Trang chủ»Du lịch»Di sản

Di sản

Beirut xây dựng bảo tàng trưng bày các tác phẩm chưa được công bố

Hai năm sau vụ nổ làm rung chuyển Beirut và gây thiệt hại hàng tỷ đô, thủ đô Liban chuẩn bị xây mới Bảo tàng Mỹ thuật.



Bộ sưu tập BeMA bao gồm 1.275 tác phẩm của 210 họa sĩ khác nhau chú trọng đến cộng đồng Liban hải ngoại; được biết những tác phẩm này từ trước đến nay chưa được nhiều người sinh sống tại Beirut chiêm ngưỡng - Ảnh: WORKac

Suốt 4 năm qua, thủ đô này liên tục gặp khủng hoảng leo thang; đáng ghi nhận nhất là vụ nổ amoni nitrat hôm 04/8/2020 làm hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương, và gây hàng tỷ đô thiệt hại. Tính đến 2023, nền kinh tế Liban đã rơi vào khủng hoảng được 2 năm. Lần suy thoái này được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong 10 đợt tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ những năm 1850.

Giá đồng lira đã sụt hơn 90% kể từ 2019. Vì vậy, chính phủ không thể mua nhiên liệu đủ để sản xuất điện; mỗi ngày chỉ có khoảng 2-3 tiếng là người dân được dùng điện. Trước thực tế ảm đạm này, một nhóm người tại Beirut hợp tác với cộng đồng Liban hải ngoại mong muốn phục dựng thời hoàng kim, thời thủ đô còn mang danh hiệu “Paris của Trung Đông”.

Taline Boladian, đồng chủ tịch Bảo tàng Mỹ thuật Beirut (BeMA), phát biểu về dự án này tại buổi tọa đàm ở Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại (MoMA) vào tháng 11/2022 ở New York: “Chúng tôi thường bị đáp trả bằng ánh mắt khó hiểu mỗi khi nói về dự án xây bảo tàng ở Liban, một quốc gia đang khủng hoảng, người dân đói khổ, không có điện hay khí đốt để sinh hoạt. Nhưng sự thật là chúng ta cần lưu giữ bản sắc dân tộc ngay lúc này, ngay thời kỳ khủng hoảng, trước khi bản sắc ấy tan thành mây khói.”

Công tác chuẩn bị tại khu vực xây dựng diễn ra từ tháng 02/2022; giải đoạn đào đất để làm các tầng hầm sẽ bắt đầu vào tháng 3/2023. Nếu không có cổ vật nào được phát hiện trong quá trình đào, dự án sẽ chính thức thi công vào cuối năm 2023; song, bởi vùng đất này từng là vùng đất của nhiều nền văn minh rực rỡ như Hy Lạp, La Mã, Phonecia, hay Đế chế Ottoman, khả năng khai quật được cổ vật không phải là ít. Nếu thuận buồm xuôi gió, bảo tàng sẽ hoàn thành xây dựng năm 2026 - 15 năm sau khi dự án thành hình.

Ở giai đoạn đầu tiên, BeMA chỉ là chuỗi các sự kiện và buổi triển lãm diễn ra tại Tripoli, Liban và Washington, D.C., Mỹ. Đồng chủ tịch BeMA Juliana Khalaf có tiết lộ tại tọa đàm MoMA là dự án bảo tàng nhằm trưng bày các tác phẩm mỹ thuật Liban hiện đại và đương đại được chính phủ bắt đầu tập hợp từ 100 năm trước, song lại lưu giữ không kỹ càng, bị xuống cấp suốt hai thập kỷ qua.

Bộ sưu tập chưa được công bố

Thư viện Quốc gia Liban, sau khi thành lập năm 1921, đã thu thập được khoảng 2.500 tác phẩm nghệ thuật. Bộ Giáo dục sau đó tiếp quản bộ sưu tập này năm 1954 và tiếp tục thu mua các tác phẩm khác, đôi khi trực tiếp từ xưởng vẽ của họa sĩ. Hoạt động này tiếp diễn cho đến khi Nội chiến Liban nổ ra năm 1975 và kéo dài đến năm 1990. Năm 1993, bộ sưu tập chuyển cho Bộ Văn hóa giữ gìn, song lại chỉ được bảo quản sơ sài ở Điện Unesco ở Beirut. Đây cũng là nơi Boladian và Khalaf tìm lại phần lớn các tác phẩm vào năm 2016, khi BeMA và Bộ trưởng Văn hóa lúc đó Raymond Araiji ký kết thỏa thuận đánh giá, sắp xếp lại bộ sưu tập.

Boladian nhận xét: “Tình trạng bộ sưu tập rất tồi tệ lúc chúng tôi mới bắt đầu. Tranh bị bỏ xó trong nhà vệ sinh; dù có là nhà vệ sinh cung điện đi nữa thì các bức tranh cũng đã bị tàn phá rất nhiều. Chúng tôi còn phải mua kem để dụ dỗ lính quân đội cho phép nán lại lâu hơn hay nhờ họ chỉ ra những chỗ cất tranh khác nếu nhớ.”

Sau quá trình thu thập và bảo quản chặt chẽ, cả hai đã phục hồi được 300 tác phẩm trong bộ sưu tập. Chúng phác họa nên một câu chuyện mỹ thuật Liban hiện đại độc đáo kéo dài từ những năm 1880 cho đến năm 2001.



Tác phẩm “Búp bê trưng bày” của Mohamad El Rawas (1993) - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Beirut

Bộ sưu tập của bảo tàng mới sẽ bao gồm 1.275 tác phẩm của 210 họa sĩ. Trong số chúng là các tác phẩm từ thời Pháp thuộc (1920-1943) của những họa sĩ đi theo xu hướng avant-garde thịnh hành tại Châu Âu lúc bấy giờ như Moustafa Farroukh và Marie Hadad; các tác phẩm sau độc lập được Khalil Zgaib vẽ tại Pháp, thể hiện mỹ cảm dân tộc chất phác; cùng các tác phẩm chịu ảnh hưởng rõ rệt từ trường phái Ấn tượng Trừu tượng Mỹ của những tên tuổi như Helen Khal, Amine el Bacha,… Bên cạnh còn có những bức tranh lột trần thực tế thảm khốc của cuộc nội chiến do Hassan Jouni, Mahmoud Zein el Din, và những họa sĩ cùng thời vẽ nên.

Boladian đúc kết: “Không một nơi nào khác cho bạn chiêm ngưỡng một cách toàn diện nền mỹ thuật Liban, thì thầm vào tai bạn lịch sử và con người vùng đất nơi đây.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán