Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục trung học

Giáo dục trung học

Nhiều anh chị em khiến sức khoẻ tinh thần trẻ vị thành niên giảm sút

Mới đây, kết quả phân tích trẻ vị thành niên tại Mỹ và Trung Quốc cho thấy những bạn sống trong gia đình đông con có sức khoẻ tâm lý kém hơn các bạn khác.



Những bạn trẻ có nhiều anh chị em thường bị sa sút về sức khoẻ tinh thần hơn - Ảnh: Getty Images

Sức khoẻ tinh thần của các bạn thay đổi theo chênh lệch tuổi tác với anh chị em và độ tuổi các anh chị em. Song, Doug Downey, Giáo sư xã hội học tại Đại học Bang Ohio chủ nhiệm đề tài, nhận xét sự tương đồng giữa Mỹ và Trung Quốc là điểm rất đáng chú ý.

Ông cho hay: “Các nghiên cứu trước đây cho thấy có nhiều anh chị em liên hệ với một số lợi ích nhất định nên kết quả lần này vô cùng bất ngờ, không thể đoán trước được.”

Cùng tham gia với Downey trong nghiên cứu này là Tào Nhị, Nghiên cứu sinh xã hội học tại Đại học Bang Ohio. Kết quả được công bố trên bài báo tạp chí “Journal of Family Issues”. Đối tượng nghiên cứu là 9.400 học sinh lớp 8 thuộc Nghiên cứu ban giáo dục tại Trung Quốc cùng 9.100 học sinh lớp 8 thuộc Nghiên cứu chiều dọc lứa tuổi đầu đời - mẫu giáo năm 1988 tại Mỹ. Trung bình các bạn trẻ Trung Quốc có ít hơn 0,7 anh chị em so với các bạn bên Mỹ, cụ thể là 0,89 so với 1,6.

Do chính sách một con, một phần ba đối tượng nghiên cứu tại Trung Quốc là con một (34%), trong khi tỷ lệ đó ở Mỹ chỉ là 12,6%.

Cả hai nhóm đối tượng (độ tuổi trung bình là 14) đều được nhóm nghiên cứu hỏi nhiều câu về tình hình sức khoẻ tinh thần. Các câu hỏi có sự khác nhau giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tại Trung Quốc, trẻ vị thành niên là con một có sức khoẻ tinh thần tốt nhất. Điều tương tự được ghi nhận ở các bạn con một hay chỉ có một anh chị em ở Mỹ.

Một số vấn đề chỉ có thể phân tích dựa trên dữ liệu từ Mỹ. Theo đó, số lượng anh chị em cao, bất kể cùng cha cùng mẹ, khác mẹ, hay khác cha, đều liên hệ tới tình trạng tinh thần tệ hơn. Có càng nhiều anh chị và các anh chị em càng gần tuổi nhau thì càng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tinh thần của đối tượng khảo sát; trong đó, anh chị em sinh cách nhau một năm có quan hệ nghịch chiều với sức khoẻ tinh thần rõ rệt nhất.

Câu hỏi đặt ra là vì sao lại xuất hiện liên hệ này? Downey cho rằng câu trả lời là “dàn trải tài nguyên”: “Thử tưởng tượng sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ như một chiếc bánh, con một sẽ có được cả chiếc bánh - tức toàn bộ sự chú ý và các nguồn lực khác từ bố mẹ. Nhưng khi có nhiều anh chị em, chiếc bánh phải chia nhỏ dần, mỗi người con chỉ nhận được một phần sự chú ý và nguồn lực chăm sóc từ bố mẹ. Đó có thể là lý do vì sao sức khoẻ tinh thần của các bạn trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực.”

Tương quan nghịch rõ rệt trong trường hợp anh chị em gần tuổi nhau càng củng cố giả thuyết trên, bởi trẻ gần tuổi đòi hỏi các loại nguồn lực chăm sóc khá giống nhau.

Một giả thuyết khác là số lượng anh chị em không liên hệ đến sức khoẻ tinh thần mà là các yếu tố khác. Đây là giải thích theo hướng chọn lọc. Khác biệt giữa nhóm Trung Quốc và nhóm Mỹ củng cố cách giải thích này. Ở mỗi nước, gia đình nào càng có nền tảng kinh tế - xã hội vững chãi thì có sức khoẻ tinh thần tốt hơn. Ở Trung Quốc, đó là các gia đình một con; ở Mỹ, đó là các gia đình có một đến hai con. Song, cách giải thích này vẫn chưa chỉ ra rõ ràng ảnh hưởng giữa các nhân tố với nhau.

Downey cho biết: “Khi xem xét toàn bộ những yếu tố có liên quan, số lượng anh chị em vẫn ngả về tương quan nghịch với sức khoẻ tinh thần hơn là tương quan thuận.” Ông cũng lưu ý dữ liệu không nói lên được chất lượng mối quan hệ giữa các anh chị em, để ngỏ khả năng mối quan hệ tích cực có thể mang đến nhiều lợi ích hơn cho sức khoẻ tinh thần, lấn át những mặt tiêu cực. Thực tế, một số nghiên cứu cho thấy trẻ mẫu giáo có nhiều anh chị em có xu hướng phát triển kỹ năng giao tiếp tốt hơn và ít ly dị hơn khi trưởng thành.

Downey nhận xét: “Những kết quả nói trên thật khó có thể giải thích được ngay mà phải chờ những nghiên cứu về anh chị em khác. Đây cũng là vấn đề hệ trọng bởi hiện tại, Mỹ cũng như nhiều quốc gia đang đối mặt với tỷ suất sinh giảm. Nắm bắt được những hệ quả đến từ việc trẻ phải lớn lên trong gia đình chỉ có cha mẹ và không có anh chị em ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán