Bức bình phong sơn mài 6 tấm của hoạ sĩ Phạm Hậu với tựa đề “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long”, từng thuộc sở hữu của vị vua cuối cùng ở Việt Nam, vừa được bán ở Hong Kong với giá 1,25 triệu USD.
Bức bình phong 6 tấm “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” của họa sĩ Phạm Hậu - Ảnh: Bonhams
Bức tranh này từng được Vua Bảo Đại (1913-1997) sở hữu. Mới đây, bức tranh được Bonhams - nhà đấu giá quốc tế - rao bán tại phiên “Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Đông Nam Á”. Được biết đây là lần đầu tiên một bức vẽ từng thuộc sở hữu của nhà vua được mang đi đấu giá.
Chưa từng được công bố kể từ khi thành hình, “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” là bức sơn mài 6 tấm với diện tích 100cm × 195,8cm vẽ lại quang cảnh Vịnh Hạ Long, địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Bernadette Rankine, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Bonhams, nhận xét: “Bức bình phong sơn mài này là một phát hiện đáng chú ý không chỉ vì nguồn gốc hoàng gia mà còn vì cách phối màu độc đáo, những đường nét tinh xảo, cùng độ quý hiếm của tác phẩm. Thật đáng hoan nghênh khi tuyệt tác này mang lại một kỷ lục mới cho họa sĩ Phạm Hậu.”
Bức tranh từng được trao tặng cho Edgar Ansel Mowrer (1892-1977), nhà báo người Mỹ từng đạt giải Pulitzer vào năm 1951 khi ông đến thăm Việt Nam. Được biết vào cuối chuyến đi, ông có gặp Vua Bảo Đại tại Đà Lạt. Vua Bảo Đại đã nhiều lần đặt tranh và bình phong từ họa sĩ Phạm Hậu nhằm bổ sung cho bộ sưu tập hay làm quà tặng cho các chính khách.
Hoạ sĩ Phạm Hậu (1903-1995) nổi tiếng với nhiều tác phẩm hòa quyện các nguyên tắc nghệ thuật cũng như trường phái tư tưởng Đông và Tây. Theo nhận xét của nhà đấu giá thì các bức tranh phong cảnh hữu tình của ông “cho ta cái nhìn sắc nét và tinh tế về văn hóa Việt Nam”.
Tháng 6 vừa qua, bức tranh “Thác Bờ” (Landscapes with Junks) của họa sĩ Phạm Hậu giúp nhà đấu giá Aguttes ở Pháp thu về 1 triệu USD.
Bên cạnh Phạm Hậu, nhiều hoạ sĩ Việt Nam cũng có tác phẩm bán đấu giá ở nước ngoài như Mai Trung Thứ (1906-1980) với bức tranh “Lady Playing a Nguyet Cam”, Lê Phổ (1907-2001) với bức tranh “Les Bleuets” lần lượt được bán với giá hơn 1 triệu USD và hơn 120.000 USD.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)