Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Chuyên gia chia sẻ cách ghi chép bài giảng hiệu quả cho sinh viên

'Sinh viên không nên ghi chép tất cả mọi thứ, chỉ ghi ý trọng tâm, ghi ý chỉ có trong bài giảng và quan trọng nhất là ghi tư duy của mình khi học" - Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Phương Chi (Đại học Arizona, Mỹ) chia sẻ.



Nhiều sinh viên dùng điện thoại chụp lại nội dung bài giảng - Ảnh: THU GIANG

Sinh viên lúng túng tìm phương pháp học

Không có phương pháp ghi chép phù hợp khiến nhiều sinh viên dù nỗ lực nhưng kết quả học tập lại không như mong muốn.

Quỳnh Như, tân sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM, đã thử nhiều cách ghi chép nhưng đến nay vẫn chưa tìm được phương pháp nào tối ưu cho các môn đại cương.

Thời gian đầu, Như cố gắng ghi chép toàn bộ nội dung bài giảng ở lớp, sau đó tự hệ thống kiến thức thành sơ đồ tư duy tại nhà. Đối với những môn học được cung cấp bài giảng trước, Như sẽ in ra và ghi chú trực tiếp lên tài liệu.

Tuy nhiên, mỗi lần ôn tập, Như cảm thấy khó khăn trong việc nhìn nhận tổng thể và liên kết các vấn đề từ chính những thông tin mình ghi chép. Do đó, bạn thường phải tìm đến các bài giảng trên YouTube để học lại kiến thức cũ.

Tú Anh, sinh viên năm nhất Trường Đại học Tài chính - Marketing, cũng đang gặp vấn đề tương tự với môn toán cao cấp.

Tú Anh cho biết mình dành riêng một quyển vở để ghi lại hết nội dung giảng viên viết trên bảng cho đến những gì có trong slide bài giảng.

Về nhà, bạn cũng tìm thêm video trên mạng để củng cố kiến thức. "Dẫu vậy, điểm kiểm tra gần đây mình nhận được lại không cao nên mình thấy khá sốc" - Tú Anh tâm sự.

Đỗ Thu Hiền, sinh viên năm 2 Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), khá bất ngờ khi hết năm nhất, quyển vở dùng để ghi bài cho tất cả môn học của mình vẫn chưa dùng hết. Ngược lại, ứng dụng Google Photos trên điện thoại lại quá tải dung lượng.

Để theo kịp tốc độ giảng bài trên lớp, Hiền chọn cách dùng điện thoại để chụp slide thay vì ghi chép. Những môn cảm thấy thích hoặc những kiến thức mà Hiền nghĩ là có thể áp dụng được thì bạn mới ghi vào vở.

"Việc thường xuyên sử dụng điện thoại trong giờ học khiến mình dễ bị xao nhãng vì cứ liên tục kiểm tra tin nhắn, thông báo từ các ứng dụng mạng xã hội. Chưa kể ở lớp mình chụp rất nhiều môn, đến lúc về xem lại, hình ảnh như một mớ bùi nhùi, không phân biệt được môn nào. Nhưng mình vẫn chụp vì nó tạo cảm giác an tâm, biết đâu sau này sẽ cần đến", Hiền nghĩ.

Thực tế thì ngược lại, sau một năm học, Hiền thừa nhận chưa từng xem lại các slide đã chụp tại lớp. Cũng chính vì vậy mà đến kỳ thi, Hiền cảm thấy "ngộp" trước lượng kiến thức quá lớn cũng như không có thời gian để chép lại nội dung slide. Để vượt qua, bạn thường "chữa cháy" bằng cách tìm tài liệu khác trên mạng để ôn theo.



Sinh viên chỉ nên ghi những ý quan trọng - Ảnh: HÂN NHIÊN

Để ghi chép hiệu quả

Bà Nguyễn Phương Chi - Tiến sĩ giáo dục, hiện giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Arizona (Mỹ) - cho rằng khó khăn trong nghe và ghi chép bài giảng là vấn đề không chỉ có ở tân sinh viên, mà bất kỳ người học nào khi chuyển đổi cấp bậc cũng đều gặp phải.

Theo bà Chi, đây vừa là trở ngại nhưng cũng vừa là cơ hội để người học thử nghiệm những phương pháp học mới. "Không ghi tất cả mọi thứ, chỉ ghi ý trọng tâm, ghi ý chỉ có trong bài giảng và quan trọng nhất là ghi tư duy của mình khi học", bà Chi lưu ý 4 điều trong ghi chép.

Bà Nguyễn Phương Chi gợi ý sinh viên áp dụng phương pháp ghi chép Cornell (Cornell Notes). Với phương pháp này, sinh viên chia đôi vở thành hai cột.

Cột bên trái ghi các ý chính trong bài giảng, cột bên phải ghi lại những cuộc "đối thoại" của người học với giảng viên qua những câu hỏi, ý kiến phản biện và mở rộng.

Điều này giúp tăng khả năng tư duy, tính tương tác, giúp sinh viên dễ dàng theo mạch bài giảng, nhanh chóng đặt vấn đề và trao đổi với giảng viên ngay tại lớp học.

Với việc ghi chép trên các thiết bị điện tử, tiến sĩ Chi khuyến khích sinh viên sử dụng các công cụ hỗ trợ như OneNote, Microsoft Word, Google Docs, Notion...

Để đảm bảo theo kịp tiến độ bài giảng, sinh viên có thể tận dụng tính năng đính kèm trên các ứng dụng. Ví dụ như chụp hình bài giảng và thực hiện thao tác kéo thả trực tiếp ảnh vào các trang ghi chú.

ThS. Nguyễn Lê Ánh Phương, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định cần thay đổi cách dạy học "thầy đọc trò viết" và tạo điều kiện để sinh viên chủ động hơn trong việc ghi chép.

Theo đó, bà Phương đề xuất mô hình lớp học đảo ngược. Trong mô hình dạy học này, sinh viên tự học kiến thức mới qua học liệu trực tuyến được cung cấp sẵn, từ đó có thời gian ghi chép và nắm bài giảng ở nhà.

Đến lớp, sinh viên được thảo luận và thực hành kỹ năng dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Sự đảo ngược so với trình tự dạy học của lối học truyền thống giúp người học chủ động tư duy trong quá trình ghi chép, thay vì chép mọi thứ trên slide, ghi mọi lời giảng viên nói.

Bà Phương cho rằng sinh viên cần tận dụng công nghệ để ghi chép hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phân loại và lưu trữ tài liệu học tập một cách khoa học, bằng cách dùng email sinh viên, sắp xếp các tài liệu số thành các thư mục để có thể truy cập nhanh chóng ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào.

Hân Nhiên - Thu Giang
(Tuổi Trẻ)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán