Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật

Văn học - Nghệ thuật

Ý giành chiến thắng cuộc thi Eurovision năm 2021

Sau khi chiến thắng, Damiano David, trưởng ban nhạc Maneskin, đã phát biểu: “Chúng tôi chỉ muốn nói cho toàn Châu Âu, toàn thế giới biết rằng rock 'n' roll sẽ mãi trường tồn.”

Những bộ cánh lấp lánh, những kỹ xảo sân khấu bốc lửa, cùng những giọng hát bùng nổ, tất cả đều đã trở nên quá quen thuộc sau mỗi mùa Eurovision. Dù sao thì đây cũng là sự kiện nhiều người xem nhất thế giới nếu không tính đến các trận đấu thể thao, vì vậy nó cần phải đủ hoành tráng để mỗi năm có thể thu hút hàng triệu khán giả từ Reykjavik cho đến Sydney.

Song, vì đại dịch mà khó ai có thể hình dung được sự kiện năm nay diễn ra như thế nào. Hà Lan đã vô cùng cẩn thận khi tổ chức cuộc thi tại Rotterdam trong khi Covid-19 vẫn còn hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới.



Sự kiện diễn ra tại Ahoy Arena ở Rotterdam cân nhắc nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Bernd Riegert

Tuy nhiên, 3.500 khán giả được trực tiếp thưởng thức các buổi diễn tại sân khấu Ahoy cũng đã khiến không khí náo nhiệt, lan toả sự hào hứng vượt khỏi biên giới Hà Lan - quốc gia được chọn làm chủ nhà sau khi chiến thắng Eurovision 2019.

Khi đại dịch đạt đỉnh điểm năm 2020, các nhà tổ chức tại Rotterdam buộc phải huỷ Eurovision lần đầu tiên trong lịch sử 65 năm tổ chức cuộc thi này. Họ đảm bảo màn trình diễn năm nay sẽ bù đắp cho khoảng thời gian khán giả phải đợi chờ từ cuộc thi năm 2019 tại Tel Aviv.

Quốc gia giành chiến thắng chung cuộc

Thật bất ngờ khi Ý vươn lên vị trí dẫn đầu sau một quá trình bầu chọn phức tạp. Với đại diện là ban nhạc Maneskin cùng bản glam-rock “Zitti e Buoni”, Ý bất ngờ nhận được lượng lớn lượt bình chọn vào những phút cuối của đêm sự kiện khá dài. Ngay chính Maneskin cũng không tin họ có thể giành vị trí quán quân.

Chiến thắng này đánh dấu lần thứ ba Ý đăng quang tại cuộc thi. Lần gần đây nhất là vào năm 1990, phần thắng thuộc về Toto Cutugno. Sự kiện năm đó được tổ chức tại Nam Tư, quốc gia hiện nay không còn tồn tại trên bản đồ nữa.

Người thắng cuộc do công chúng bình chọn

Đôi khi, những bản ballad - như bài hát dự thi của ca sĩ Barbara Pravi từ Pháp năm nay hay bài hát “Amar Pelos Dois” mang lại chiến thắng cho Salvador Sobral, đại diện của Bồ Đào Nha, năm 2017 - cũng giành được điểm số cao, nhưng đó chỉ là những ngoại lệ.

Các bài nhạc rock như “Zitti E Buoni” càng ít có cơ hội xuất hiện tại đêm chung kết và chiếc cúp thường thuộc về những bản pop sôi động. Tuy nhiên, chiến thắng của Ý năm nay không phải ngoại lệ duy nhất. Ban nhạc Lordi đến từ Phần Lan đã giành được chức quán quân năm 2006 với bản nhạc heavy metal khá nặng “đô”. Cuối cùng thì quyết định thuộc về các lượt bình chọn của công chúng. Kết quả luôn là một sự bất ngờ và cũng lắm lúc lại là nỗi thất vọng.

Năm nay, đại diện của Anh, Đức, Tây Ban Nha, và Hà Lan đều nhận 0 điểm mục bình chọn công chúng - điều khiến khán giả tại sân khấu Ahoy vô cùng kinh ngạc. Tuy nhiên, khán giả vẫn dành tràng vỗ tay động viên cho những ứng viên điểm thấp này.



Ban nhạc Jendrik của Đức không nhận được lượt bầu chọn nào từ khán giả. Ứng viên của Anh và Tây Ban Nha cũng chịu tình cảnh tương tự - Ảnh: dw.com

Cơ hội “Rộng Mở”

Bao dung là chủ đề chính của cuộc thi năm nay. Khẩu hiệu “Rộng Mở” (“Open Up”) được chọn nhằm ám chỉ tình cảnh hiện tại, khi thế giới dần trở lại nhịp sống bình thường, các sự kiện và doanh nghiệp dần mở cửa hoạt động trở lại. Tuy vậy, ý tưởng này được thể hiện qua rất nhiều khía cạnh khác nhau của đêm diễn.

Như đại diện cho Hà Lan - ca sĩ Jeangu Mcrooy đến từ Suriname - chẳng hạn, bài hát “Birth Of A New Age” đầy da diết của anh được thể hiện qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có Sranan Tongo, một dạng ngôn ngữ lai được sử dụng tại quê hương anh, có nguồn gốc từ tiếng Anh.

Na Uy lại cử TIX tham gia cuộc thi với bài hát “Fallen Angel”. Ca sĩ TIX mắc hội chứng Tourette. Anh cũng là một nhà hoạt động nâng cao nhận thức về sức khoẻ tinh thần tại quê nhà.

Đại diện cho tiểu quốc San Marino là ca sĩ Senhit cùng sự góp mặt của rapper người Mỹ Flo Rida. Màn biểu diễn khiến khán giả lẫn các bên cá cược ngạc nhiên vì tính độc đáo của nó. Đây không phải lần đầu tiên một nhân vật có tên tuổi góp mặt trong cuộc thi. Năm 2009, đại diện của Đức đã mời người mẫu Dita von Teese tham gia phần trình diễn với mình.



Ảnh: Peter Dejong

Vượt khỏi những khuôn mẫu

Các bộ phục trang ra mắt trên sân khấu năm nay cũng đi theo tinh thần “Rộng Mở”, với nhiều thiết kế táo bạo, phá bỏ các khuôn mẫu về giới nhằm truyền tải thông điệp về tính bao dung trong sự đa dạng, vốn luôn được Eurovision đề cao.

Như ban nhạc giành chiến thắng năm nay chẳng hạn. Họ không chỉ bùng cháy nhờ màn biểu diễn mà còn nhờ bộ trang phục gợi nhớ đến văn hoá hộp đêm Châu Âu đầu thế kỷ 20.

Thuỵ Điển lại cử ca sĩ Tusse với bài hát “Voices” đến tham gia cuộc thi. Bộ quần áo đỏ sặc sỡ của anh càng nổi bật hơn nhờ đôi găng màu đen kéo dài quá khuỷu.

Đại diện của Đức thẳng thừng hát “I Don’t Feel Hate” như “quà tặng” cho những ai ghen ghét hay kỳ thị anh. Trong khi đó, ca sĩ 22 tuổi Gjon’s Tears đến từ Thuỵ Sĩ lại mặc chiếc áo chiffon tối màu có hoa văn bạc lấp lánh. Anh mê hoặc khán giả không chỉ bằng chiếc áo bóng bẩy mà còn bằng chất giọng cao và thanh qua phần thể hiện bài “Tout l’Univers”.



Gjon’s Tear mê hoặc khán giả bằng chất giọng cuốn hút và cách phối đồ bóng bẩy - Ảnh: Vyacheslav Prokofyev

Các quý cô cũng không kém cạnh trong việc phá bỏ những quy chuẩn ăn mặc có phần lạc hậu. Ví dụ như Manizha đến từ Nga và Victoria đến từ Bulgaria đều mặc những trang phục thường nhật khiến họ cảm thấy thoải mái thay vì các bộ đầm váy tuy đẹp nhưng lại gò bó. Họ đại diện cho một thế hệ mới, rộng mở hơn và một tầm nhìn thoáng hơn về bản dạng giới.

Cảm hứng những năm 1990

Bên cạnh những bức phá mới lạ tại cuộc thi Eurovision năm 2021 là những thiết kế trước đây từng làm mưa làm gió. Đó là những bộ quần áo lấy cảm hứng từ những ngôi sao trong làng âm nhạc cũng như ngành giải trí nói chung.

Trưởng nhóm nhạc Hooverphonic đến từ Bỉ nhìn không khác gì nữ ca sĩ Lulu nổi tiếng được người dân Anh Quốc yêu mến. Trong khi đó, ca sĩ 18 tuổi Stefania đến từ Hy Lạp lại khuấy động sân khấu với thiết kế gần như là bản sao hoàn hảo bộ phục trang được nữ hoàng dòng nhạc Tejano - Selena - mặc vào năm 1995.

Nhóm nhạc “The Roop” đại diện cho Litva lại lấy cảm hứng từ hiện tượng Right Said Fred nổi tiếng tại Anh vào những năm 1990 lẫn nhóm nhạc Scissor Sisters của Mỹ. Trong khi đó, những bước nhảy của đại diện Moldova rõ ràng mang đậm dấu ấn video âm nhạc “Vogue” của Madonna năm 1990.

Có lẽ sự kiện này không chỉ là một tia hy vọng loé lên giữa thời khắc khó khăn mà còn là dấu hiệu cho một tương lai tươi sáng hơn - tương tự như những năm 1990 khi thế giới hân hoan trở lại bởi chiến tranh lạnh đã kết thúc. Nhưng cũng có thể đây chỉ là một đêm nhạc nơi mọi người tạm gác lại những lo toan và ưu phiền hiện tại mà hoà vào âm nhạc, vào những bộ cánh sặc sỡ cùng âm thanh sôi động.

Có lẽ cho đến lúc đón chào cuộc thi năm 2022 diễn ra tại Ý, ta đã cảm thấy phấn chấn hơn về tương lai và sẽ biết được liệu ta có cơ hội “rộng mở” hay không.



Bài hát “Discoteque” mang âm hưởng những năm 1990 - Ảnh: Vyacheslav Prokofyev

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán