Alexander Fleming được coi là người mở ra kỷ nguyên sử dụng kháng sinh trong y học.
Alexander Fleming - Ảnh: www.npg.org.uk
Alexander Fleming sinh ngày 06/8/1881 ở Lochfield, Scotland, phía Bắc nước Anh. Nơi ông sinh sống vốn là một vùng công nghiệp bị ô nhiễm nặng nề dẫn đến hệ quả phát sinh các bệnh nhiễm trùng như: viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết... khiến nhiều người chết. Chứng kiến điều này, từ bé Fleming đã quyết tâm sẽ trở thành một bác sĩ để cứu giúp những người bệnh.
Vào trung học, Fleming tập trung học về các môn Sinh vật, Hóa học. Khi nộp hồ sơ vào đại học, ông đã ghi danh vào khoa Y, Học viện Y học Saint Mary ở Luân Đôn.
Tốt nghiệp đại học vào năm 1906, ông được nhận làm phụ tá cho Almroth Wright, một người đi tiên phong trong lãnh vực vắc-xin.
Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Alexander Fleming nhập ngũ và phục vụ ở quân y viện ngoài chiến trường. Trong khoảng thời gian 4 năm phục vụ trong quân đội, chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân chết vì nhiễm trùng, Alexander Fleming thôi thúc mình phải tìm ra một chất kháng khuẩn để khống chế sự nhiễm trùng của các vết thương. Chiến tranh kết thúc, Fleming trở lại phòng thí nghiệm ở Học viện Y học Saint Mary và tiếp tục công việc nghiên cứu.
Năm 1928, trong khi kiểm tra các đĩa nuôi cấy chứa vi khuẩn, ông phát hiện hiện tượng nấm xuất hiện trên đĩa và phát triển thành các tảng nấm; xung quanh tảng nấm, những mảng vi khuẩn đã bị phá hủy. Loại nấm mọc giống như dạng các bụi cây này sau được đặt tên khoa học là penicillium notatum vì bộ phận sinh sản của loài mốc đó có hình dạng giống cái bút lông (tiếng la tinh penicillium nghĩa là cái bút lông), còn chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn phát hiện trong dịch mốc đó được đặt tên là penicilin.
Tháng 02/1929, ông công bố phát minh tại Câu lạc bộ Nghiên cứu Y học ở Luân Đôn. Nhưng sau đó 10 năm, trong khi Fleming tìm cách chiết tách penicilin, báo cáo của ông về penicilin dần rơi vào quên lãng khi giới y học lúc đó cho rằng nấm chỉ đem lại bệnh tật, chứ không thể chữa bệnh được.
Năm 1938, hai nhà khoa học từ Đại học Oxford là Howard Walter Florey và Ernst Boris Chain đi tìm đề tài nghiên cứu mới và hai ông đều bị cuốn hút bởi penicillin. Chain thiết lập môi trường nuôi cấy và thực hiện việc tách penicillin từ những mẫu nấm của Flemming, còn Florey tập trung vào thí nghiệm thử penicillin trên động vật.
Ngày 25/5/1940, các nhà khoa học thử nghiệm thuốc trên chuột. Cuộc thí nghiệm rất thành công.
Tháng 8/1940, báo cáo kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tập san khoa học Lancet. Chủng Penicillium chrysogenum được chọn để chế ra loại penicilin có hoạt tính cao hơn cả triệu lần penicilin do Fleming tìm thấy lần đầu năm 1928.
Năm 1943, Anh và Mỹ đã sản xuất penicilin với quy mô công nghiệp, để chữa trị các bệnh nhiễm trùng phục vụ cho chiến tranh thế giới thứ hai.
Năm 1945, Alexander Fleming được tặng giải thưởng Nobel về y học, cùng với Ernst Boris Chain và Howard Walter Florey.
Alexander Fleming qua đời ngày 11/3/1955.
Thùy Giang
(Tổng hợp)