Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Sân khấu & Điện ảnh

Sân khấu & Điện ảnh

Litva và cơ hội trở thành trung tâm nghệ thuật trình diễn

Sự kiện Vilnius Biennial of Performance Art (VBPA) được khởi xướng sau khi một vở opera của Litva thắng giải Sư tử Vàng tại la Biennale di Venezia năm 2019.



Litva giành giải Sư tử Vàng cho tác phẩm “Sun & Sea (Marina)” tại triển lãm quốc tế la Biennale di Venezia năm 2019 - Ảnh: Andrej Vasilenko

Tuy là một đất nước nhỏ, Litva lại ấp ủ tham vọng lớn về nghệ thuật. Quốc gia Vùng Baltic này mong muốn trở thành trung tâm nghệ thuật trình diễn với sự kiện mới sắp được tổ chức hai năm một lần. Dự kiến mùa đầu tiên của VBPA sẽ diễn ra vào mùa hè 2023. Thủ đô Vilnius của Litva sẽ bố trí 40 tiết mục trình diễn tại các khu vực công cộng từ công viên, quảng trường, cho đến sân quần vợt và nhà văn hóa.

Hiện thông báo chiêu mộ đã thu hút hơn 300 bài dự thi từ nhiều quốc gia. Ban giám khảo quốc tế sẽ chọn ra 10 tiết mục ấn tượng nhất. Ngoài ra, ban tổ chức đã lên lịch sẵn 8 tiết mục sẽ được trình diễn, song chưa công bố tên nghệ sĩ. Chủ đề cho các tiết mục là dựa vào cảnh quan nơi trình diễn mà thực hiện nội dung liên quan đến thành phố. Neringa Bumblienė, Giám đốc nghệ thuật, phát biểu: “Tôi chú trọng đặc tả thành phố này như một kiến tạo của nhân loại, nơi lịch sử, thần thoại, sinh hoạt, thú vui, ao ước, và tầm nhìn của mọi người đan xen nhau, va chạm nhau, cùng nhau tồn tại.”

Trước khi Litva tách khỏi Liên bang Xô Viết năm 1990, phần lớn hoạt động nghệ thuật đương đại đều là tự phát, không được cơ quan nào hỗ trợ. Lolita Jablonskiene, Giám đốc Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia tại thủ đô Vilnius, cho biết: “Lịch sử nghệ thuật trình diễn của chúng tôi bắt đầu từ tận những năm 1970. Đó thường là các buổi diễn bất hợp pháp với số người thưởng thức đếm trên đầu ngón tay, lại còn là người quen. Nhưng chúng đều được ghi chép lại.” Khi chính quyền Xô Viết tan rã, giới sáng tạo được giải phóng, tạo nên một môi trường nghệ thuật năng động, đầy tính thử nghiệm.

Ý tưởng sự kiện trình diễn nghệ thuật cách năm hình thành khi Litva thắng giải Sư tử Vàng năm 2019 cho tác phẩm “Sun & Sea (Marina)”. Đây là vở opera dựng trên một bãi biển nhân tạo; quan khách đứng từ trên nhìn xuống 25 diễn viên mặc đồ tắm nằm hát trên cát. Đứng sau tác phẩm này là ba nữ nghệ sĩ Rugilė Barzdžiukaitė, Vaiva Grainytė, và Lina Lapelytė. Lời nhạc phản ánh hiện tượng ô nhiễm nước biển và biến đổi khí hậu. Buổi trình diễn 60 phút lặp lại 8 lần này thu hút khán thính giả từ khắp nơi trên Litva đến xem. Tác phẩm sau đó còn được công diễn ở nước ngoài, gặt hái nhiều thành công vang dội.

Có thể nói tiếng lòng của những nữ nghệ sĩ về việc ô nhiễm biển là một chủ đề khá phổ biến trong giới nghệ thuật trình diễn ở Litva. Emilija Škarnulytė, một trong những nhà làm phim nổi tiếng nhất tại Litva, đã học lặn tự do cũng như lặn với bộ dưỡng khí tại thành phố Tromsø, Na Uy, gần Bắc Băng Dương cũng như hợp tác với nhiều nhà hải dương học nhằm khai thác chủ đề về sông, hồ, và biển. Trong hầu hết những bộ phim của mình, cô mặc bộ đồ người cá và điều khiển drone quay các cử động của bản thân dưới nước, liên kết thế giới thực với thế giới cổ tích.

Trong mùa đầu tiên của VBPA, Škarnulytė sẽ trình diễn tại Sân khấu Opera và Ballet Quốc gia, một tòa nhà có vòm kính xây dựng theo trường phái kiến trúc hiện đại. Sử dụng đèn, laser, máy chiếu cỡ đại với âm thanh phụ họa (bao gồm dàn đồng ca mặc đồ có mũ trùm đen), cô biến nhà hát thành một thế giới dưới nước kỳ ảo, biến chiếc đèn chùm thành con sứa lơ lửng bơi trên đầu. Hình ảnh phóng chiếu lên các bức tường và trần được quay từ tàu ngầm lặn xuống độ sâu 4 km ở khu vực biển ô nhiễm nhất thuộc Vịnh Mexico, nổi bật với cảnh các mảnh rác thải hòa vào đời sống dưới đại dương. Bên cạnh đó, những hình ảnh tòa nhà đổ nát gợi cho ta viễn cảnh nước biển nhận chìm các thành phố lớn ven biển.

Dự án tiếp theo của Škarnulytė sẽ được thực hiện tại Biển Baltic, vùng biển nguy hiểm bậc nhất thế giới bởi các tàn tích và chất độc phóng xạ từ thời Chiến tranh Lạnh. Cô cho biết: “Địa chính trị luôn hiện hữu tại vùng Baltic, nhất là khi chiến sự Ukraina vẫn đang diễn ra cách đây không xa. Vì vậy mà tôi thấy mình như một phóng viên, giúp bóc trần những thứ tưởng chừng vô hình vô dạng.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán