Trang chủ»Du lịch»Di sản

Di sản

Cơ hội trao đổi văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc khi ẩm thực và âm nhạc Việt Nam ngày càng được ưa chuộng

Với nhiều trường đoạn hồi hộp, hấp dẫn và diễn xuất tài tình từ những diễn viên gạo cội, vở kịch đến từ Việt Nam đã được hưởng ứng nhiệt liệt, khép lại Tuần lễ Sân khấu kịch Trung Quốc - ASEAN tại Thành phố Nam Ninh thuộc Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.




Nghệ sĩ múa Việt Nam trình diễn tại Liên hoan Văn hoá Nghệ thuật các Quốc gia lần thứ 11 tại khu vực bồn địa Sông Lan Thương - Mekong ở Thành phố Cảnh Hồng, Khu tự trị Dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào ngày 30/11/2023 - Ảnh: Hồ Siêu/Tân Hoa Xã

Bà Nguyễn Thị Lệ Ngọc, trưởng đoàn kịch, cho biết: “Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam ngày càng khắng khít. Tôi hy vọng sẽ còn những cơ hội trao đổi văn hoá nhiều hơn nữa để đưa hai dân tộc ngày một gần nhau hơn.”

Suốt 10 năm qua, nghệ thuật sân khấu luôn là một phần sự kiện. Nhờ vậy mà nhiều loại hình kịch nghệ Việt Nam như hý kịch hay múa rối nước được khán thính giả Trung Quốc biết đến.

Là hai quốc gia láng giềng, người Việt Nam và người Trung Quốc, đặc biệt là các thế hệ trẻ, ngày một thấu hiểu nhau, xây dựng tình hữu nghị bền chặt qua các hoạt động trao đổi văn hoá như biểu diễn kịch, âm nhạc, và giới thiệu ẩm thực.

Vài năm trở lại đây, các bản nhạc điện tử tại Việt Nam ngày càng nổi tiếng, thu hút hàng trăm triệu lượt nghe trực tuyến. Châu Tịnh, người dùng Douyin tại Nam Ninh, Quảng Tây, cho biết: “Nhạc Việt Nam vui tươi và bắt tai vô cùng. Mỗi lần nghe là cơ thể chỉ muốn nhún nhảy theo mà thôi.” Các bài hát, điệu nhảy, cùng nhiều sản phẩm văn hoá khác từ Việt Nam hiện làm mưa làm gió tại Trung Quốc.

Nhờ những nguyên liệu tươi ngon từ thiên nhiên và thực đơn đậm đà bản sắc dân tộc, các nhà hàng Việt cũng dần mọc lên ngày một nhiều và hoạt động ngày càng phát đạt tại Trung Quốc.

Hợp tác kinh tế, thương mại, và logistics giữa Việt Nam và Trung Quốc dần phát triển hơn cũng đồng nghĩa nhiều nông sản Việt Nam được nhập khẩu sang Trung Quốc hơn, chinh phục khẩu vị giới sành ăn tại nước bạn.

Tại Huyện tự trị Dân tộc Dao Hà Khẩu gần biên giới Việt - Trung, thuộc Châu tự trị Dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, chị Trần Thị Vi đã mở cửa hàng bán bánh cuốn nóng được khoảng 8 năm nay. Chị cho biết: “Nhiều thực khách Trung Quốc rất thích vị cay mặn hoà quyện trong cùng một món, đặc biệt là bánh cuốn. Vậy là tôi mở cửa hàng này tại Hà Khẩu, giúp họ có thể bước ra khỏi nhà đã mua được đồ ăn.”



Công nhân dán nhãn lô sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc tại một xưởng sơ chế sầu tiêng tại tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam ngày 15/9/2023 - Ảnh: Hồ Giai Lệ/Tân Hoa Xã

Mã Đình, người mê món bún Việt Nam hiện sinh sống tại thành phố Mông Tự, Hồng Hà, cho biết đã từng đến Việt Nam du lịch nhiều lần, rồi mê mẩn ẩm thực Việt lúc nào không hay. Mặc dù nơi cô ở cũng khá nổi tiếng về bún, Mã Đình vẫn ghiền các món bún đa dạng có cách chế biến và phong vị rất riêng biệt ở Việt Nam.

Tôn Hiểu Anh, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, nhận định: “Khi các tương tác, trao đổi giữa người Việt và người Trung ngày càng tăng, những nét văn hoá độc đáo của Việt Nam ngày càng được người Trung đón nhận rộng rãi, cả hai bên chia sẻ nhau những câu chuyện đồng điệu thì sự thấu hiểu và tình hữu nghị giữa hai dân tộc chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán