Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

An toàn và bảo mật thông tin ngành kế toán trong cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày nay, cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) đang dần đi sâu vào từng ngành, từng nghề trong cuộc sống. Nhu cầu thay đổi để nâng cao trình độ nhằm thích nghi với sự thay đổi đang đặt ra trước mắt mỗi người. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid 19 kéo dài kéo theo nhu cầu làm việc tại nhà hay trên các thiết bị hiện đại nhiều hơn là làm việc trực tiếp tại cơ quan, văn phòng. Nghề kế toán cũng không nằm ngoài tình hình đó, để thích nghi với thời đại công nghệ số, các phần mềm kế toán, các hoá đơn điện tử, giấy tờ điện tử cũng lần lượt ra đời, thay thế cho các giấy tờ kế toán truyền thống. Song song đó là sự phát triển của các tin tặc, các phần mềm virus, tấn công an ninh mạng nhằm lấy cắp thông tin bí mật cũng như phá huỷ hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin. Do đó các kế toán viên đối mặt với thách thức nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trình độ công nghệ thông tin bao gồm cả bảo mật và an toàn thông tin (ATTT), công nghệ thông tin (CNTT) để lưu trữ và duy trì số liệu làm việc. Chính vì thế bảo mật an toàn thông tin là thách thức lớn nhất mà ngành kế toán, kiểm toán đang gặp phải ngày nay (Nguyễn Sỹ Danh, 2018, Hà Nội).

Tác động của CMCN 4.0 đến ngành kế toán:

Với những ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 như trí thông minh nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (iCloud), Vạn vật kết nối (Its) đã có sự tác động rất lớn đến công tác kế toán, quy trình kế toán cũng như cơ hội nghề nghiệp của các kế toán viên, cụ thể:

Mở rộng phạm vi làm việc: Với công nghệ số ngày nay, khi số liệu đã được lưu trữ trên các phần mềm, đám mây điện tử, bằng việc lưu trữ và lấy số liệu dễ dàng, kế toán viên có thể làm việc tại bất nơi đâu trong nước hoặc tại bất kì quốc gia nào trên thế giới.

Hiện đại hoá công tác kế toán: Cuộc cách mạng công nghệ số đã góp phần giúp cho công việc hằng ngày của kế toán bớt tính thủ công, rườm rà hơn. Công nghệ số phát triển đòi hỏi các số liệu cũng được hệ thống hoá, các giấy tờ dần được bỏ bớt, thay thế bằng các giấy tờ điện tử, hoá đơn điện tử. Luật kế toán sửa đổi 2015 đã đề cập nhiều hơn đến tới quy định CNTT trong lĩnh vực kế toán như: Quy định về chứng từ điện tử, chữ ký trên chứng từ điện tử,… Nghị định 123/2020/NĐ-CP mới nhất quy định về cách lập và sử dụng và hoá đơn điện tử là dấu hiệu cho thấy sự nỗ lực không ngừng không ngừng của Nhà nước ta trong quá trình số hoá ngày nay. Bên cạnh đó, ích lợi của hoá đơn điện tử như giảm thiểu hư hỏng, giảm thiểu rủi ro mờ số liệu qua thời gian, dễ dàng thay đổi thông tin khi nhập sai, hạn chế việc huỷ bỏ hoá đơn, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, không gian lưu trữ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… đang cho thấy tính ưu việt của việc số hoá quy trình kế toán.

Tối đa hoá hiệu quả của các nguồn lực: Với việc phát triển của hệ thống các phần mềm, các kho lưu trữ như hiện nay, kế toán cũng như nhà quản lý tiết kiệm tối đa được thời gian, nhân lực. Ví dụ với các phần mềm quản lý doanh nghiệp toàn diện ERP (Enterprise resource planning systems), nhà quản lý và kế toán có thể thu thập và thao tác với nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ các phòng ban khác nhau trong công ty bằng cách phân quyền truy cập, giảm thiểu thời gian thu thập số liệu, công tác in ấn,… Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng dễ dàng có được dữ liệu về các báo cáo kế toán liên quan đến tất cả phần hành như doanh thu, chi phí, hàng tồn kho,… các báo cáo quản trị, báo cáo bộ phận,… để ra quyết định kịp thời nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, đòi hỏi tốc độ hiện nay.

Thực trạng bảo mật thông tin, an toàn thông tin kế toán hiện nay:

Dù nhìn thấy được những lợi ích của CMCN 4.0 đến ngành kế toán nói riêng và các ngành nghề khác nói chung tuy nhiên quá trình ứng dụng CNTT và bảo mật, an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu đặt ra của ngành, của thời đại ở nước ta còn chậm. Với xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây, những lỗ hổng bảo mật cũng ngày càng tăng cao, kéo theo các rủi ro về thanh toán, nhập liệu và lưu trữ. Theo số liệu thống kê từ năm 2013 đến nay của Trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng – Ban Cơ yếu Chính phủ, hệ thống giám sát ATTT đã phát hiện: 358.684 cảnh báo liên quan đến mã độc; 417.328 cảnh báo liên quan đến tấn công các hệ thống website, cổng thông tin điện tử; 576.232 cảnh báo tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật và nhiều cảnh báo tấn công nguy hiểm khác (ICTVietnam, 2019)



Số lượng cảnh báo tấn công trong giai đoạn 2013-2019

(Nguồn: Báo cáo sơ kết công tác giám sát ATTT trên mạng CNTT trọng yếu của Đảng và Chính phủ giai đoạn 2013-2019)

Khảo sát cũng cho thấy, kiến thức, sự hiểu biết, khả năng nắm bắt, tiếp cận và sử dụng hệ thống thông tin hiện đại của kế toán viên Việt Nam còn hạn chế, trình độ chưa đồng đều (Nguyễn Thị Vân Chi, 2020). Bên cạnh đó, nguồn nhân lực kế toán của Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập nhưng số lượng và chất lượng còn nhiều hạn chế, có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng xét trên nhiều khía cạnh (Nguyễn Văn Bảo, 2020) Trình độ ngoại ngữ của nhiều kế toán viên cũng chưa được nâng cao, hạn chế trong việc tiếp xúc với các giáo trình nước ngoài hoặc tham gia vào các hội thảo quốc tế về an ninh mạng và bảo mật an toàn thông tin. Điều đáng lo ngại là theo nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học, Lao động và xã hội, lao động Việt Nam tuy nắm vững chuyên môn, nhanh nhẹn, đáp ứng được yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng nhưng yếu kĩ năng mềm, thiếu tư duy cũng như kiến thức và kỹ năng công nghệ (Vũ Thị Thê, 2019)

Đề xuất, kiến nghị

Đối với Nhà nước: Hoàn thiện các văn bản quy định pháp lý về an toàn bảo mật thông tin, an ninh mạng. Có những hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ các doanh nghiệp khi gặp sự cố thông tin. Kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin, công nghệ thông tin. Đẩy mạnh học hỏi, hợp tác với các quốc gia có nền công nghệ thông tin phát triển, kỹ thuật cao. Luôn trong tâm thế sẵn sàng chủ động trong các cuộc tấn công mạng, tránh bị động trước những tình huống bất ngờ. Bên cạnh đó, cần gấp rút đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chuẩn mực lập Báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS - Vietnam Financial Reporting Standards) nhằm hội tụ với quốc tế, tranh thủ các lợi ích và hạn chế các bất lợi từ CMCN 4.0, phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và nâng cao ý thức cũng như kỹ năng ATTT, CNTT của các kế toán viên hành nghề.

Đối với doanh nghiệp: Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thiết lập hệ thống bảo mật nhiều lớp, nhiều tầng, cấp quyền và phân quyền rõ ràng cho từng kế toán viên với từng phần hành và nhiệm vụ kế toán phù hợp. Xây dựng công nghệ bảo mật tối ưu, đạt tiêu chuẩn, xây dựng hệ thống sao lưu dữ liệu trực tuyến đủ lớn, đủ mạnh và có các biện pháp phòng ngừa khắc phục khi có sự cố xảy ra như có các kế hoạch phục hồi và xây dựng lại dữ liệu trong trường trường hợp mất cắp dữ liệu. Đẩy mạnh công tác đào tạo kế toán có trình độ cao am hiểu cả lĩnh vực CNTT, ATTT trong thời đại mới, hướng dẫn kế toán viên truy cập website an toàn, dùng các phần mềm uy tín. Xây dựng một đội ngũ kế toán không những giỏi chuyên môn mà còn vững vàng trước các thay đổi của thời đại, đủ kỹ năng xử lý được các rủi ro, nhận định và hạn chế tối đa các tổn thất vì thất lạc bí mật số liệu, thông tin của doanh nghiệp.

Đối với cơ sở đào tạo: Liên tục cập nhật và đổi mới chương trình cho phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Đào tạo không chỉ thiên về lý thuyết mà cần chú trọng đến thực hành, bổ sung thêm các môn học như an toàn thông tin, bảo mật thông tin vào chương trình học giúp trang bị thêm cho sinh viên những kiến thức cần thiết trước yêu cầu thách thức đặt ra cho kế toán viên hiện nay. Nhà trường cũng cần tích cực phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp phần mềm, xây dựng kế toán mô phỏng giúp sinh viên hội nhập và làm quen với công tác kế tác thực hành cũng như mô hình kế toán ảo.

Đối với kế toán viên: Từ bỏ lối tư duy bảo thủ, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo mật thông tin, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, cảnh giác với mọi rủi ro của việc tiết lộ thông tin ở trong và ngoài nơi làm việc, duy trì sự bảo mật thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, với các khách hàng cũng như các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó không ngừng nâng cao trình độ công nghệ thông tin về kế toán cũng như các kiến thức, kỹ năng khác liên quan đến bảo mật an toàn thông tin, luôn có những biện pháp lưu trữ thông tin và bảo mật thông tin ở khắp mọi nơi mọi lúc như là tăng cường bảo mật thông qua mật khẩu 2,3 lớp như việc xác nhận bằng tin nhắn hoặc email, thiết lập mức độ bảo vệ mật khẩu cao bằng việc kết hợp cả chữ, ký tự đặc biệt và chữ số trong mật khẩu để kẻ xấu khó rà soát và tấn công hơn, cài đặt các phần mềm chống virus, chống tin tặc, thường xuyên thay đổi mật khẩu, tái lưu trữ các số liệu, chứng từ hằng tháng, hằng năm,… Công nghệ thông tin càng phát triển, bên cạnh những mặt tích cực thì đi kèm là những thủ thuật tấn công, đánh cắp dữ liệu ngày càng mở rộng và tinh vi. Các thông tin nội bộ như thông tin nhân viên, giá thành, các báo tài chính, báo cáo quản trị,… dễ trở thành các mục tiêu của các tin tặc. Nâng cao trình độ CNTT, cụ thể là an toàn và bảo mật thông tin đã trở thành một điều kiện cần và cấp thiết đối với các kế toán viên ngày nay.

Á Bình

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán