Sắc đẹp

Kopari đổi mới thương hiệu, cam kết phát triển bền vững

Thương hiệu dưỡng da có trụ sở tại California này vừa định hướng lại công thức chế tạo, chuỗi cung ứng, và loại bao bì nhằm thực hiện những thay đổi có ý nghĩa.



Thông qua cam kết mới về phát triển bền vững, Kopari sẽ thay mới chuỗi cung ứng, công thức chế tạo, và dây chuyền đóng gói - Ảnh: Kopari

Kopari, nhãn hiệu ra mắt năm 2016, chuẩn bị trở lại thị trường với bao bì mới, công thức chế tạo mới, và lựa chọn hợp tác với những nhà cung cấp mới. Bước đi này của công ty thể hiện cam kết phát triển bền vững, cũng như nỗ lực tạo ra các dòng sản phẩm “sạch”.

Susan Kim, tổng giám đốc điều hành Kopari, cho biết: “Sản phẩm làm đẹp đạt chuẩn ‘sạch’ đã có nhiều bước tiến so với 5 năm trước đây. Trong năm qua, tôi vừa muốn giữ hình ảnh một thương hiệu vừa cố gắng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng quan tâm đến các mỹ phẩm ‘sạch’.” Theo đó, Kopari đã loại bỏ polyethylene glycol ra khỏi các sản phẩm vì “các nghiên cứu không đáng tin cậy” về chất này.

Kim nói thêm: “Diễn đạt rõ ràng triết lý ‘sạch’ là như thế nào chính là bước đi đầu tiên. Tôi không đơn giản muốn đi theo các tiêu chuẩn của Sephora hay Ulta mà muốn định ra chuẩn ‘sạch’ dành riêng cho thương hiệu của mình. Hiện danh sách các nguyên liệu không được phép sử dụng trong các dòng sản phẩm của chúng tôi đã vượt qua con số 200.”

Người tiêu dùng cũng có thể nhìn rõ công thức và nguyên liệu chế tạo sản phẩm trên bao bì. Kim cho biết: “Bạn sẽ thấy thông tin trên các sản phẩm đổi mới được minh bạch hơn, dòng chữ nổi và rõ ràng hơn.”

Nhưng lần đổi mới thương hiệu này không chỉ nhắm vào thẩm mỹ. Kim cho biết: “Các loại hũ chứa sản phẩm mới đều có thể tái chế, không những vậy mà chúng còn có thể tái sử dụng nữa. Hiện mọi sản phẩm trên thị trường đã đi theo con đường tái chế, nhưng chúng tôi muốn tiến xa hơn, dự định năm 2022 sẽ thực hiện chương trình tái sử dụng, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn khi mua sắm.”

Vì vậy nếu bao bì bên sản xuất không có khả năng tái chế, Kopari sẽ tìm đến nhà cung cấp khác hoặc nhờ đối tác TerraCycle hỗ trợ. Kim nói: “Chúng tôi hiện chỉ tin dùng các loại nhựa tái chế được. Sản phẩm cũng không còn những mẩu giấy dán trong suốt nữa bởi chúng là chất liệu không thể tái chế. Các lò xo dạng nhỏ cũng vậy. Chúng tôi đều được TerraCycle tư vấn. Hiện thương hiệu chỉ nhập từ 5-6 bên bán, và nếu một trong số họ không đảm bảo sử dụng hoàn toàn các nguyên liệu có thể tái chế được, chúng tôi sẵn sàng ngừng hợp tác.”

Bao bì mới sẽ ra mắt vào dịp lễ năm nay và chính thức phân bố rộng rãi trên toàn thị trường vào năm 2022. Tuy các trở ngại trong chuỗi cung ứng là vấn đề không của riêng hãng mỹ phẩm nào, Kim cho rằng việc mở rộng quan hệ đối tác với các nhà sản xuất “sạch” cũng giúp Kopari trở nên linh động hơn.

Kim giải thích: “Phải mất khoảng một năm rưỡi ta mới có thể tạo ra thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng. Hiện chúng tôi chọn lối đi ít người tìm đến, và từ một nhà sản xuất, chúng tôi đã có 9 đối tác, vì thế tránh được các hạn chế khả dĩ. Họ đều có những ý tưởng độc đáo về công thức chế tạo mỹ phẩm.”

Tuy Kim không tiết lộ về doanh số, nhiều nguồn tin cho biết doanh thu bán lẻ cộng gộp trong năm 2021 của Kopari đã tăng gấp đôi, đạt mốc 30 triệu USD.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán