Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục đại học

Giáo dục đại học

Nhiều trường đại học tại Hà Lan sẽ giới hạn sinh viên quốc tế

Theo một số đại diện đến từ các trường đại học tại Hà Lan, cơ sở giáo dục bậc cao sở tại cần sớm có biện pháp kiểm soát số lượng du học sinh nhận vào, đảm bảo sinh viên Hà Lan cũng có cơ hội được học tại các trường địa phương.



Đại học Amsterdam - Ảnh: Flickr

Nhận định này được đưa ra trong cuộc thảo luận đối với dự luật mới của Bộ trưởng Giáo dục, Văn hoá và Khoa học Hà Lan Robbert Dijkgraaf mang tên “Internationalisering in Balans” (tạm dịch: “Đảm bảo cân bằng trong tiến trình quốc tế hoá”). Trong dự luật này có điều khoản cho phép đại học được tự đặt ra giới hạn số sinh viên quốc tế tuyển vào các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.

Phát ngôn viên của bộ cho hay: “Bộ trưởng Dijkgraaf muốn đảm bảo tính cân bằng trong tiến trình quốc tế hoá nền giáo dục Hà Lan, vừa muốn để mở cơ hội tiếp cận nền giáo dục này.”

Phát ngôn viên Hội đồng Giáo dục Hà Lan (Onderwijsraad), cơ quan tham vấn chính phủ, phát biểu: “Chúng tôi muốn đưa dự luật này ra Hạ viện Quốc hội vào quý thứ hai năm nay.” Được biết, dự luật chuẩn bị được trình lên cục tham vấn thuộc Hội đồng Nội vụ (Raad van State) để tiếp tục được thảo luận. Ruben Puylaert, phát ngôn viên Hiệp hội Đại học Hà Lan (UNL), nói: “Đây là bước đầu tiên trong quy trình lập pháp.”

Đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (Volkspartij voor Vrijheid en Democratie, VVD) trong ngày 15/02 vừa qua có đề xuất thêm điều luật cho phép từng chương trình học cũng có thể đặt ra giới hạn sĩ số theo học lộ trình dạy bằng tiếng Anh; đề xuất này sau đó đã được phê duyệt.

Trước đó Dijkgraaf kêu gọi các trường đại học phát triển kế hoạch tự điều hành cơ sở, “thể hiện những biện pháp trực tiếp kiểm soát số lượng du học sinh thông qua quản lý các chương trình dạy bằng tiếng Anh và dạy bằng tiếng Hà Lan, thúc đẩy kỹ năng sử dụng tiếng Hà Lan.”

Theo phát ngôn viên của bộ: “Hà Lan là một quốc gia tri thức cần sự đóng góp từ các bạn sinh viên quốc tế cho khoa học, cho thị trường lao động, và cho chính chương tình giáo dục. Và điều quan trọng là thu hút những nhân tài nước ngoài nói trên ở lại Hà Lan sau khi hoàn thành chương trình, đặc biệt những bạn theo học ngành hiện còn khan hiếm nhân lực…”

Áp lực chất lượng giáo dục bậc cao

Cũng theo người này, số lượng sinh viên quốc tế theo học tại Hà Lan “tăng đáng kể” trong thời gian gần đây. Chất lượng giáo dục theo đó có thể giảm sút, đặt ra nguy cơ sinh viên không thể tiếp cận chương trình học mong muốn đồng thời các chương trình cử nhân dạy tiếng Hà Lan cũng ít đi. Vấn đề thiếu chỗ lưu trú cũng “ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm du học mà nền giáo dục Hà Lan và quãng thời gian đại học mang lại”.

UNL, đại diện cho 14 đại học nghiên cứu tại Hà Lan, hoan nghênh dự luật trong bối cảnh tổng sinh viên quốc tế ghi nhận năm 2022-2023 là 85.239, chiếm 25% tổng số sinh viên đại học (tỷ lệ sinh viên nước ngoài ở các trường khoa học ứng dụng ít hơn, chỉ chiếm 8%).

Nhấn mạnh hướng tuyển sinh trực tiếp tại các hội chợ đại học quốc tế giờ chỉ cần áp dụng cho những ngành thiếu sinh viên, Hiệp hội bày tỏ mong muốn soạn thảo kế hoạch gia tăng tỷ lệ sinh viên nước ngoài ở lại Hà Lan sau khi tốt nghiệp. Được biết con số hiện tại là 33%.

Song, Hiệp hội cũng đặt nghi vấn cho nhiều điều khoản trong bộ luật, chẳng hạn quy định 2/3 chương trình cử nhân phải dạy bằng tiếng Hà Lan. Theo họ, không nên dùng các biện pháp ngôn ngữ để quy định lượng du học sinh nhập học vì có thể làm giảm chất lượng giáo dục và nghiên cứu về sau. Bên cạnh đó, Hiệp hội còn cho rằng dự luật này thiếu nhiều chi tiết quan trọng, khiến nó khó có khả năng được triển khai thực tế.

Puylaert nói phía đại học cần quyết định những vấn đề phức tạp này thật thấu đáo và đảm bảo hành lang pháp lý cho dự luật mới: “Toàn bộ các trường đại học sẽ cần phát triển, triển khai các chính sách, biện pháp mới, rồi phổ biến với nhân viên và các hội nhóm sinh viên.”

Chủ tịch Ban quản trị Đại học Công nghệ Eindhoven (TU/e) Robert-Jan Smits đồng ý dự luật sẽ cho phép các trường có công cụ kiểm soát số lượng du học sinh một cách hợp pháp, nhưng cũng bày tỏ chủ kiến: “Là một trường công nghệ, chúng tôi mong muốn dự luật có những khoảng cơi nới phù hợp cho các ngành công nghệ kỹ thuật bởi số lượng sinh viên theo ngành này ở nước ta là rất thấp, đặc biệt ở vùng Eindhoven Brainport - trung tâm công nghệ cao của nước ta.”

Thiếu hụt nơi lưu trú

Smits nói các trường đại học tại Hà Lan ủng hộ tiến trình quốc tế hoá vì “những lợi ích to lớn nó mang lại cho khoa học và giáo dục”, nhưng cũng cho rằng đối với các trường lớn ở Thủ đô Amsterdam, giới hạn số lượng sinh viên quốc tế là “chuyện tất yếu bởi thiếu hụt nơi lưu trú và cũng bởi ưu tiên cho sinh viên địa phương”.

Còn Jan Willem Besselaar, Giám đốc marketing, truyền thông, và cộng đồng sinh viên tại Đại học Khoa học Ứng dụng Breda (BUas) nói BUas “thúc đẩy các biện pháp nâng cao khả năng ngôn ngữ Hà Lan cho các sinh viên, nhân viên nước ngoài, đồng thời tích cực giúp đỡ sinh viên về tất cả những vấn đề liên quan đến nơi lưu trú.”

Trường đồng thời muốn đảm bảo cơ hội rộng mở cho sinh viên nước ngoài chuyên sâu về du lịch, quản lý khách sạn, tổ chức giải trí và sự kiện, phương tiện truyền thông và trò chơi, khoa học dữ liệu và AI, cũng như logistics nhằm “giúp thị trường lao động vùng, quốc gia, và quốc tế được vững chắc”.

Cũng theo Besselaar, hiện các trường khoa học ứng dụng lớn như Đại học Fontys, Đại học Avans, hay các trường đặt nặng vấn đề tuyển sinh quốc tế như Đại học Maastricht hay BUas có những ý kiến rất khác nhau về dự luật lần này.

Ông nói tuỳ thuộc vào văn bản luật chính thức và hướng dẫn từ Hiệp hội Đại học Khoa học Ứng dụng Hà Lan mà BUas có thể tiếp tục vận hành theo phương hướng hiện tại “hoặc phải giảm số lượng sinh viên quốc tế cho một số ngành, chuyên ngành nhất định”.

Besselaar dự đoán: “Nếu phải thực hiện hướng thứ hai và số lượng sinh viên Hà Lan không đủ cao, chúng tôi sẽ chịu ảnh hưởng lớn về mặt tổ chức và tài chính.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán