Nếu như giấy được phát minh trước lụa, thì tranh lụa sẽ không có được vị trí đặc biệt như thế này trong nghệ thuật phương Đông. Nhưng cũng vì lý do đó, tranh lụa cũng có những lúc thăng trầm như mọi chất liệu hội hoạ khác, vì nó cũng có những ưu thế và hạn chế nhất định trong việc thể hiện tâm tư họa sĩ.
Thời cổ đại, khi con người muốn ghi lại điều gì đó, thì có hai chất liệu phổ biến là tre và lụa. Ngoài ra, người ta còn khắc chữ trên mai rùa, trên xương, đồ đồng, viết trên da và vải thô. Tranh và chữ vốn cùng nguồn gốc, vì thế công cụ để vẽ tranh cũng là công cụ để viết chữ.
Những bức tranh lụa đầu tiên được tìm thấy ở Trung Quốc vào thời "Tam Quốc Lục Triều" thế kỷ thứ 3 sau công nguyên và dĩ nhiên tranh lụa có thể được vẽ trước đó nhiều, nhưng lụa không phải là chất liệu bền theo thời gian, nên khó lưu giữ.
Muốn lưu giữ tranh lụa, người ta dùng màu tự nhiên, không bồi và chỉ thỉnh thoảng mới giở ra xem, đó là cách để có thể lưu giữ trong một nghìn năm. Dần dần, nghề sao chép tranh và chữ cổ hình thành. Dưới chế độ phong kiến, cứ sau vài trăm năm, triều đình lại cho sao chép lại những bức họa và sách cổ.
Ra đồng của Nguyễn Phan Chánh
Như người Trung Hoa, người Việt Cổ cũng vẽ tranh trên lụa và giấy. Dưới thời phong kiến, mỹ thuật chưa phát triển ở nước ta, vì thế chỉ có một số bức tranh lụa vẽ chân dung thờ trong thế kỷ 19, bức tranh cổ nhất được cho là chân dung của Nguyễn Trãi thế kỷ 15.
Khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông phương được thành lập vào năm 1925, các giáo sư người Pháp khuyến khích sinh viên Việt Nam vẽ với sơn mài và lụa – hai chất liệu truyền thống, trong đó có các họa sĩ như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Quế, Lương Xuân Nhị. Nhưng chỉ có Nguyễn Phan Chánh là theo đuổi tranh lụa một cách chuyên nghiệp trong suốt cuộc đời ông và hình thành nên một phong cách riêng.
Tuy nhiên, các hoạ sĩ này và thế hệ sau không dùng màu tự nhiên nữa, mà chuyển sang dùng màu nước. Sau khi vẽ xong thì dùng hồ và giấy bồi nền sau lưng tấm lụa. Kĩ thuật này về cơ bản đã làm thay đổi kĩ thuật truyền thống. Khi sử dụng màu tự nhiên, các hoạ sĩ không cần rửa và chuốt mặt lụa quá nhiều, màu được bao phủ trên mặt lụa, tác phẩm có thể hoàn thành trong một lần duy nhất.
Dùng màu nước thực chất là một kỹ thuật nhuộm lụa, để cho màu nước ngấm vào trong thớ lụa. Và hoạ sĩ phải vẽ trên lụa ẩm và rửa nước nhiều lần,vì thế các màu khác nhau có thể hoà tan trên bề mặt lụa, tạo ra một màu xám đen, làm tấm lụa tối lại. Thực chất, tranh lụa hiện đại vẽ theo kĩ thuật này, càng để lâu càng xám lại. Nhưng vẽ đẹp lung linh của tranh lụa sẽ trở nên tinh tế hơn khi vẽ trên lụa khô.
Nắng chiều của Nguyễn Phúc Lợi - Ảnh: T.P
Một vấn đề khác nữa là tranh lụa có giấy bồi có thể phá hỏng bức tranh vì khi chất hồ gắn lụa và giấy bị hủy sẽ hủy theo cả giấy và lụa. Có những bức tranh lụa mới hơn 50 năm ở bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ vỡ vụn ra từng mảnh.
Kĩ thuật vẽ cổ đại là phương pháp vẽ tượng trưng – sự vật không được mô tả theo mắt thường nhìn thấy. Kĩ thuật hiện đại mang tính hiện thực, người hoạ sĩ dùng phương pháp này để mô tả không gian ba chiều, sương khói, hơi nước với các mức độ màu sắc khác nhau, không dùng màu tương phản mạnh.
Vì thế, tranh lụa hiện đại mang tính văn thơ, bay bổng. Màu xanh lá, xanh dương không dùng trong tranh lụa hiện đại nhiều như thời cổ. Các hoạ sĩ trẻ cảm thấy khó khăn trong việc biểu hiện các cảm xúc hiện tại mà bị ràng buộc nhiều vào kỹ thuật nhòe mờ, thiếu tính tương phản. Một bức tranh lụa thường phải tốn đến vài ba tuần, thậm chí hơn thế, mà hiệu quả không mạnh như tranh sơn dầu, giá bán cũng thấp hơn, nên họ không còn vẽ tranh lụa nữa.
Thiếu nữ ngắm hoa sen của Hà Bắc
Điều gì là động lực thúc đẩy chính cho việc khai thác các giá trị truyền thống?
Đối với nghệ sĩ, đó là lòng tự hào dân tộc, là ý thức dân tộc về những truyền thống quốc gia. Ý thức dân tộc dâng cao là do cải biến trong lịch sử xã hội. Đặc biệt, khi xảy ra những biến đổi lớn lao, sức mạnh dân tộc được đem ra thử thách với những lực lượng bên ngoài. Đó có thể là những cuộc chiến thắng ngoại xâm, thời kỳ hưng thịnh, những cuộc cách mạng, cải cách xã hội. Khi một dân tộc bộc lộ sức sống của mình cho sự cải tiến xã hội, cũng đồng nghĩa bộc lộ những truyền thống văn hóa sáng chói. Những nghệ sĩ tự hào về những truyền thống đó, tìm cách khai thác và phát triển chúng. Họ tự ý thức về vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình cho sự bảo tồn, phát triển những truyền thống đó.
Trần Hồng Điệp
(Lược dịch từ vietfinearts.com)