Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục đại học

Giáo dục đại học

Nhiều khoá học tài chính cá nhân mở ra sau đại dịch

Nhiều người chúng ta thường không để ý đến cách chi tiêu cho đến khi ta buộc phải ra quyết định tài chính đầu tiên, như thuê một căn nhà, mở thẻ tín dụng, hay sắm một chiếc xe chẳng hạn. Nhưng nếu ta được học về quản lý chi tiêu hay điểm tín dụng trong một môi trường không có rủi ro như ở lớp học thì sao? Nghe có vẻ không thú vị cho lắm nhưng ít ra nó cũng có ích.



Ảnh: www.dailypress.net/

Giáo dục tài chính cá nhân từng không phải là một môn học trọng tâm, nhưng chỉ trong vòng 10 năm trở lại, số lượng các bang tại Mỹ yêu cầu dạy môn này tại trường tăng hơn gấp đôi so với trước đó. Vì cuộc Đại Suy thoái, vấn đề nợ học phí, và nhiều nỗ lực nâng cao nhận thức, nhiều người đã nhận ra tầm quan trọng của việc học cách chi tiêu.

Sau cơn đại dịch vừa qua, mối quan tâm về vấn đề này ở phụ huynh lẫn học sinh được đẩy lên cao hơn bao giờ hết, theo các nhà giáo dục. Chỉ trong năm 2021, các nhà làm luật tại hơn 20 bang đề xuất các dự luật đưa tài chính cá nhân vào chương trình giảng dạy.

Các bang quy định cách dạy

Thông thường các bang tại Mỹ sẽ quyết định cách dạy tài chính cá nhân cho học sinh bang mình. Tại 22 bang, tài chính cá nhân là môn bắt buộc đối với học sinh cấp ba trong năm học 2020-2021, theo nghiên cứu do Carly Urban - phó giáo sư kinh tế học tại Đại học Bang Montana - công bố tháng 4 vừa qua. Nghiên cứu của Urban cùng các cộng sự cho biết học sinh được dạy về các khái niệm tài chính cá nhân cơ bản thường giữ điểm tín dụng ở mức tốt và ít bị quá hạn nợ khi trưởng thành.

Tuy nhiên, yêu cầu về chương trình tài chính cá nhân mỗi bang mỗi khác. Một số bang xếp môn này vào nhóm tự chọn. Một số bang lại tích hợp các khái niệm tài chính vào môn học khác như kinh tế hay toán học chẳng hạn. Ở những bang có riêng môn tài chính cá nhân thì chương trình học đã cũ, không áp dụng vào cuộc sống hiện tại của các bạn trẻ.

“Trong thời đại của Venmo - một ứng dụng chuyển tiền, chỉ dạy trẻ cách viết séc là chưa đủ.” Đó là phát biểu của Tim Ranzetta, đồng sáng lập Next Gen Personal Finance - một tổ chức cung cấp chương trình giảng dạy và đào tạo nghiệp vụ cho các giáo viên tài chính cá nhân, có trụ sở tại Palo Alto, California. Tổ chức của ông vận động đưa tài chính cá nhân thành một môn độc lập mà học sinh phải học trong một học kỳ.

Urban cho biết quan trọng là học sinh cần nắm được điểm tín dụng và báo cáo tín dụng hoạt động ra sao, làm sao để so sánh các sản phẩm tài chính như các khoản vay chẳng hạn, và xây dựng ngân quỹ thế nào để cân đối tiền tiết kiệm, qua đó trả nợ học phí và quản lý được chi tiêu.

Đại dịch khiến tiền bạc trở thành đề tài dễ trao đổi hơn

Theo Urban, trước đại dịch, giáo viên các lớp tài chính cá nhân thường là những người từng vướng vào vấn đề tài chính và nhận ra tầm quan trọng của việc truyền dạy những bài học xương máu của mình cho thế hệ sau.

Renee Nelson là một người như thế. Hiện là trợ lý trưởng ban toán học tại trường dự bị cao đẳng KIPP NYC - một trường toạ lạc tại Bronx, Nelson trước đây từng phải chật vật với nợ tín dụng và cố tìm mọi cách cải thiện hồ sơ của mình để có thể mua được nhà. Chia sẻ hành trình của mình với các em học sinh và được hưởng ứng, Nelson mở khoá học tài chính cá nhân nhằm giúp học sinh lấy được tín chỉ cao đẳng; cô cũng tổ chức nhiều hội thảo cho phụ huynh tham gia.

Nhiều giáo viên nói rằng đại dịch biến tiền nong trở thành việc hệ trọng, bởi ai cũng gặp khó khăn.

William Joy, giáo viên marketing và tài chính cá nhân tại Trường Lucy Garrett Beckham ở Mount Pleasant, South Carolina, cho biết: “Đại dịch là một cú sốc từ thực tế, một sự kiện khiến bao nhiêu kế hoạch của bạn đều đổ bể.” Joy thường nêu ra các ví dụ về việc lập ngân sách tại lớp học, đặt ra cho mỗi học sinh một mức lương cố định và yêu cầu các em phân bổ tiền vào những khoản chi tiêu khác nhau. “Rồi tôi nói: ‘Ôi không, đại dịch bùng phát và giờ tiền lương các em chỉ còn một nửa, các em sẽ chi tiêu thế nào đây?’”

Ngoài lớp học, tiền vốn là vấn đề tối kỵ. Nhưng trong năm vừa qua, các gia đình có nhiều thời gian bên nhau hơn và vì nhiều phụ huynh bị thất nghiệp hoặc giảm tiền lương, họ có thêm cơ hội bàn về vấn đề tiền bạc với con cái.

Các nhà giáo dục còn cho biết trận dịch vừa qua khiến các em quan tâm hơn đến việc tiết kiệm, các khoản đầu tư chứng khoán, và cách tiền ảo vận hành.

Giáo dục tài chính không phải thần dược

Tuy tài chính cá nhân hữu ích như vậy, các giáo viên vẫn nhận thức rõ nó không giúp chữa lành hậu quả của bất bình đẳng và nạn kỳ thị chủng tộc có hệ thống. Đây là bài học họ mong muốn học sinh ghi nhớ.

Học sinh của cô Nelson là các em gốc Phi và Mỹ Latin sinh sống tại các khu vực mức lương thấp; một số em là thành viên đầu tiên trong gia đình đủ điều kiện học lên cao đẳng. Trong những lần biểu tình đòi công bằng sắc tộc năm 2020, những em học sinh tận mắt chứng kiến cảnh bạo động trước sân nhà mang tâm tư của mình lên lớp hỏi. Nelson bắt lấy cơ hội, giảng giải cho các em về nạn kỳ thị kéo dài hàng thập kỷ gây ra bất bình đẳng kinh tế như thế nào và các em có thể làm gì để tạo ra những thay đổi về lâu dài.

Nelson cho biết: “Hầu hết các em không hiểu vì sao gia đình mình cứ lâm vào cảnh nghèo hèn. Đó là cơ hội tốt để liên hệ đến những vấn đề tiền bạc tồn tại trong cộng đồng chúng ta.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán