người khách ngoại quốc đến thăm và đề nghị mua cây đàn, nhưng tôi vẫn chưa bán cho bất kỳ ai,” ông cho biết.

Ông Trường cũng mở lớp dạy nhạc tại nhà, nơi ông dạy trẻ em địa phương học các nhạc cụ truyền thống và cả đàn viokram.

“Tôi hy vọng sẽ truyền niềm đam mê âm nhạc và nhạc cụ truyền thống cho thế hệ mai sau,” ông cho biết thêm.

Vân Anh
(Lược dịch)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán