Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Bảo tàng dự định trưng bày các tác phẩm trên giấy ít người biết đến của Mark Rothko

Nhiều người cho rằng các tác phẩm mãn nhãn nhất của Mark Rothko, không khác so với các họa sĩ trường phái biểu hiện trừu tượng cùng thời là mấy, phải là những bức vẽ đồ sộ với những gam màu choáng ngợp người nhìn. Tuy nhiên, buổi triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia tại Washington, D.C., đang ấp ủ dự định minh chứng cho du khách rằng những công trình trên giấy của cố hoạ sĩ, dù ít người biết đến, vẫn ấn tượng không kém các kiệt tác vải bạt của ông.



Tác phẩm “Untitled” của Mark Rothko - Ảnh: Kate Rothko Prizel & Christopher Rothko

Tuy hiện chưa có tên chính thức, buổi triển lãm 100 tác phẩm đã được ấn định bắt đầu từ tháng 11/2023. Sau đó, các bức tranh sẽ tiếp tục được dời đến Bảo tàng Mỹ thuật, Kiến trúc, và Thiết kế Quốc gia tại Oslo cho buổi triển lãm năm 2024. Sự kiện đó cũng sẽ đánh dấu lần đầu tiên một buổi triển lãm lớn về Rothko diễn ra ở một nước thuộc vùng Scandinavia.

Tác phẩm trên giấy thường bị xem là kém thu hút hơn so với những công trình cỡ lớn và vì vậy cũng không được quan khách chú ý. Tuy nhiên, những buổi triển lãm như thế cũng có đặc trưng riêng. Các tác phẩm của Paul Cézanne trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại năm ngoái dẫn người tham quan lần theo từng công đoạn cố họa sĩ người Pháp tạo dựng các kiệt tác của mình. Một buổi triển lãm khác vinh danh Jacques-Louis David cũng được tổ chức tháng 02/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan, tập trung nêu bật tài năng lồng ghép chính trị vào nghệ thuật của ông, thể hiện qua những đường nét trên giấy khổ nhỏ.

Adam Greenhalgh, phó quản lý tại bảo tàng chuẩn bị triển lãm Rothko, mong muốn quan khách cũng sẽ có được trải nghiệm tương tự. Ông nói: “Sự kiện này sẽ soi sáng những khía cạnh không được nhiều người biết đến về vị họa sĩ đáng mến. Không chỉ vậy, các tác phẩm như thế buộc ta phải nhìn nhận lại lằn ranh phân biệt tranh sơn màu, tranh vẽ, và tranh giấy. Ta cũng được dịp xét lại các quy luật và hạn chế về ý tưởng tồn tại trong mỹ thuật đương đại, được thiết lập và củng cố bởi những hành động tưởng chừng vô hại như phân loại và chia mục các tác phẩm.”

Greenhalgh cũng là người biên soạn tổng danh mục các tác phẩm trên giấy của Rothko - những công trình khổ nhỏ giúp ta theo bước từng giai đoạn phát triển trên con đường hội họa của cố họa sĩ. Có lúc Rothko chỉ chú tâm tạo những bức vẽ trên giấy mà không màng đến tranh vải bạt. (Như trong hai năm cuối đời chẳng hạn, Rothko sáng tác các tác phẩm trên giấy nhiều gấp 14 lần so với số tác phẩm vải bạt lớn.) Theo tin từ Greenhalgh, buổi triển lãm sẽ trưng bày những bức vẽ đầu tiên khi Rothko còn làm quen với hình khối, hay khi ông thử nghiệm các ý tưởng trừu tượng, cũng như các tác phẩm sơn acrylic và màu nước vào cuối sự nghiệp.

Những quan khách muốn chứng kiến tranh khổ lớn cũng sẽ tìm được thứ mình mong muốn ở buổi triển lãm bởi tranh giấy của Rothko không chỉ có những tác phẩm khổ nhỏ. Greenhalgh hứa hẹn khoảng một chục tác phẩm trong bộ sưu tập sẽ có chiều cao 1,8 mét hoặc hơn. Ông cho biết: “Song, điểm thú vị là ta sẽ chứng kiến du khách phản ứng như thế nào trước những tác phẩm có chiều kích nhỏ.” Được biết số lượng lớn các tác phẩm khổ nhỏ như vậy được đem đi trưng bày là điều chưa từng có trước đây.

Greenhalgh đúc kết rằng các tác phẩm trên giấy của Rothko, bất kể kích thước thế nào, cũng đều đáng được chiêm ngưỡng không kém cạnh gì so với những bức tranh vải bạt nổi tiếng hơn: “Thưởng thức tranh Rothko giống như uống một liều thuốc bổ vậy, ta sẽ cảm thấy sảng khoái, hưng phấn hơn. Tôi cho rằng tranh giấy, bất kể cao 75 cm hay tới 2 mét, thì cũng khuấy động một cảm xúc nào đó nơi người thưởng lãm, không khác các tác phẩm nổi tiếng hơn của cố họa sĩ là bao.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán