Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả

Đào tạo trực tuyến cho sinh viên

TS Cao Thị Cẩm Vân

TÓM TẮT

Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, học tập và giảng dạy trực tuyến được xem là giải pháp không thể thay thế nhằm đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội, đây cũng chính là xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục theo chương trình chuyển đổi số quốc gia. Mặc dù, hệ thống đào tạo trực tuyến được đánh giá là có nhiều ưu điểm so với phương pháp đào tạo truyền thống, tuy nhiên, gần đây hàng loạt những vấn đề bất cập phát sinh từ quá trình dạy và học trực tuyến đã cảnh báo về sự cần thiết phải nhìn nhận, đánh giá và điều chỉnh để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc đào tạo trực tuyến cho sinh viên.

1. GIỚI THIỆU

Giáo dục đào tạo là một trong nhiều lĩnh vực bị tác động mạnh và trực tiếp bởi đại dịch Covid – 19, khi người học không thể tham gia học trực tiếp thì việc sử dụng công nghệ để dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Đào tạo trực tuyến cũng chính là xu hướng tất yếu, khách quan của thời đại công nghệ số. Việc chuyển đổi từ phương pháp đào tạo truyền thống sang đào tạo trực tuyến có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin có thể xem là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục. Với sự phổ biến, sẵn có và không ngừng đổi mới của các công nghệ ứng dụng trong đào tạo trực tuyến, mức độ hiểu biết về công nghệ của người học được nâng lên, các nguồn tài nguyên học tập được chia sẻ giúp người học khả năng tư duy, tự khai phá kiến thức mới. Tuy nhiên, dạy và học trực tuyến cũng mang lại nhiều thách thức từ việc tương tác giữa người dạy và người học, phương pháp giảng dạy, khả năng sử dụng công nghệ, chất lượng đường truyền, sự nhận thức…. ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo. Chính vì thế, trong phạm vi bài viết này tác giả trao đổi và đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến.

2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.1 Khái niệm “Đào tạo trực tuyến”

- Theo Howlett và cộng sự (2009) dạy và học trực tuyến có thể được định nghĩa là việc sử dụng công nghệ và các phương tiện điện tử để cung cấp việc hỗ trợ và nâng cao trong học tập, giảng dạy và tương tác giữa thầy và trò.

- Van Raaij và Schepers (2008) cho rằng đào tạo trực tuyến là việc dạy và học được thực hiện qua web, internet. Người học có thể truy cập bằng các công cụ để tham gia khóa học như nhận thông tin, tài liệu học tập, các nguồn tài nguyên được chia sẻ, các ý kiến thảo luận.

- Theo nghiên cứu của Trịnh Văn Biều (2012), đào tạo trực tuyến là việc học tập và đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biêt là công nghệ thông tin.

Tóm lại, học tập trực tuyến có thể hiểu và việc học tập với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông, người dạy, người học có thể tương tác với nhau trên hệ thống mạng internet, thông tin về khóa học, tài liệu học tập và các nguồn tài nguyên được chia sẻ qua các công cụ điện tử.

2.2 Đo lường hiệu quả đào tạo trực tuyến:

Theo Juran và cộng sự (1998) đo lường chất lượng của dịch vụ được cung cấp là đo lường sự phù hợp với nhu cầu người sử dụng dịch vụ. Nguyễn Thị Hòa – Nguyễn Hoàng Sinh (2021) cho rằng chất lượng dịch vụ là những gì mà khách hàng cảm nhận từ quá trình cung cấp dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng. Giáo dục ngày nay được xem là một loại hình dịch vụ, hiệu quả đào tạo trực tuyến có thể hiểu chính là sự cảm nhận của người học trong quá trình được đào tạo. Sự hài lòng biểu hiện qua những phản hồi từ sinh viên về dịch vụ được cung cấp, tác động bởi điều kiện về công nghệ; internet ổn định; nội dung học tập phù hợp với học trực tuyến; phương pháp học hiệu quả; sự tương tác tốt giữa giảng viên và sinh viên và giữa các sinh viên với nhau.

Ngoài các phát hiện trên, nghiên cứu của Phạm Thị Oanh và cộng sự (2021), cho rằng hiệu quả đào tạo trực tuyến được đo lường qua: Mức độ tiếp thu của sinh viên như mức độ tham gia các hoạt động học tập trên lớp, hoàn thành các bài tập theo tiến độ, kết quả học tập và sự hài hòng của sinh viên về điều kiện học tập, phương pháp giảng dạy.

Tóm lại, đánh giá hiệu quả đào tạo trực tuyến có thể căn cứ vào sự cảm nhận và hài lòng của người học về dịch vụ đào tạo được cung cấp thể hiện qua: sự hài lòng về chất lượng công nghệ, đường truyền ổn định, nội dung phù hợp; phương pháp dạy và học hiệu quả thể hiện qua mức độ tương tác của giảng viên với sinh viên và giữa sinh viên với nhau, mức độ sinh viên tham gia vào các hoạt động học tập, kết quả học tập.

3. ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN

3.1. Một số ưu điểm của hệ thống đào tạo trực tuyến:

Phần lớn các nhà nghiên cứu trước đều đồng tình rằng học trực tuyến là phương thức học mang lại sự thuận tiện cho người học về thời gian và không gian. Sinh viên được cung cấp một quá trình học tập linh hoạt hơn khi học đồng thời nhiều môn học, thậm chí họ có thể sắp xếp thời gian cho việc làm thêm để kiếm thu nhập. Người học có thể học bất cứ lúc nào, ở đâu miễn là nơi đó có kết nối mạng và tận dụng được nguồn giảng viên chất lượng cao (Trịnh Văn Biều, 2010; Konrad và cộng sự, 2020; Nguyễn Trần Cẩm Linh và cộng sự, 2021).

Theo Trịnh Văn Biều (2010), phương pháp học trực tuyến người học có thể chủ động hơn trong việc định hướng và điều chỉnh tốc độ học phù hợp với năng lực học tập cá nhân và điều kiện thực tế để đảm bảo hoàn thành tiến độ đào tạo theo quy định. Một trong những điểm mạnh của hệ thống học tập trực tuyến được thừa nhận đó là sự giao tiếp tốt hơn và thường xuyên hơn giữa giảng viên với sinh viên và giữa sinh viên với nhau (Singh, 2001), bởi họ sẽ vượt qua nỗi lo sợ nếu học trên lớp do nhiều ánh mắt nhìn mình (Nguyễn Trần Cẩm Linh, và cộng sự, 2021) giao tiếp tốt cũng là một trong những kỹ năng cần thiết cho sinh viên khi ra trường. Hơn thế nữa, chính trong quá trình tương tác, người học sẽ thu được kiến thức phong phú, đa dạng bổ trợ cho môn học (Kasperowicz, 2011; Konrad và cộng sự, 2020). Học trực tuyến phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học hơn là phương pháp đào tạo truyền thống, bởi người học tự lập kế hoạch học tập và chuẩn bị nguồn tài liệu đáp ứng cho nội dung và các yêu cầu của khóa học. Tiếp theo đó, học tập trực tuyến giúp tiết kiệm nhiều chi phí phát sinh như: chi phí đầu tư cơ sở vật chất về phòng học, thiết bị giảng dạy, chi phí quản lý, chi phí đi lại, ăn ở của sinh viên. Các tài liệu học tập và bài làm được chuyển qua hệ thống mạng sẽ cắt giảm nhiều chi phí in ấn,… (Trịnh Văn Biều, 2010; Konrad và cộng sự, 2020; Nguyễn Trần Cẩm Linh và cộng sự, 2021).

Ngày nay, nhiều phần mềm, ứng dụng giảng dạy ra đời hỗ trợ việc đào tạo trực tuyến, chẳng hạn các bài giảng Scom được giảng viên soạn và ghi âm qua phần mềm Spring, người học có thể mở nhiều lần để nghe lại bài giảng. Bên cạnh đó, ngay trong quá trình dạy, việc ghi âm tiết giảng qua Zoom, google meet,..sẽ giúp sinh viên có thể nghe lại bất cứ lúc nào và bao nhiêu lần cho đến khi hiểu bài. Bài giảng này cũng sẽ giúp giảng viên nghe để rút kinh nghiệm về buổi giảng (Nguyễn Trần Cẩm Linh và cộng sự, 2021). Mặt khác, khi các cơ sở giáo dục đào tạo nhúng E-learning vào chương trình giảng dạy, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẽ được chú trọng đầu tư, đây là điều kiện cần thiết để phát triển chương trình đào tạo (Konrad và cộng sự, 2020).

3.2. Một số hạn chế của hệ thống đào tạo trực tuyến:

Hạn chế trước hết có thể nói đó là yếu tố về công nghệ thông tin, cụ thể do hệ thống quá tải, sự cố trong cài đặt do sự không tương thích giữa máy tính, điện thoại với các ứng dụng học trực tuyến. Trong trường hợp sinh viên ở tỉnh, hay các vùng xa đường truyển không ổn định, có nhiều sinh viên dở khóc dở cười khi bị thoát ra trong lúc giảng viên điểm danh, làm bài kiểm tra, sự cố còn có thể xảy ra khi sinh viên không lưu thông tin tài khoản cá nhân đã được cấp, đôi khi phải mất thời gian để tìm thông tin hoặc cấp lại tài khoản mới. Mặc dù môi trường học tập trực tuyến có thể tạo cho sinh viên tâm thế thoải mái hơn khi học tập trên lớp, tuy nhiên chính tâm thế thoải mái làm cho sinh viên mất tập trung, bị tác động bởi môi trường xung quanh, làm việc riêng, chơi game, xem phim, ngủ gục, chát zalo, lướt face book, ăn uống trong lúc học,..giảng viên không kiểm soát được (Nguyễn Trần Cẩm Linh và cộng sự, 2021; Nguyễn Thị Bích Trâm, 2021), nhiều sinh viên thiếu chủ động học tập trong khi đặc điểm đào tạo trực tuyến người học phải có tính độc lập và tự giác cao (Ngô Thị lan Anh – Hoàng Minh Đức, 2020).

Một hạn chế không kém phần quan trọng đó là môi trường dạy trực tuyến sẽ khó khăn để giảng viên ứng dụng các phương pháp giảng tích cực tạo nên sự lôi cuốn cho sinh viên như phương pháp làm việc nhóm, bởi vì việc đào tạo theo học chế tín chỉ hầu hết sinh viên không quen biết nhau, chưa kể việc phản biện giữa các nhóm cũng khó thực hiện. Theo Davies & Graff (2005) sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên là yếu tố quan trọng khi thiết kế lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, để thực hiện sự tương tác hai chiều là một điều khó khăn, ngay cả đặt câu hỏi cho giáo viên cũng bị hạn chế bởi Thầy / Cô đang dạy không chú ý tới khung chát của sinh viên.

Hạn chế của đào tạo trực tuyến cũng tập trung vào việc thiết kế các hoạt động giảng dạy, mặc dù một số giảng viên có kiến thức tuyệt vời về các môn học nhưng lại thiếu các kỹ năng giảng dạy trực tuyến, các bài giảng được thiết kế không sinh động, nhiều lý thuyết, chúng ta có thể tưởng tượng người học sẽ chán như thế nào nếu nhìn vào PowerPoint toàn là chữ, kèm theo một giọng truyền đạt của giảng viên đểu đều. Bên cạnh đó, một số giảng viên sao chép tài liệu của người khác nên e ngại cung cấp bài giảng (Ngô Thị lan Anh – Hoàng Minh Đức, 2020).

McCabe (2017) lập luận rằng dạy và học trực tuyến thích hợp trong khoa học xã hội và nhân văn, hơn là trong các môn học thực hành, bởi các môn học lý thuyết cần thiết và dễ dàng điều chỉnh phù hợp với mô hình trực tuyến, trong khi các môn thực hành thuộc về kỹ năng nếu thiếu sự kết nối tới thiết bị khó thực hiện hơn.

Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến sức khỏe cũng là vấn đề đáng quan ngại khi tham gia dạy và học trực tuyến, theo đó, ảnh hưởng đáng kể đến mắt như khô mắt, cận thị, tăng độ mắt… (Nguyễn Trần Cẩm Linh và cộng sự, 2021).

4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN

Giải pháp về công nghệ: Các lỗi thường phát sinh trong dạy và học trực tuyến đó là sự không tương thích giữa các phần mềm ứng dụng và hệ thống LMS của trường, kế đến là các sự cố trong cài đặt giữa máy tính, điện thoại với các ứng dụng học trực tuyến. Để giảng viên hiểu và sử dụng hiệu quả, khi triển khai hệ thống cần có sự hướng dẫn chung từ bộ phận quản trị hệ thống. Chẳng hạn, hướng dẫn cho giảng viên cách đưa bài giảng và các nguồn tài nguyên vào hệ thống, lưu trữ tài liệu, nhận kết quả kiểm tra của sinh viên, thảo luận với sinh viên, nhận phản hồi đánh giá để cải tiến phương pháp giảng dạy,…. Bên cạnh đó, giảng viên cần có khả năng sử dụng phối hợp các phần mềm Zoom, LMS, Class room và các Group của mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy (Oanh và các cộng sự, 2021). Hiểu biết về hệ thống, giảng viên có thể đảm nhận thêm vai trò là người quản lý và hỗ trợ nhiều hơn cho quá trình học tập, từ đó cảm nhận về tính dễ sử dụng của công nghệ thông tin. Chất lượng của Internet cũng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến quá trình dạy và học, vì thế nhà trường cần thường xuyên nâng cấp đường truyền phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và học tập hiệu quả.

Nâng cao nhận thức về đào tạo trực tuyến và kiến thức về công nghệ thông tin cho giảng viên: Một số giảng viên chưa bao giờ tham gia giảng dạy trực tuyến thường cho rằng việc dạy và phát triển mô hình này khó khăn, phức tạp hơn dạy trực tiếp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhận định này nhưng trước hết là do giảng viên thiếu kinh nghiệm trong sử dụng công nghệ thông tin và quen với phương pháp giảng truyền thống, ngại đổi mới. Phương pháp giảng dạy trực tuyến cũng đòi hỏi giảng viên có những cân nhắc về mặt tâm lý, chẳng hạn, có những trường hợp đường truyền kém, sinh viên không biết giảng viên gọi tên, nhưng cũng có thể sinh viên thiếu ý thức tự giác trong học tập, gây khó chịu, ức chế tâm lý cho giảng viên. Do đó, việc nhận thức những giá trị gia tăng của đào tạo trực tuyến sẽ là lý do để giảng viên chấp nhận hình thức đào tạo này, cố gắng phát triển kỹ năng và có tiềm tin vào chất lượng đào tạo (Konrad và cộng sự, 2020). Một khi hiểu và làm chủ được các ứng dụng giảng dạy, giảng viên biết được những vấn đề bất cập có thể xảy ra ảnh hưởng đến việc giảng dạy, sẽ dễ đồng cảm với sinh viên, việc quản lý lớp học tốt hơn.

Thiết kế nội dung bài giảng phù hợp cho giảng dạy trực tuyến: Với cùng nội dung và cùng một lượng kiến thức nhưng khi thiết kế bài giảng cho hai phương pháp giảng dạy truyền thống và giảng dạy trực tuyến sẽ khác nhau. Cụ thể, trường hợp giảng dạy trực tiếp các slide bài giảng có thể trình bày rút gọn, giảng viên sẽ triển khai nội dung tại lớp bằng phương pháp trực quan sinh viên tiếp nhận kiến thức dễ dàng. Tuy nhiên, trong giảng dạy trực tuyến, các slide bài giảng thiết kế phải sinh động giảng viên có thể lồng ghép các video, các tình huống được dựng trước, theo sơ đồ tư duy một cách logic từng lớp kiến thức người học sẽ lôi cuốn vào và rút kết được kiến thức chung mà không bị nhàm chán.

Ứng dụng phương pháp giảng dạy phù hợp: Một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo trực tuyến đó là cách thức truyền tải nội dung khóa học. Có thể thấy rằng, môi trường học trực tuyến sẽ khó khăn để áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, cụ thể người học không “face to face” vì thế sẽ khó dự đoán được những suy nghĩ của đối phương để phản biện nội dung trình bày. Các nhóm học tập khi cần trao đổi phải sử dụng các thiết bị khác như chát zalo, điện thoại, điều này sẽ mất thời gian để đi đến quyết định chung của nhóm. Một số phương pháp giảng dạy không thể áp dụng trong đào tạo trực tuyến như: đóng vai, làm việc nhóm, phương pháp khăn trải bàn.…Do đó, giảng viên phải chọn lọc những phương pháp thích hợp, chẳng hạn phương pháp tia chớp, theo đó, nhiều thành viên được gọi tên sẽ trình bày nhanh ý kiến của mình, sau đó giảng viên điều hành cuộc thảo luận để rút lại kiến thức. Một phương pháp có thể áp dụng trong giảng dạy trực tuyến đó là kỹ thuật Kipling (5W1H) lý do là dễ áp dụng cho cá nhân được sử dụng trong các trường hợp cần phát triển thêm ý tưởng mới, xem xét nhiều khía cạnh của vấn đề, chọn lựa ý tưởng để phát triển, theo đó, các câu hỏi đã được giảng viên chuẩn bị trước một cách logic bao gồm: Ai, Cái gì, Ở đâu, Khi nào, Thế nào, Tại sao. Phương pháp dự án cũng được đánh giá là áp dụng hiệu quả trong giảng dạy trực tuyến, thông qua các bài làm dự án, giảng viên sẽ “show” kết quả theo từng nhóm, tất cả thành viên của lớp sẽ rút kết được kinh nghiệm và kiến thức…

Tăng cường sự tương tác trong qua trình dạy và học trực tuyến: Một số sinh viên trình bày cảm nhận về học trực tuyến cho rằng, học trực tuyến khó hiểu hơn học trực tiếp, giảng viên chỉ dùng giọng nói đều đều gây chán, buồn tẻ hoặc một số Thầy / Cô thường xuyên gọi một số bạn trả lời câu hỏi, nhiều bạn bị “lãng quên” nên nghĩ mình có hay không cũng không sao. Có nhiều đề xuất liên quan đến việc tăng cường sự tương tác trong lớp học online, chẳng hạn, giao dự án cho mỗi nhóm các nhóm trình bày tiến độ thực hiện dự án, thảo luận chủ đề theo tuần có sự phản biện ý kiến. Tâm lý sinh viên khi được gọi tên thì sợ nhưng lại thích thể hiện bản thân, chính vì thế giảng viên không nên tập trung vào số nhỏ sinh viên thường phát biểu, mà mở rộng thêm cho nhiều thành viên khác trong lớp. Giảng viên với vai trò là người hướng dẫn cho sinh viên nên việc gợi mở cho sinh viên khai phá kiến thức mới là cần thiết, song mỗi lời khen, lời động viên của giảng viên sẽ tiếp thêm động lực cho sinh viên.

Thực hiện tốt công tác quản lý thi cử, tổng hợp và phản hồi đánh giá của sinh viên về trường, giảng viên: Để công tác quản lý thi cử trực tuyến hiệu quả, về phía các trường nên có quy định cụ thể theo các hình thức thi trắc nghiệm, thi tự luận, vấn đáp và hướng dẫn cho sinh viên các thao tác đăng nhập hệ thống để nhận bài, nộp bài, quy định mở camera trong quá trình làm bài,…Bộ phận quản lý hệ thống sẵn sàng hỗ trợ khi sinh viên gặp sự cố trong quá trình thi như mạng không ổn định, lỗi hệ thống,...Ngoài ra, sử dụng các ứng dụng trong quá trình làm bài chắc chắc không tránh khỏi những sự cố khách quan như cúp điện, mất kết nối,...Do đó, nhà trường cần có những quy định hỗ trợ cụ thể tạo cho sinh viên tâm thế ổn định, an tâm, các quy định cũng cần chế tài cụ thể trong trường hợp gian lận bị phát hiện tránh tình trạng sinh viên khiếu nại, kiện tụng.

Cần nâng cao ý thức của sinh viên khi tham gia khảo sát góp ý về trường (cơ sở vật chất, thái độ phục vụ,..) hoặc về giảng viên. Để kết quả đạt được đáp ứng yêu cầu, nghĩa là các ý kiến phản ánh trung thực nhằm giúp nhà trường cải tiến phương pháp quản lý, hoặc các góp ý cho giảng viên về phương pháp giảng dạy,.. các cố vân học tập cần giáo dục cho sinh viên ý thức và tinh thần trách nhiệm khi đưa ra các ý kiến đóng góp, trong thực tế nhiều trường xảy ra tình trạng sinh viên thiếu nghiêm túc trong sinh hoạt bị nhắc nhở hoặc không hoàn thành tiến độ bài làm do nhóm hoặc giảng viên giao nên cố tình đánh giá sai lệch, thậm chí có nơi sinh viên còn comment nhiều phát ngôn vô ý thức.

Nâng cao nhận thức cho sinh viên: Với vai trò cố vấn học tập, Thầy / Cô giúp cho sinh viên nhận thức những ưu điểm của phương pháp học trực tuyến và đặc điểm quan trọng của phương pháp học trực tuyến là sự nỗ lực của cá nhân trong việc đề ra kế hoạch học tập để theo kịp tiến độ quy định của nhà trường, sinh viên cũng cần lựa chọn phương pháp học thích hợp để đạt được kết quả cao..

5. KẾT LUẬN

Đào tạo trực tuyến được đánh giá là phương pháp giảng dạy hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, song đây cũng là xu hướng trong tương lai từ việc ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, đây là phương pháp khá mới mẻ đối với nhiều giảng viên và cả sinh viên, vì thế tác giả hy vọng rằng các đóng góp sẽ hỗ trợ cho giảng viên và sinh viên để tham khảo và lựa chọn thích hợp đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến.

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán