Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tích hợp theo chủ đề

Giáo dục tích hợp theo chủ đề

Thế mạnh và thách thức của cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam?

Bắt đầu từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung (nhóm dân số 0-14 tuổi và nhóm dân số trên 65 tuổi tính trên nhóm dân số 15-64) dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”.

* Thế mạnh của cơ cấu “dân số vàng”

- Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, cơ cấu “dân số vàng” thực sự là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế

- Cơ cấu “dân số vàng” tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai.

- Mặt khác, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc giảm tỷ số giữa học sinh và giáo viên, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho trẻ em, cải thiện chất lượng sức khỏe dân số tương lai.

- Đồng thời, dân số trong độ tuổi lao động lớn, cùng với sự phát triển của khu vực công nghiệp và dịch vụ tạo nhu cầu lớn về đào tạo nghề. Chi tiêu y tế trong độ tuổi lao động giảm sẽ tiết kiệm được y tế. Lực lượng lao động trẻ, dồi dào và tiếp tục tăng sẽ là nguồn lực quan trọng cho việc phát triển kinh tế trong điều kiện đảm bảo việc làm và cải thiện được năng suất lao động.

- Cơ cấu “dân số vàng” cũng là cơ hội dịch chuyển lao động thông qua di cư, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

* Nhiều thách thức phải đối mặt

- Cơ cấu “dân số vàng” tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh song cũng đặt ra không ít những khó khăn thách thức cần phải giải quyết:

+ Tốc độ tăng nhanh của dân số trong độ tuổi lao động sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế nhưng sẽ trở thành gánh nặng nếu quốc gia đó có tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp.

+ Thực trạng ở Việt Nam cho thấy, số người lực lượng lao động đông về số lượng nhưng chất lượng chưa cao do thiếu lao động có tay nghề cao, sức bền còn hạn chế, kỹ năng quản lý còn nhiều bất cập.

+ Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2009, chỉ có 13,4% dân số 15 tuổi trở lên được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (con số này ở thành thị là 25,4% và nông thôn là 8%). Trong nhóm dân số từ 25 tuổi trở lên thì chỉ 18,9% đạt được trình độ học vấn bậc trung và chưa đầy 5,5% dân số trong độ tuổi trên đạt trình độ học vấn bậc cao.

+ Hơn nữa, chất lượng giáo dục, đào tạo nghề chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Tỷ lệ lao động nông nghiệp cao trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng. Từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm của thanh niên gia tăng trong điều kiện thị tường lao động ngày càng cạnh tranh. Mặt khác, lao động di cư thanh niên tăng nhanh song các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội liên quan còn nhiều bất cập.

→ Do đó, để phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là, duy trì mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình “già hóa dân số”; tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên năng suất lao động, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, các ngành sử dụng nhiều lao động; mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động… Đặc biệt, tận dụng và phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” thông qua các chương trình phối hợp liên ngành.

Phan Thị Xuân
Giáo viên Địa lí - Trường Quốc tế Á Châu

SIU Review - số 135

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán