Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Các nhóm hoạt động vì môi trường đe dọa sẽ hủy tranh nếu không có động thái ngăn chặn biến đổi khí hậu

Trong năm 2022, hơn 20 tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới của những họa sĩ như Vermeer, Klimt, hay Munch đã bị các nhóm hoạt động vì môi trường tấn công.



Các thành viên phong trào Just Stop Oil tạt súp cà chua vào tranh Van Gogh - Ảnh: Anadolu Agency/GettyImages

Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thành viên các nhóm này đã ném thức ăn lên các bức tranh, dán dính bản thân vào khung tranh, khiến cộng đồng nghệ thuật dậy sóng, tuy đúng là họ chưa gây tổn hại vĩnh viễn nào đến các tác phẩm.

Song, điều này có thể thay đổi. Khi trả lời phỏng vấn với Sky News, Alex de Koning - phát ngôn viên của nhóm Just Stop Oil - cho rằng nhóm hoạt động vì môi trường của ông noi gương những phụ nữ đấu tranh vì quyền phụ nữ “dùng dao đâm tranh chỉ để truyền đạt thông điệp”.

De Koning bổ sung: “Nếu buộc phải đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi sẽ học hỏi theo những phong trào trước đây mà làm mọi việc cần phải làm.”

Năm 1914, Mary Richardson - người đấu tranh vì quyền bầu cử phụ nữ - đã khiến dư luận dậy sóng khi đi vào Triển lãm Quốc gia London, cầm dao đâm rách bức tranh “Rokeby Venus” của danh họa Diego Velázquez thế kỷ 17. Động thái này được xem là phản ứng trước việc một nhà hoạt động khác - Emmeline Pankhurst - bị bắt.

Suốt nhiều tháng qua, các bảo tàng khắp Châu Âu luôn lo lắng những nhà hoạt động vì môi trường sẽ bất ngờ đến tấn công. Trong tháng 6 và 7, các thành viên Just Stop Oil đã dán dính bản thân vào khung tranh tại nhiều bảo tàng ở Anh. Một trong số các tác phẩm bị như thế là “Peach Trees in Blossom” (“Vườn đào ra hoa”) do van Gogh sáng tác năm 1889.

Trong khi đó, bức “The Sower” (“Người gieo hạt”) của van Gogh (1888) bị nhóm Ultima Generazione ở Ý tạt súp đậu; bức “Haystacks” (“Ụ rơm”) của Monet (1890) bị hai thành viên từ hội Letzte Generation ở Đức tạt khoai tây nghiền.

Những sự kiện này làm dấy lên tranh luận về tính hiệu quả của các hành động biểu tình. Adam Weinberg - Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Whitney - có phát biểu như sau trong một diễn đàn hồi tháng 10/2022 thảo luận về ý thức xã hội trong lĩnh vực bảo tàng: “Những người này chỉ đang trình diễn, thu hút sự chú ý của mọi người tới một vấn đề nào đó. Song, ta phải hỏi rằng liệu làm vậy có thay đổi được gì không.”

Vào tháng 11, 92 thành viên từ các cơ quan văn hóa ký tên vào lá thư lên án hành động của những nhóm môi trường này. Theo lá thư: “Giới hoạt động xã hội đã xem nhẹ các tác phẩm không thể thay thế này, những hiện vật thuộc di sản văn hóa thế giới mà ta phải bảo tồn. Với tư cách các giám đốc được giao trọng trách bảo vệ các tác phẩm, chúng tôi vô cùng bàng hoàng trước các hành động phá hoại đầy rủi ro.”

Một số nhà hoạt động môi trường hiện phải đối diện pháp luật vì hậu quả những hành động của mình. Hôm 02/12 vừa qua, người biểu tình 20 tuổi dán dính bản thân vào khung tranh “The Calm on the Run to Egypt” (“Nghỉ chân trên đường trốn chạy đến Ai Cập”) của Cranach tại Bảo tàng Gemäldegaleriem, Berlin, đã bị khép tội phá hoại tài sản.

Còn vào tháng 11, hai nhà hoạt động tại Bỉ bị kết án tù 2 năm bởi một trong hai dán dính tay vào khoảng tường bên cạnh tác phẩm “Girl with a Pearl Earring” (“Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”) của Johannes Vermeer, còn người còn lại định dán đầu mình vào tranh. Được biết bức tranh không bị hư hại gì.

Theo tờ Guardian, công tố viên công cộng đề nghị mức án tù 4 tháng cộng 2 tháng án treo: “Tác phẩm nghệ thuật trưng bày cho công chúng thưởng lãm đã bị các bị cáo làm ô uế, chỉ bởi các bị cáo nghĩ rằng thông điệp của các bị cáo quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán