Trang chủ»Kinh tế»Tài chính - Thương mại

Tài chính - Thương mại

Bí quyết tạo nên bao bì gây ấn tượng cho thương hiệu

Bao bì là cầu nối giữa thương hiệu và khách hàng nhưng nhiều nhà sản xuất Việt Nam lại chưa quan tâm nhiều đến việc cải thiện hình thức sản phẩm.



Một nhà máy sản xuất vật liệu đóng gói ở tỉnh Hưng Yên, Việt Nam - Ảnh: Phạm Kiên/VNA-VNS

Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Việt Nam chưa quan tâm mấy đến bao bì sản phẩm, một sai lầm gây tổn hại đến thương hiệu và lợi nhuận của họ.

Ở Anh, các nhà sản xuất sữa quan tâm việc đóng gói bao bì đến mức họ sử dụng hai màu khác nhau để chỉ định các sản phẩm có đường hay không đường. Các yếu tố trực quan như trên cho phép khách hàng phân biệt những loại sản phẩm khác nhau mà không cần đọc nhãn.

Nhưng thay đổi yếu tố trực quan không phải là phương án cải tiến duy nhất trong giới tiếp thị. Một sản phẩm dễ mở cũng có thể tạo nên trải nghiệm tích cực cho khách hàng, khuyến khích họ mua thêm.

Đáng tiếc là nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam chưa nắm rõ các chiến lược này mà tiếp tục đóng gói sản phẩm của mình theo kiểu khó mở, khiến khách hàng thất vọng, làm họ không muốn mua lại.

Bà Trịnh Thị Thu Giang, Giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội kêu gọi các nhà sản xuất Việt Nam chuyển sang bao bì tự sáng tạo để thoát khỏi tư duy truyền thống cứng nhắc.

Bà lấy một nhà sản xuất rượu sâm-panh ở Anh làm ví dụ cho tầm quan trọng của việc sáng tạo bao bì. Trong khi các đối thủ của họ sản xuất ly rượu thông thường và bị các nhà bán lẻ ép giá, nhà sản xuất đó đã chế tạo ly rượu của riêng mình với đế cho phép ly lật ngược mà không đổ.

Và khách hàng sẵn sàng trả phí cho thiết kế độc đáo đó. Những chiếc ly này phổ biến đến mức chúng được bán với giá gấp đôi so với những chiếc ly thông thường và nhanh chóng được những người sành rượu săn đón. Bài học rút ra: sự sáng tạo là dấu ấn làm nên thương hiệu.

Bà cho biết thiết kế bao bì hiệu quả đòi hỏi hiểu biết về cả khía cạnh thực tiễn lẫn lý thuyết. Quan hệ hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và trường đại học có thể cho các doanh nghiệp tiếp cận các nghiên cứu tiên tiến, các xu hướng mới nhất trong ngành và hiểu biết sâu sắc của chuyên gia, từ đó quyết định vật liệu đóng gói, tính bền vững và thẩm mỹ thiết kế.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó giám đốc Trung tâm Thủ công Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của bao bì được thiết kế tốt, có thông tin đầy đủ về sản phẩm, bao gồm cả nguồn gốc trong việc xây dựng nhận diện thương hiệu.

Ông cho biết khô bò có chỉ dẫn xuất xứ Tây Nguyên hoặc thạch đen có chỉ dẫn xuất xứ Cao Bằng có thể tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng vì những vùng này nổi tiếng với nguyên liệu chất lượng cao. Trong khi đó, khô bò không có chỉ dẫn địa lý sẽ khiến người sành ăn nghi ngờ về chất lượng.

Ông khuyến khích các nhà sản xuất Việt Nam nên thực hiện phân tích chi phí toàn diện trước khi bắt tay vào thiết kế lại bao bì, bao gồm đánh giá tác động tài chính trong toàn bộ chuỗi sản xuất, từ việc thu mua nguyên vật liệu đến phân phối sản phẩm cuối cùng. Mục tiêu là đạt được sự cân bằng giữa làm mới bao bì và duy trì mức giá hấp dẫn thu hút thị trường mục tiêu.

Thiên Kim
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán