Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Sân khấu & Điện ảnh

Sân khấu & Điện ảnh

Vở kịch giúp định hình sự nghiệp Ngũgĩ wa Thiong’o

Đúng lúc Kenya kỷ niệm 59 năm ngày độc lập hôm 01/6/2022, vở kịch gây tranh cãi của Ngũgĩ wa Thiong’o - tác giả nổi nhất tại đây - được công diễn lại tại quê nhà và vé tham gia đều được bán sạch.



Chân dung Ngũgĩ wa Thiong’o - Ảnh: Nikki Kahn/Getty Images

Đã 45 năm trôi qua kể từ khi tác phẩm này bị cấm và tác giả bị bắt giữ. Đợt trình diễn lần này giúp làm sáng rõ tình hình Kenya trong những năm gần đầy.

Vở “Ngaahika Ndeenda” (tạm dịch: “Tôi sẽ cưới người khi nào tôi muốn”) có thể xem là tác phẩm có ảnh hưởng nhất của Ngũgĩ wa Thiong’o và nhà văn quá cố Ngũgĩ wa Mirii. Vở kịch xoay quanh Kiguunda, một nông dân có khoảng đất luôn bị dòm ngó bởi Ahab Kioi - một tên tài phiệt địa phương tượng trưng cho lực lượng tài chính quốc tế.

Qua nhiều câu chuyện đan cài nhau, vở kịch xoáy dần vào tình cảm bấp bênh giữa cô con gái của Kiguunda và cậu con trai của Kioi. Cuộc tình này dẫn đến thai nhi ngoài ý muốn và khiến Kiguunda ảo tưởng có thể gả con gái đi để được vinh hoa. Song, ông không nhận lại được gì ngoài sự nghèo túng và lời gièm pha từ cộng đồng.

Cuối năm 1977, ít lâu sau khi hoàn thành tác phẩm và cho công diễn, Ngũgĩ bị bắt nhốt mà không xét xử. Theo hiến pháp cũ (bị thay thế vào năm 2010 bằng một hiến pháp tiến bộ hơn), tổng thống có quyền bắt nhốt bất cứ ai mà không cần phải tổ chức phiên tòa luận tội. Mặc dù lý do bắt giam không bao giờ được công bố, Ngũgĩ cho rằng ông bị như vậy là vì dám viết tác phẩm bằng ngôn ngữ Gikuyu bản địa.

Ngũgĩ từng nói: “Tôi nghĩ mình viết nhiều tác phẩm Anh ngữ mà chẳng bị làm sao. Bỗng nhiên tôi lại bị bắt giữ khi dám viết kịch bằng tiếng Gikuyu. Vậy thì giờ đây tôi sẽ tiếp tục viết văn bằng tiếng Gikuyu.”

Ngũgĩ sống một năm tại Trại Bảo mật Cấp cao Kamiti. Vụ bắt giam phản ánh phần nào tình trạng nhân quyền tại Kenya, đồng thời góp phần định hình những áng văn và hoạt động xã hội sau này của Ngũgĩ.

Được trả tự do vào năm 1978 sau khi tổng thống đầu tiên của Kenya, Jomo Kenyatta, qua đời, Ngũgĩ bị cấm quay lại vị trí cũ ở Đại học Nairobi và bị lưu đày năm 1982. Tuy không bị cấm, các ấn phẩm khác của ông cũng không được giảng dạy tại trường học trong suốt hai thập kỷ tiếp theo. Có thể nói “Ngaahika Ndeenda” vừa đánh dấu điểm ra đi, vừa đánh dấu điểm trở về của Ngũgĩ.

Lưu đày

Năm 1967, Ngũgĩ ghi âm bài diễn thuyết “Decolonising the Mind” (tạm dịch: “Giải thực dân tâm trí”), nói về các cấu trúc quyền lực thực dân được tái tạo thế nào thông qua giáo dục và việc áp đặt ngôn ngữ, văn học Châu Âu lên Châu Phi: “Sau khi viết xong tác phẩm “A Grain of Wheat”, tôi gặp khủng hoảng. Tôi biết mình viết về ai, song lại không biết mình viết cho ai… Trong bài phỏng vấn với một tờ báo trường ở Đại học Leeds, tôi có nói: “Tôi gặp khủng hoảng và thật không biết mình có nên tiếp tục viết văn bằng tiếng Anh hay không”.”

Năm 1977, Ngũgĩ quay về làng mình ở Limuru và vận động người dân tự dựng rạp nhằm phản đối lệnh cấm tiếp cận Nhà hát Quốc gia Kenya.

Ông cùng Mirii chấp bút nên tác phẩm mà ông cho rằng phản ánh đúng những gì dân làng và công nhân nhà máy tại Limuru phải đối mặt - sống sót qua ngày bằng đồng lương còm cõi. Tham gia diễn xuất cũng là những nông dân, công nhân tại Limuru. Ngũgĩ bồi hồi: “Tôi vẫn tin tưởng vào sức mạnh của người nông dân thường nhật được kể chính câu chuyện của họ.”

Rạp hát tự dựng sau đó bị chính quyền dẹp bỏ. Ngũgĩ bị bắt giam. Mirii chạy trốn qua Zimbabwe cùng đạo diễn Kimani Gecau.

Trong ngục tù, Ngũgĩ sáng tác truyện phúng dụ “Caitani Mutharaba-ini” (tạm dịch: “Ác quỷ trên thập tự giá”) lên giấy vệ sinh nhà tù và biên soạn hồi ký “Detained” (tạm dịch: “Bị bắt giam”). Khi giới thiệu hai tác phẩm này tại London năm 1982, Ngũgĩ nhận được mật thư báo rằng ông sẽ được “trải thảm đỏ đón tiếp” khi trở về. Song, ông chỉ quay về quê nhà Kenya vào tháng 7/2004, khi chính quyền dân chủ được thiết lập.

Sự trở lại của “Ngaahika Ndeena” không chỉ giúp giới trẻ chưa được sinh ra khi vở kịch công diễn lần đầu và tác giả của nó phải biệt xứ có dịp được thưởng ngoạn, mà còn đánh dấu một môi trường nghệ thuật cởi mở và phóng khoáng hơn tại Kenya.

Diệu kỳ hơn viễn tưởng

Chủ đề chính của “Ngaahika Ndeenda” - bất bình đẳng và công bình xã hội - thu hút một lượng khán giả lớn. “Ngaahika Ndeenda” như vẽ ra viễn cảnh cho một đất nước vẫn còn xung độ giai cấp, đầy rẫy lòng tham và hám lợi. Không chỉ giới trẻ tại Nairobi và các kiều bào thành thị, mà cả những người dân từ vùng nông thôn xa xôi cũng hào hứng đến xem vở diễn lần này.

Hiện tại, Ngũgĩ đang nhào nặn lại tác phẩm đầu tiên “The River Between” bằng tiếng Gikuyu, với tựa mới “Rui Rwa Muoyo” (tạm dịch: “Dòng sông Sự sống”). Ngũgĩ gọi tiến trình này là “phục hưng”: trả tác phẩm về cho ngôn ngữ Phi châu, vốn trước đây bị từ vựng Âu châu áp bức. Hay như Ngũgĩ nói: “Người trẻ ngày nay cần biết được rằng họ có thể tự do viết và trình diễn bằng ngôn ngữ Châu Phi. Họ cần biết đó là những điều họ có khả năng thực hiện.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán