Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

W. E. B. Du Bois

W.E.B. Du Bois sinh ngày 23/02/1868 tại Great Barrington, Massachusetts, Mỹ và mất ngày 27/8/1963 tại Accra, Ghana. Ông là nhà xã hội học, sử gia, nhà văn, và là nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào bình quyền của người da đen không chỉ tại Mỹ mà còn tại các quốc gia khác, đặc biệt là ở Châu Phi.



Chân dung W.E.B. Du Bois chụp năm 1907 - Ảnh: Thư viện W.E.B. Du Bois thuộc Đại học Massachusetts Amherst

Là người da đen đầu tiên tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Harvard, Du Bois góp phần thành lập Hiệp hội Quốc gia vì Tiến bộ của Người da màu (NAACP) và có công lớn trong việc phát triển tạp chí chính của tổ chức, “The Crisis”. Tập xã luận mang tên “The Souls of Black Folk” (tạm dịch: “Tâm hồn của cộng đồng da đen”) cũng là một ấn phẩm để lại nhiều dấu ấn của Du Bois.

Giáo dục

Mặc dù lớn lên tại một thị trấn nhỏ với cư dân chủ yếu là người da trắng trong thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc vẫn sục sôi ở Mỹ, Du Bois vẫn được tự do học cùng với học sinh da trắng. Đến năm 1885, ông chuyển đến Nashville, Tennessee, để theo học Đại học Fisk - ngôi trường dành riêng cho sinh viên da đen. Trong thời gian này, ông lần đầu chứng kiến và trải nghiệm các bộ luật phân biệt chủng tộc Jim Crow hà khắc. Chính những trải nghiệm như vậy thôi thúc ông tìm hiểu, phân tích vấn đề chủng tộc ở Mỹ.

Tốt nghiệp Đại học Fisk năm 1888, Du Bois tiếp tục chương trình cao học tại Đại học Harvard, rồi vào năm 1895, ông trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được ngôi trường danh giá này trao bằng tiến sĩ. Luận án tiến sĩ của ông được công bố một năm sau đó, mang tựa đề “The Suppression of the African Slave-Trade to the United States of America, 1638-1870” (tạm dịch: “Xu hướng giảm thiểu các vụ mua bán nô lệ từ Châu Phi sang Mỹ trong khoảng thời gian 1638-1870”). Sau đó ông được cử qua Đức làm nghiên cứu sinh. Friedrich-Wilhelms-Universität (nay là Humboldt-Universität), nơi ông du học, trao bằng tiến sĩ danh dự cho Du Bois vào năm 1958.

Tư tưởng cấp tiến

Mặc dù theo chuyên ngành lịch sử, Du Bois vẫn nắm vững nhiều kiến thức khoa học xã hội, đặc biệt là xã hội học. Trong lúc những nhà xã hội học cùng thời vẫn còn đặt ra các giả thuyết về quan hệ liên chủng tộc, ông đã bắt tay vào khảo sát thực tế đời sống người da đen tại Mỹ. Kết quả là 16 cuốn chuyên khảo do Đại học Atlanta ở Georgia - nơi Du Bois làm giáo sư - xuất bản trong khoảng 1897-1914. Đáng chú ý nhất trong số đó chính là “The Philadelphia Negro: A Social Study” (tạm dịch: “Nghiên cứu xã hội về người da đen tại Philadelphia”), công trình nghiên cứu trường hợp khai mở sự nghiệp viết lách của Du Bois. Trong đó, ông sử dụng cụm “the talented tenth” (tạm dịch: “10% tinh hoa”) nhằm miêu tả thực tế rằng trong 10 người da đen thì chỉ có một người mới có đủ cơ hội trở thành lãnh đạo cộng đồng.

Những vấn đề xã hội bức bối mà người da đen phải đối mặt như phân biệt đối xử về mặt pháp lý (luật Jim Crow), lao động khổ sai, hành hình công khai, mất quyền công dân,… khiến Du Bois tin rằng vận động biểu tình phản đối là phương án giải quyết hiệu quả nhất. Tư tưởng này đối lập hoàn toàn với Booker T. Washington, học giả da đen có tiếng cùng thời cho rằng chống đối nạn phân biệt chủng tộc là vô ích, chi bằng hãy cố gắng thể hiện năng lực của bản thân cho người da trắng thấy mà xem trọng. Tác phẩm “Atlanta Compromise” (tạm dịch: “Thoả ước Atlanta”) của Washington khuyến khích người da đen nên chấp nhận các “chiến lược thoả hiệp” như học nghề học việc để “yên phận” thay vì đấu tranh theo con đường học thuật hay chính trị. Hướng đi này trước đó cũng được đề xướng bởi nhiều học giả da đen, nổi bật nhất là Frederick Douglass - người góp công lớn vào chiến dịch bãi nô ở các bang miền Nam nước Mỹ.

Du Bois thẳng thắn chỉ trích tư tưởng của Douglass và Washington, cho rằng nhân nhượng, luồn cúi như vậy sẽ không giúp cộng đồng da đen khá khẩm hơn là bao. Thay vào đó, ông vận dụng Tu chính án 14 Hiến pháp về quyền bình đẳng để kêu gọi đấu tranh cho quyền lợi của không chỉ người da đen mà còn các cộng đồng khác về tất cả các phương diện cuộc sống. Trong số những bài phê phán tiêu biểu nhất của Du Bois phải kể đến “Strivings of the Negro People” (tạm dịch: “Nỗ lực tranh đấu của người da đen”) đăng trên tờ Atlantic Monthly năm 1897. Lời lẽ hùng hồn của ông kêu gọi cộng đồng da đen sinh sống và làm việc tại Mỹ đừng ngần ngại mà tôn vinh, gìn giữ, phát huy nguồn cội văn hoá, truyền thống Phi châu của mình.

Tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của Du Bois ra đời năm 1903. “The Souls of Black Folk” là tuyển tập 14 bài xã luận về cộng đồng da đen, miêu tả người da đen phải chật vật với “tâm thức kép” như thế nào. Theo ông, danh tính “công dân Mỹ” và “người da đen” tuy cùng tồn tại trong mỗi người Mỹ gốc Phi, nhưng lại mâu thuẫn nhau, hướng đến những vọng tưởng gần như đối lập nhau, giằng xé nhau. Khái niệm “tâm thức kép” này sau đó cũng được nhiều nhà xã hội học áp dụng để phân tích một số hiện tượng bất bình đẳng xã hội khác. Cũng trong năm đó, cuộc tranh cãi giữa Du Bois và Washington lên đến đỉnh điểm. Các trí thức da đen lúc bấy giờ chia làm hai phe: phe “bảo thủ” ủng hộ Washington và phe “cấp tiến” ủng hộ Du Bois.

Hoạt động trong Hiệp hội Quốc gia vì Tiến bộ của người da màu (NAACP)

Vào năm 1905, Du Bois dẫn đầu Phong trào Nicaragua nhằm phản đối tư tưởng của Booker T. Washington nói riêng và phe “bảo thủ” nói chung. Mặc dù tổ chức họp mặt thường niên, nhóm nhỏ này rõ ràng không phải đối thủ của Washington. Đến năm 1909, Du Bois góp phần thành lập Hiệp hội Quốc gia vì Tiến bộ của người da màu (NAACP), trở thành chủ nhiệm nghiên cứu kiêm chủ biên tờ “The Crisis” - cơ quan ngôn luận của hiệp hội.

Ở vị trí chủ biên, Du Bois nỗ lực đưa vấn đề hành hình công khai người da đen ra ánh sáng. Một bài báo đăng trên tạp chí năm 1915 liệt kê hơn 2.700 vụ hành hình công khai trong suốt ba thập kỷ, từ đó thúc đẩy giới làm luật xử lý nghiêm hành vi man rợ ngoài vòng pháp luật này. Tờ báo có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến cộng đồng người da đen cũng như những người da trắng theo chủ nghĩa cấp tiến. Có thể nói trong khoảng thời gian này, tuy thể hiện đường hướng hoà hợp sắc tộc, Du Bois vẫn tin vào lý tưởng tách rời cộng đồng người da đen khỏi cộng đồng người da trắng.

Minh chứng cho niềm tin này là sự ủng hộ của ông đối với phong trào Liên Phi vốn đấu tranh cho sự tự do của người dân Châu Phi cũng như người gốc Phi ở khắp mọi nơi trên thế giới. Du Bois tham gia Đại hội Liên Phi đầu tiên tại London, Anh, vào năm 1900 và đứng ra tổ chức 4 đại hội khác vào các năm 1919, 1921, 1923, và 1927 tại những nơi khác nhau, thu hút giới tinh hoa không chỉ tại Mỹ mà còn ở vùng Caribe và Châu Phi xa xôi.

Ông còn thể hiện tư tưởng thành lập cộng đồng riêng cho người da đen qua các bài báo, bài luận của mình. Qua tờ “The Crisis”, ông khuyến khích độc giả cùng màu da phát huy nền văn học, nghệ thuật gốc Phi, nhận ra “vẻ đẹp của người da đen”. Về mặt kinh tế, ông cho rằng cộng đồng da đen cần chung tay xây dựng “nền kinh tế cộng đồng” với nền tảng là hợp tác xã, lấy đó làm vũ khí chống lại nạn phân biệt chủng tộc và tình trạng nghèo khó mà người da đen phải đối mặt. Ý tưởng này càng nổi bật hơn trong lúc Mỹ gặp khủng hoảng kinh tế trầm trọng vào những năm 1930 và cũng là nguồn cơn gây ra những rạn nứt trong NAACP.

Tư tưởng cộng đồng da đen và cộng đồng da trắng nên “tách biệt nhưng ngang hàng nhau” khiến Du Bois trở thành nhân vật nhận nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ nội bộ NAACP. Là một học giả liên tục đấu tranh vì những tư tưởng tiến bộ như chống lại chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hay vấn đề bình quyền cho nữ giới, không quá ngạc nhiên khi Du Bois vô cùng quan tâm đến bất bình đẳng giàu - nghèo trong xã hội. Ông thậm chí mạnh dạn cáo buộc NAACP chỉ quan tâm đến tầng lớp da đen thượng lưu mà làm ngơ trước nỗi thống khổ của hàng triệu người da đen khác phải sống trong cảnh cơ hàn. Có lẽ vì những mâu thuẫn trong chí hướng mà Du Bois giã từ tổ chức NAACP năm 1934, quay về Đại học Atlanta công tác.

Hoạt động tại Đại học Atlanta và trở lại NAACP

Du Bois dành phần lớn thời gian tại Đại học Atlanta nghiên cứu và công bố các bài luận cũng như công trình học thuật của bản thân. Đầu tiên phải kể đến “Black Reconstruction: An Essay Toward a History of the Part Which Black Folk Played in the Attempt to Reconstruct Democracy in America, 1860-1880” (tạm dịch: “Cộng đồng da đen trong Thời kỳ Tái thiết: Luận bàn về vai trò của người da đen trong nhũng năm lập lại nền dân chủ Hoa Kỳ, 1860-1880”). Cuốn sách xuất bản năm 1935 tập hợp các miêu tả về vai trò người da đen trong lúc nước Mỹ phục hồi sau Nội chiến những năm 1860 dưới góc nhìn Mác-xít. Tác phẩm thứ hai ra mắt năm 1940 mang tên “An Essay Toward an Autobiography of a Race Concept” (tạm dịch: “Luận bàn về tự sự một khái niệm chủng tộc”). Du Bois lấy chính bản thân mình làm xuất phát điểm phân tích cuộc đấu tranh vì tự do của cộng đồng Châu Phi cũng như của người Mỹ gốc Phi, bóc tách tinh tế vấn đề mâu thuẫn sắc tộc giữa người da đen và người da trắng. Cũng trong năm đó, ông lập ra tạp chí “Phylon” nhằm “bình luận về vấn đề chủng tộc và văn hoá”. 5 năm sau, ông cho ra mắt “chương mở đầu” cho dự án tập hợp Bách khoa thư Phi châu.

Sau 10 năm rời NAACP, Du Bois trở lại vị trí nghiên cứu tại tổ chức này trong khoảng thời gian 1944-1948. Ông cho xuất bản “An Appeal to the World” (tạm dịch: “Lời thỉnh cầu hoàn cầu”), bài xã luận mở đầu cho những chỉ trích đanh thép dành cho chính nước Mỹ vì đã làm ngơ nạn hành hình người da đen công khai. Cùng lúc, ông cũng gióng lên hồi chuông báo động về chế độ thực dân vẫn còn hiện hữu tại nhiều quốc gia lúc bấy giờ, kêu gọi Liên Hợp Quốc có những động thái cụ thể, quyết liệt.

Mối quan hệ giữa ông và tổ chức lần này cũng không kết thúc tốt đẹp. Sau khi rời NAACP lần thứ hai, ông dần nghiêng về các tư tưởng cánh tả. Điều này khiến ông bị cáo buộc là gián điệp của Nga vào năm 1951. Sau khi được một luật sư liên bang bào chữa thành công, ông cũng không còn mặn mà gì với đất nước của mình nữa.

Những năm tháng cuối đời

Năm 1961, Du Bois rời Mỹ đến Ghana và nhập tịch quốc gia Tây Phi này; lúc ấy ông đã 93 tuổi. Được sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, ông dồn tâm huyết cho dự án Bách khoa thư Phi châu. Tiếc là ông vội tạ thế khi công trình vĩ đại hãy còn dang dở. Ông qua đời ngày 27/8/1963, hưởng thọ 95 tuổi. Đáng chú ý, Du Bois ra đi đúng một ngày trước khi Martin Luther King Jr. thực hiện bài nói “I Have a Dream” (tạm dịch: “Tôi có một giấc mơ”) nổi tiếng. Có thể xem bài diễn văn đánh dấu hồi kết trọn vẹn cho một công dân toàn cầu dành cả cuộc đời mình vì mục tiêu giải phóng người da đen ở khắp chân trời góc bể.

Huỳnh Trọng Nhân
(Tổng hợp và Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán