Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Tâm lý học tham vấn và trị liệu - ngành học của thời đại

Sức khỏe tinh thần ngày càng được chú trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19, lựa chọn học tập, nghiên cứu và hành nghề Tâm lý học tham vấn & trị liệu là được xem là ngành học của thời đại.

Thực trạng toàn cầu về các vấn đề tâm lý

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Một thống kê cho thấy có đến 6% dân số tại TP.HCM bị bệnh trầm cảm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Mới đây nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố một báo cáo hôm 2/3/2022, trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25% - đây cũng chỉ được xem là phần nổi của tảng băng chìm, vì vậy, sức khỏe tâm thần cần được quan tâm nhiều hơn. Cũng theo kết quả thống kê từ WHO, đối tượng bị ảnh hưởng các vấn đề tâm lý nhiều nhất là phụ nữ và thanh niên.

Tại Việt Nam, một khảo sát tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2021 ghi nhận 53,3% bệnh nhân điều trị tại đây bị rối loạn lo âu, 20% trầm cảm và 16,7% stress. Đặc biệt, những ca từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy, tỉ lệ trầm cảm và tỉ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Những trường hợp này không thể tự khỏi, mà cần sự đồng hành từ các chuyên gia tham vấn, trị liệu tâm lý. TS.Steven Halford cũng cho biết thêm: “Tại Việt Nam khoảng 60 bệnh nhân bị vấn đề sức khỏe tinh thần điều trị ngoại trú thì chỉ có khoảng 20% trong số họ được điều trị và can thiệp tâm lý. Bệnh tật về mặt sức khỏe tinh thần là một vấn đề cần lưu ý và cần được cung cấp điều trị một cách thỏa đáng, tuy nhiên điều đó vẫn chưa thật sự phát triển. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tại Việt Nam cứ 1,7 triệu người thì mới có một nhà tâm lý được huấn luyện”.

Nhu cầu tham vấn, trị liệu hiện nay

Sự phát triển của xã hội kéo theo nhiều áp lực tác động đến cảm xúc, hành vi của con người. Với những thống kê cơ bản về thực trạng các vấn đề tâm lý trong xã hội hiện đại toàn cầu cũng như tại Việt Nam đã được trao đổi như trên; Hơn nữa, trong bối cảnh hậu Covid-19, ngành Tâm lý học chuyên ngành Tham vấn, trị liệu càng là một ngành tiềm năng, mang đậm tính nhân văn, trở thành ngành học của thời đại trong nỗ lực hỗ trợ con người trở lại cuộc sống bình thường, xây dựng và bình thường cuộc sống bền vững. Chia sẻ từ ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết nhu cầu nhân lực ngành tâm lý học trong thời gian tới rất lớn. Riêng TP.HCM cần đến hàng ngàn người mỗi năm. Trong đó, có những công việc kết hợp giữa ngành tâm lý học với khoa học xã hội, pháp luật, giáo dục như tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý…

Như vậy, căn cứ vào tình hình thực tế, vào nhu cầu xã hội, tiềm năng từ ngành, các bạn trẻ đang có mong muốn trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý trong tương lai thì hãy mạnh dạn và tự tin hơn để quyết chọn ngành tâm lý học để thực hiện được ước mơ và góp phần hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho xã hội.



SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán