Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Áp dụng chuẩn mực kế toán công ở việt nam

Quá trình hội nhập với quốc tế đã diễn ra từ lâu trên toàn thế giới, tính đến nay số lượng các quốc gia mở cửa và thay đổi các chính sách cho phù hợp với thông lệ quốc tế ngày càng nhiều và mức độ áp dụng ngày càng sâu. Ở lĩnh vực kế toán, nếu ở khu vực doanh nghiệp, Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS – International Financial Reporting Standards) đang được nghiên cứu và triển khai từng bước, hướng tới áp dụng toàn diện vào năm 2025 thì hiện nay ở khu vực công, trên cơ sở vận dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS – International Public Sector Accounting Standards), Chuẩn mực kế toán công Việt Nam cũng đang được xây dựng và ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thời đại.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu, ban hành và áp dụng chuẩn mực kế toán công, ngày 31/7/2019, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam. Theo đó, Đề án đặt ra 3 mục tiêu cụ thể sau (tapchitaichinh, 2021):

Một là, nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công phải đảm bảo các yêu cầu hội nhập kinh tế của đất nước; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính công của Việt Nam; là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ.

Hai là, việc nghiên cứu, xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam gắn với việc triển khai đề án xây dựng mô hình lập báo cáo tài chính nhà nước; làm cơ sở, nền tảng cho hệ thống cơ chế, chính sách tài chính Nhà nước với hệ thống văn bản pháp luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Chứng khoán... đã và đang được cải cách phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Ba là, việc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là căn cứ ban hành hệ thống chế độ kế toán hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về tài chính công và ngân sách nhà nước. Triển khai Quyết định này, từ năm 2019, Bộ Tài chính đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án, đồng thời đẩy nhanh các nhiệm vụ đã đề ra để đảm bảo ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo từng giai đoạn.

Theo Đề án, từ năm 2020 đến năm 2024, nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố các chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo lộ trình:

• Đợt 1: Thực hiện từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020

• Đợt 2: Thực hiện từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021

• Đợt 3: Từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2022

• Đợt 4: Từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2023

• Các đợt còn lại, thời gian thực hiện từ tháng 01/2024

Sau khi ban hành được 21 chuẩn mực kế toán công Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ tổng kết, đánh giá và lựa chọn các chuẩn mực còn lại trong các giai đoạn tiếp theo phù hợp với cơ chế, chính sách trong khu vực công để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, phù hợp với các nguyên tắc của chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Trong các đợt còn lại sẽ ban hành các chuẩn mực có những khác biệt lớn, cần được nghiên cứu để áp dụng khi có đủ điều kiện để giải quyết sự khác biệt với kinh tế Việt Nam (vac.vn, 2021).

Theo dòng lộ trình này, hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với dự thảo Thông tư ban hành và công bố 5 Chuẩn mực kế toán công (đợt 1), bao gồm:

• Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01 “Trình bày báo cáo tài chính”

• Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 02 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”

• Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 “Hàng tồn kho”

• Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 17 “Bất động sản, nhà xưởng, thiết bị”

• Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 31 “Tài sản vô hình”

Rõ ràng, việc ban hành một quy định, một chuẩn mực cho một ngành nghề làm cơ sở để hoạt động là việc không dễ dàng, đòi hỏi tính chuyên môn rất cao. Tuy nhiên, với việc ban hành từng lộ trình cụ thể phù hợp với năng lực của nước ta, đồng thời đã ban hành sơ bộ 5 Chuẩn mực kế toán công (đợt 1) thì đây cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận. Để các Chuẩn mực kế toán công này được ban hành hoàn chỉnh và đi sâu vào thực tiễn còn cần nhiều thời gian và công sức của các ban ngành cũng như kế toán viên, giảng viên, toàn thể những người hoạt động trong lĩnh vực kế toán nói chung, kế toán khu vực công nói riêng. Bên cạnh các công tác truyền thông, các công việc sau đó như đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ trong việc lập và trình bày Báo cáo tài chính khu vực công, cũng như các chủ thể sử dụng có thể đọc hiểu được thông tin trên Báo cáo tài chính khu vực công cũng vô cùng quan trọng.

Á Bình – Đại học Quốc tế Sài Gòn

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán