Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Sản xuất gạo carbon thấp giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm khí thải

Là loại lương thực quan trọng bậc nhất, chiếm hơn một nửa diện tích trồng trọt nông nghiệp tại Việt Nam, gạo lại là nguồn đóng góp 75% tổng lượng metan, cũng như 48% tổng lượng khí nhà kính từ các hoạt động nông nghiệp.



Nông dân tại Cần Thơ đang thu hoạch lúa - Ảnh: Thanh Liêm/VNA

Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB), chuyển sang sản xuất gạo carbon thấp là cơ hội giúp Việt Nam thực hiện được mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí thải vào năm 2030 trong khi vẫn đảm bảo vị thế nước xuất khẩu gạo cạnh tranh.

Báo cáo của WB, mang tên “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh tại Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”, cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể cắt giảm lượng khí thải nhà kính song song với việc tối ưu hóa các nguồn tài nguyên, cải thiện năng suất, tăng sức chống chịu của cây giống, và đa dạng hóa sản xuất.

Công cuộc chuyển đổi xanh như trên cần nguồn vốn đáng kể cũng như nhiều thay đổi về chính sách nhằm đồng bộ hóa mục tiêu và hoạt động của mọi thành phần các cấp.

Hôm 24/9 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hợp tác cùng WB tổ chức hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” tại Thành phố Cần Thơ. Tham gia buổi phát biểu nhằm phổ biến báo cáo, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam - trao đổi: “Gặt hái nhiều thành công là vậy, nông nghiệp vẫn là ngành sản sinh lượng khí thải nhà kính đáng kể tại Việt Nam.”



Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - trao báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh tại Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” cho ông Lê Minh Hoan - Bộ Trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hôm 24/09 - Ảnh: Ngân hàng Thế giới

Bà nhấn mạnh: “Chuyển đổi sang phương thức sản xuất carbon thấp là mục tiêu cấp thiết - càng chần chừ chừng nào, cái giá phải trả sẽ càng cao chừng đấy. Kinh nghiệm cho thấy chính phủ đóng vai trò xúc tác trong tiến trình chuyển đổi xanh thông qua phân phối có chiến lược các nguồn đầu tư công và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào ngành nông nghiệp xanh hiện đại.”

Theo ước tính thận trọng, cải thiện quản lý nước và tối ưu hoá hạt giống, phân, cùng thuốc trừ sâu có thể giúp nông dân giữ nguyên hay tăng năng suất lên 5-10%, trong khi giá thành giảm đi 20-30%, tương đương lợi nhuận ròng là khoảng 25%. Quan trọng hơn, những phương pháp canh tác tiên tiến nói trên cũng giảm 30% lượng khí thải nhà kính.

Phương pháp nông nghiệp xanh được thí điểm trên 184.000 héc-ta lúa thuộc “Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững của Việt Nam” do WB tài trợ.

Benoît Bosquet - Giám đốc Khu vực thuộc Ban Phát triển Bền vững Đông Á của WB - phát biểu: “Những phương pháp này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nếu có thể nhân rộng cho toàn bộ ngành nông nghiệp, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu lượng khí thải ròng bằng không vào năm 2050.”

Báo cáo nhấn mạnh 5 phương diện chính sách ngắn đến trung hạn hướng tới mục tiêu chuyển sang nông nghiệp carbon thấp. Cụ thể, Việt Nam cần đảm bảo thống nhất các chính sách; đồng bộ kế hoạch và ngân quỹ; tận dụng các công cụ chính sách và nguồn chi công cho các mục tiêu mới; củng cố các cơ quan; và cho phép khu vực tư nhân cùng các khu vực khác tham gia vào công cuộc chuyển đổi.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cho rằng các địa phương cần phải tích cực thực hiện kế hoạch tổng lực Sông Mekong, đặc biệt về mặt sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng, việc quan trọng nhất hiện tại là “thay đổi tư duy trọng đầu ra” và hướng tới mô hình đảm bảo sinh kế bền vững và sinh lời hơn cho những nông nhân trồng lúa, tăng thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích trồng trọt.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Để đối phó biến đổi khí hậu cùng xu hướng thị trường và phát triển nông nghiệp liên tục thay đổi, ta cần phải có sự hợp tác nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương, giới khoa học, các doanh nghiệp, và các nông dân.”


Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)


SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán