Trang chủ»Du lịch»Di sản

Di sản

Vết tích mai táng theo phong tục Hồi giáo sớm nhất được phát hiện tại Levant

Một nghiên cứu kết hợp các dữ kiện về khảo cổ, lịch sử, và sinh học khảo cổ đã hé lộ nhiều điều mới về dấu vết người Hồi giáo ở khu vực ngày nay thuộc Syria. Khi đang tìm hiểu về thời kỳ xa xưa hơn, nhóm nghiên cứu bất ngờ phát hiện vài bộ hài cốt của người Hồi giáo ở vùng đồng quê Syria.



Ảnh: Jonathan Santana

Vùng Trung Đông là khu vực có bề dày lịch sử nổi bật, đan xen nhiều tộc người, văn hóa, và các thực hành tín ngưỡng khác nhau.

Tuy phần lớn lịch sử đa dạng này có thể tìm thấy qua các văn kiện cổ, nền văn hoá vật thể phong phú, cùng nhiều di chỉ khảo cổ trong khu vực, cho đến gần đây, các dữ liệu sinh khảo cổ vẫn còn rất ít ỏi do điều kiện môi trường khắc nghiệt, khó có thể bảo tồn các vật chất hữu cơ.

Tuy nhiên, các công nghệ mới có khả năng phân tích cả những vật liệu trong tình trạng phân hủy hứa hẹn sẽ hé lộ những điều thú vị từ tận thời tiền sử, giúp ta hiểu thêm về vùng đất nằm ở đoạn giao nhau giữa ba châu lục này. Hiện một nhóm các nhà khoa học liên ngành và liên quốc gia đã bắt tay vào tìm hiểu các thông tin sinh khảo cổ giai đoạn Hồi giáo sớm ở khu vực mà ngày nay thuộc Syria.

Các cuộc khai quật trong khoảng 2009 - 2010 tại các di chỉ Đồ Đá Mới ở Tell Qarassa, thuộc Syria ngày nay, đã giúp nhóm khảo cổ Pháp - Tây Ban Nha phát hiện ra nhiều khu chôn cất. Được biết đây là những cuộc khai quật thực địa có dẫn theo nhiều học viên người Syria. Cuộc nghiên cứu do Tổng Cục Cổ vật và Bảo tàng (DGAM) của Cộng hòa Ả Rập Syria cấp phép và liên tục điều phối. Ít lâu sau buổi khai quật, nội chiến Syria bùng nổ và kéo dài đến tận ngày nay.

Cristina Valdiosera, nhà di truyền khảo cổ tại Đại học Burgos, Tây Ban Nha, chủ nhiệm cuộc nghiên cứu, cho biết: “Với định hướng ban đầu là tìm hiểu về các nhóm nông nghiệp tại khu vực, chúng tôi đem 14 bộ hài cốt đi phân tích ADN cổ. Chỉ hai bộ nằm trên lớp gần bề mặt nhất là còn giữ đủ lượng ADN nội sinh cần thiết cho phân tích; chúng nằm trong phần mộ mà chúng tôi phỏng đoán lập vào thời tiền sử muộn. Sau khi tiến hành định tuổi carbon, chúng tôi mới biết mình đang nắm giữ dữ liệu đặc biệt trong tay.”

Các bộ hài cốt được mai táng vào thời Nhà Umayyad cuối thế kỷ 7, đầu thế kỷ 8 SCN (triều đại Khalif thứ hai). Vì ngày chôn cất gần hơn so với dự tính, nhóm phải đánh giá lại và phát hiện kiểu chôn cất rất giống với tập quán mai táng Hồi giáo.



Bản đồ chỉ địa điểm tìm thấy các bộ hài cốt - Tell Qarassa phía Nam Syria - Ảnh: Jonathan Santana/phys.org

Kết luận trên rút ra được cũng là nhờ phương pháp định tuổi bằng carbon. Tell Qarassa từ trước tới giờ chỉ được biết đến là một di chỉ thời tiền sử, chứ không phải nơi người Hồi giáo đến cư ngụ và chôn cất.

Nhà sinh học tiến hóa Megha Srigyan, người trực tiếp phân tích dữ liệu khảo cổ khi học Thạc sĩ tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, cho biết: “Kết quả di truyền cũng khiến chúng tôi kinh ngạc bởi hai người này có bộ gen khác với phần lớn những cộng đồng sinh sống tại Levant thời cổ đại lẫn ngày nay. Những tộc người gần nhất với họ có lẽ là Bedouins và Saudis thời hiện đại; điều đó cho thấy các bộ hài cốt có liên hệ với Bán đảo Ả Rập.”

Torsten Günther, nhà di truyền học dân số tại Đại học Uppsala, đồng chủ nhiệm cuộc nghiên cứu, nhận xét: “Hầu hết dữ liệu chúng tôi thu được chỉ là bằng chứng gián tiếp nhưng kết hợp với nhau, chúng cho thấy người nữ và người nam này là dân du mục đã đi khá xa quê nhà của họ đến cư ngụ tại vùng hiện nay là miền quê Syria.”

Phân tích bộ hài cốt của người nam và người nữ cho ta thêm nhiều bằng chứng về các phong tục văn hoá/tín ngưỡng của nhóm du mục đến sống tại Levant.

Cristina Valdiosera nói: “Thật kinh ngạc khi chỉ cần nghiên cứu hai cá nhân, chúng tôi có được nhiều thông tin đến vậy, góp phần tạo nên nhiều câu hỏi lớn hơn về bức tranh lịch sử tại Levant.”

Torsten Günther kết luận: “Nếu không kết hợp các dữ kiện khảo cổ, lịch sử, và sinh học khảo cổ, chúng tôi đã không thể nào có được những kết luận quý báu như thế. Mỗi lĩnh vực lại góp một mảnh ghép vào kết quả, cho thấy hướng tiếp cận khoa học liên ngành quan trọng đến nhường nào.”

Các bộ hài cốt ở Qarassa, cùng những vật thể khác khai quật hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ Sweida ở Syria. Trách nhiệm quản lý và bảo tồn thuộc về DGAM tại Syria từ sau thời điểm khai quật, theo đúng quy định của cơ quan này.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán