Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Sân khấu & Điện ảnh

Sân khấu & Điện ảnh

“Cuộc chiến đa vũ trụ”: hỗn loạn mà tinh tế

“Everything Everywhere All at Once” (tựa Việt: “Cuộc chiến đa vũ trụ”) mở đầu với một khung cảnh tưởng chừng rất quen thuộc.



Gia đình Evelyn Wang sinh sống tại một tiệm giặt (Một cảnh trong bộ phim) - Ảnh: BALBUSMICHAEL

Vài phút đầu tiên, khán giả có thể thấy một tiệm giặt ở một con phố bình thường, bên trong là một bà mẹ mỏi mệt với công việc, một ông bố vui tươi, và một cô con gái đồng tính không được bà mẹ thấu hiểu cho lắm. Bộ đôi đạo diễn Dan Kwan và Daniel Scheinert (tức Daniels) cho bạn chiêm ngưỡng thế giới này, hút bạn vào đó, đẩy bạn ra, nhưng vẫn níu kéo bạn.

Evelyn Wang, bà mẹ mệt nhoài nói trên, buộc phải dấn thân vào đa vũ trụ để chống lại thế lực đen tối mang tư tưởng đoạn diệt, Jobu Tupaki. Kẻ đó thật ra chính là bản thể của cô con gái bà - Joy - ở một vũ trụ khác. Xuyên suốt bộ phim là những chi tiết gợi lại các tác phẩm điện ảnh quen thuộc, từ những cảnh lãng mạn trong “Tâm trạng khi yêu” (2000) cho đến những bộ phim viễn tưởng như “2001: A Space Odyssey” (1968), như thể đây là một bức thư tình dành cho chính điện ảnh vậy. Những kỹ xảo thực tế cũng khiến khán giả quên mất khá nhiều đoạn hoàn toàn làm từ máy tính. Những điều diệu kỳ trên được nhào nặn thành một bộ phim hỗn loạn mà tinh tế.

Tại trung tâm của câu chuyện là bức tranh một gia đình di cư. Ta có thể thấy chiếc máy karaoke được kê vào chi phí kinh doanh, những chiếc bình gốm cũ quanh tiệm giặt, và nỗi giằng co giữa hai thế hệ di cư. Lời thoại chuyển mượt mà từ tiếng Phổ thông sang tiếng Anh, xóa nhòa khoảng cách giữa hai nền văn hoá như cách Evelyn và Joy xóa nhòa rào cản khi thâm nhập vào tâm trí hàng vạn bản thể khác nhau của họ trong đa vũ trụ. Chi tiết này cũng lột tả rất rõ những gia đình di cư: luôn cảm thấy như phải sống chật vật giữa hai thế giới, luôn cảm thấy hoài nghi về bản thân, và luôn luyến tiếc quá khứ. Sự bất định được đẩy lên cao trào khi Evelyn đối diện với những bản thể khác nhau mà cô có thể trở thành: một ngôi sao điện ảnh kiếm hiệp; một phụ nữ tại vũ trụ nơi ngón tay con người dài như xúc xích; một đầu bếp tại quán hibachi với cốt truyện khá giống bộ phim Ratatouille nổi tiếng; một đào hát Kinh kịch; và thậm chí là một tảng đá tại vũ trụ nơi sự sống chưa bao giờ tồn tại.

Chu du qua nhiều vũ trụ khác nhau như vậy, khán giả và các nhân vật vẫn chỉ vương vấn với câu hỏi chủ chốt - cuộc đời này thật sự có nghĩa lý gì không? Không chỉ sự vô tận, mà cả cảm giác nhỏ bé, vô nghĩa trong cái sự vô tận ấy kết tinh ở nhân vật Joy/Jobu Tupaki - người con “giác ngộ” được chủ nghĩa hư vô, đoạn diệt. “Everything Bagel” hút toàn bộ vật chất vũ trụ vào bên trong không được cô tạo ra nhằm tàn phá thế giới, mà để kết thúc chính cuộc đời cô. Mỗi lần bập bẹ tiếng mẹ đẻ để giới thiệu cô bạn gái Becky với gia đình mình, Joy lại cảm thấy mình trượt sâu hơn, không thể nào với tới được những kỳ vọng mà bố mẹ đã đặt ra khi họ quyết định rời Trung Quốc; để rồi cô lún dần lún dần vào hố đen nội tâm.

Trước sự vĩ mô vô chừng ấy, khán giả lại ấm lòng với những phân đoạn cảm động và sâu lắng. Sau những cuộc chu du đa vũ trụ xoắn não, Evelyn và Joy đi đến nơi cả hai chỉ là những tảng đá nhìn ra xa vô tận. Chỉ khi trở thành những vật thể nguyên sơ như vậy, cả hai mới có thể trò chuyện với nhau.

Biến hóa qua lại giữa nhiều thể loại như vậy nhưng “Cuộc chiến đa vũ trụ” của bộ đôi Daniels vẫn rất tinh tế khi xử lý bầu cảm xúc ở mỗi thể loại hướng đến, sao cho tình yêu thương dần thấm đượm vào từng khía cạnh khác nhau mỗi nhân vật. Bộ phim vừa đi theo đúng tên gọi, lại vừa có chừng mực thay vì lún quá sâu vào những tình tiết viễn tưởng hay ngã vào lối mòn của những tác phẩm khám phá đa vũ trụ khác. Mọi cảnh quay khi thì mang vẻ vui nhộn, khi thì sâu sắc, và đôi khi hoà quyện cả hai. Có thể nói hai vị đạo diễn đã dùng trí sáng tạo để làm mới những khuôn mẫu sáo mòn.

Dương Tử Quỳnh là nhân vật "bản lề", thể hiện rõ từng mặt mộc mạc, quý phái, ưu sầu, và đôi khi hóm hỉnh của nhân vật Evelyn. Đồng hành Evelyn và giúp khán giả làm quen với các khái niệm về đa vũ trụ là nhân vật Waymond của Quan Kế Huy. Đây là vai diễn đầu tiên của anh sau 20 năm rời ngành giải trí. Tính tình xởi lởi và nhẹ nhàng của Waymond giúp anh trở thành nhân vật được khán giả tin tưởng. Stephanie Hsu hóa thân xuất sắc thành các bản thể khác nhau của Joy, từ phong cách cyberpunk đến Elvis Presley, phần lớn nhờ công tạo mẫu của Shirley Kurata. Hsu chuyển từ những đoạn hành động tàn bạo sang những đoạn làm cô con gái đau khổ dễ như trở bàn tay.

Bộ phim đưa khán giả qua những cung bậc cảm xúc khác nhau với xuất phát điểm và cao trào cùng ở tiệm giặt của gia đình di cư. Thế giới bất định bỗng trở nên đầy màu sắc và chắc chắn người xem sẽ thấm thía được nhiều điều khi bước ra khỏi rạp chiếu.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán