Các nhà nghiên cứu tại Tây Úc không chỉ cho rằng các bạn thanh thiếu niên nên xem một bộ phim dài tập về giáo dục giới tính mà còn khuyến cáo các bậc phụ huynh nên xem cùng con em mình.
Bộ phim đó chính là Sex Education (Giáo dục giới tính) hiện có mặt trên Netflix. Bộ phim hài dài tập lấy bối cảnh một ngôi trường cấp 3 tại Anh xoay quanh cậu học sinh làm “dịch vụ” tư vấn tình dục cho các bạn đồng trang lứa tại trường. Với sự góp mặt của Gillian Anderson ở vai mẹ cậu học sinh trên, bộ phim đã nhận được nhiều lời tán dương khi thể hiện các mối quan hệ và tình dục thời niên thiếu dưới một cái nhìn cởi mở và tích cực.
Hai diễn viên chính trong phim: Asa Butterfield (trái) và Gillian Anderson (phải) - Ảnh: Netflix
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Edith Cowan đã khảo sát cách bộ phim thể hiện tình dục, phim ảnh khiêu dâm cũng như các mối quan hệ tình cảm và kết luận rằng bộ phim có lẽ là tư liệu giáo dục giới tính còn tốt hơn các chương trình chính thức được giảng dạy tại trường học.
Phó giáo sư Debra Dudek, chủ nhiệm nghiên cứu này, cho biết trên màn ảnh nhỏ lẫn trong thực tế, các bạn thanh thiếu niên tò mò muốn biết thêm về tình dục nhưng khó có thể tìm được thông tin ở “các kênh chính thống”. Các buổi giáo dục giới tính tại trường chủ yếu khuyến cáo cách tránh thai hay tránh các bệnh hoa liễu thay vì dạy các bạn những gì các bạn muốn biết.
Phó giáo sư phát biểu: “Chúng tôi muốn biết hiệu quả chương trình giáo dục giới tính tại trường trung học, bởi các bạn trẻ đều nói rằng các chương trình này không trả lời được câu hỏi của các bạn. Sex Education dường như làm được điều đó. Bộ phim không chỉ trả lời các thắc mắc về giáo dục giới tính, mà tự nó còn là tư liệu giáo dục giới tính nữa.”
Trong khi các bậc phụ huynh cấm cản các bạn thanh thiếu niên tìm kiếm phim ảnh khiêu dâm trên mạng, bộ phim lại cho thấy việc này có thể giúp ích phần nào.
Phó giáo sư cho biết: “Nghiên cứu muốn tìm hiểu liệu tiếp xúc với các sản phẩm khiêu dâm có hại hay không. Trong bộ phim, hành động trên được xem là cũng có một vài lợi ích nhất định. Điều này chống lại tư tưởng bảo thủ cho rằng người lớn cần bảo vệ trẻ em khỏi những văn hoá phẩm đồi trụy, trong khi các bạn trẻ lại chỉ muốn nói: “Thật ra chúng con không thấy chúng có vấn đề gì cả, đáng lo hơn là chuyện chúng con bị bắt nạt hay phải chứng kiến cảnh động vật bị ngược đãi”.”
Tiến sĩ Giselle Woodley và Giáo sư Leila Green, cộng sự của Dudek trong nghiên cứu trên, cho rằng tuy Sex Education mới nhìn qua có vẻ không phải một bộ phim dành cho gia đình nhưng nó có thể là xuất phát điểm cho nhiều cuộc bàn luận, trao đổi quan trọng. Giáo sư Green nhận định bộ phim là “chủ đề thú vị giúp bắt đầu những cuộc thảo luận giữa phụ huynh và trẻ”. Cô còn nói: “Hãy cứ để các bạn trẻ bắt đầu cuộc nói chuyện trước.”
Được biết nghiên cứu này nằm trong Dự án Khám phá của Hội đồng Nghiên cứu tại Úc và đã được công bố trong tạp chí Information, Communication and Society.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)