Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Ngành kiểm toán

1. Kiểm toán là gì?

Kiểm toán là một hoạt động kiểm tra đặc biệt nhằm xác minh tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo tài chính của các tổ chức, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm việc tuân thủ các chuẩn mực và các quy định hiện hành.

Đối tượng của kiểm toán trước hết là các tài liệu kế toán. Nhưng công việc xác minh tính trung thực, đúng đắn của các báo cáo tài chính là đến hướng tới tất cả các đơn vị, cá nhân quan tâm đến tình hình tài chính của một công ty, tổ chức nào đó.

Kiểm toán dùng các phương pháp đối chiếu, logic, diễn giải thông tin, điều tra, quan sát, kiểm kê, thử nghiệm để xác minh tính trung thực của tài liệu và tính pháp lý của các báo cáo tài chính của một công ty, tổ chức nào đó.

2. Tầm quan trọng của kiểm toán viên

Nghề kiểm toán phát sinh do nhu cầu cần thiết về minh bạch thông tin, khi chủ sở hữu doanh nghiệp (các nhà đầu tư, cổ đông) không phải là Người điều hành doanh nghiệp (CEO, Giám đốc, Kế toán trưởng), khi KPI và lương, thưởng của Người điều hành phụ thuộc số liệu báo cáo tài chính, những số liệu từ bộ phận kế toán. Do đó, sẽ dẫn đến rủi ro về xung đột lợi ích (conflict of interest) khi Ban Giám đốc chỉ quan tâm đến những số liệu trong ngắn hạn còn Chủ sở hữu lại mong muốn doanh nghiệp hoạt động lâu dài, có lợi nhuận trong dài hạn. Ngoài ra, chủ sở hữu có thể không chuyên sâu về các Thông tư, Nghị định, Luật hiện hành đang chi phối việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Do đó, nhu cầu về một bên có chuyên môn, độc lập về lợi ích để đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính là cần thiết.

Để có thể đưa ra được ý kiến, công ty kiểm toán cần phải thực hiện rất nhiều thủ tục. Đầu tiên quan trọng nhất là thủ tục xem xét chấp nhận khách hàng, vì không phải khách hàng nào cũng được. Công ty kiểm toán cần đảm bảo kiểm toán viên không được có lợi ích và chứng minh tính độc lập giữa mình và công ty được kiểm toán. Do đó, công ty kiểm toán cũng khá kén trong việc chọn lọc khách hàng.

Ngoài kiểm toán và cho ý kiến trên báo cáo tài chính, việc một bên độc lập có chuyên môn đưa ra ý kiến về các đối tượng khác cũng rất quan trọng, như kiểm toán và đưa ra ý kiến về hệ thống kiểm soát nội bộ, về quy trình, hay về một khoản mục, đối tượng nào đó cần được minh bạch.

3. Kiểm toán làm việc ở đâu?

Kiểm toán viên làm việc ở các công ty, tổ chức, văn phòng kiểm toán... Rộng hơn, bất kì một doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nào cần kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính của đơn vị mình đều tạo ra việc làm cho kiểm toán viên.

Nhìn chung, bạn có thể làm việc ở:

- Bộ phận kiểm toán nội bộ của một công ty nào đó (Internal Auditing Department);

- Các công ty dịch vụ, tư vấn kiểm toán (Consultancy, Auditing);

- Hoặc trong các cơ quan kiểm toán nhà nước (Goverment Auditing).

Hiện nay có 4 công ty Kiểm toán lớn nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam, cơ hội việc làm và thăng tiến rất cao đó là: KPMG, PwC, Deloitte, EY.

Ngoài ra, các bạn có thể có cơ hội được làm việc tại các công ty kiểm toán khác như: AASC, AISC, A&C, UHY ACA, BDO, Mazars, RSM, …

4. Tại sao nên chọn ngành kiểm toán?

- Nhu cầu thị trường lớn: với sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều, kế toán - kiểm toán là một trong những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong những năm gần đây.

- Công việc thú vị, đầy thử thách: công việc của bạn là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính mà kế toán lập ra có trung thực, hợp lý hay không dựa theo các thủ tục kiểm toán. Ngoài ra, thông qua các thủ tục này, các bạn có thể phát hiện các sai sót và gian lận trong hoạt động tài chính, kế toán. Nếu bạn thích thử thách và khám phá, bạn luôn có cơ hội để khẳng định mình. Nghề kiểm toán đòi hỏi bạn phải tiếp xúc nhiều đơn vị kiểm toán với các tình huống khác nhau và lúc nào bạn cũng phải vận dụng hết năng lực, óc phân tích và tư duy sáng tạo của mình.

- Cơ hội du lịch: bạn có thể đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và có thể biết được rất nhiều thông tin thú vị về các công ty, và tất nhiên, bạn phải giữ kín những bí mật đó. Ngoài ra, vì kiểm toán là ngôn ngữ chung, bạn còn có thể sang các nước khác làm việc nếu bạn làm trong ngành này, đơn cử như Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Myanmar, hoặc có thể là Úc hoặc Canada, …

- Thời gian làm việc linh hoạt: và tùy theo sự sắp xếp của các cuộc kiểm toán tại các công ty khác nhau.

- Môi trường trẻ trung năng động, có cơ hội học hỏi trải nghiệm.

- Thu nhập cao: cho 1 kiểm toán viên từ 3 năm kinh nghiệm trở lên khá cao nếu bạn thật sự có năng lực và đam mê, nhưng bù lại công việc cũng khá áp lực.

- Công việc có tính chất mùa vụ: kiểm toán viên không phải lúc nào cũng bận quanh năm, bạn luôn có thể có thời gian nghỉ phép liền 1 đến 2 tuần cho cá nhân mà không sợ ảnh hưởng đến công việc.

- Có các sự hỗ trợ nghề nghiệp: hiện nay có nhiều bằng cấp Quốc tế về Kế toán – Kiểm toán học tại Việt Nam được các nhà tuyển dụng đánh giá cao như ACCA (Anh quốc), CPA Australia (Úc) có thể bổ sung vào CV trên con đường thăng tiến của bạn.

5. Để đạt được đỉnh cao trong nghề bạn cần gì?

Nghề kiểm toán cũng như kế toán nếu các bạn làm đủ thâm niên kinh nghiệm, có thể sẽ được bổ nhiệm các vị trí quan trọng như Chủ nhiệm Kiểm toán (Audit Manager), Giám đốc Kiểm toán (Director) hay cao hơn nữa là Phó Tổng Giám đốc Kiểm toán (Audit Partner). Ngoài ra, nếu không làm trong ngành, các bạn có thể qua các vị trí ở các công ty khác như Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính, Giám đốc điều hành, Trưởng Ban kiểm soát, Phân tích đầu tư, Quản lý Quỹ tại các Quỹ đầu tư, ….

Ngoài thâm niên kinh nghiệm làm việc, các kiểm toán viên cần phải không ngừng học hỏi, trao dồi kỹ năng, kiến thức về quản trị, tài chính. Các bạn có thể lựa chọn các bằng cấp sau đại học và trở thành Hội viên của các Hiệp hội nghề nghiệp như Hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), Hội viên CPA Australia, Hội viên Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hội viên Hội Kế toán trưởng, …

6. Thăng tiến trong ngánh của kiểm toán viên

Kiểm toán viên thường là sự lựa chọn đầu tiên trong nấc thang nghê nghiệp của các chuyên gia trong ngành Tài chính. Ngay cả Shark Louis Nguyễn, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tồng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn (SAM) cũng từng là kiểm toán viên tại KPMG. Ngoài ra, chúng ta có thể biết những vị lãnh đạo khác cũng từng làm kiểm toán nếu tìm hiểu thông tin của họ trên mạng.

Vì vậy chúng ta cần hiểu rõ cuộc sống và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp của một kiểm toán viên như thế nào để đánh giá sự phù hợp của mỗi người.

Các vị trí trong công ty kiểm toán:

1. Thực tập sinh kiểm toán: các bạn sẽ có lương và sẽ phụ các anh chị kiểm toán viên trong một vài thủ tục như chứng kiến kiểm kê, các công việc văn phòng, hoặc thậm chí phụ trách một vài phần hành kiểm toán.

2. Trợ lý kiểm toán: các bạn sẽ làm việc dưới sự hướng dẫn của Trưởng nhóm Kiểm toán để thực hiện thủ tục kiểm toán.

3. Trưởng nhóm kiểm toán: các bạn sẽ lãnh đạo một nhóm kiểm toán, và chịu trách nhiệm ở cấp độ thực thi cuộc kiểm toán.

4. Chủ nhiệm kiểm toán: các bạn sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong công việc rà soát công tác kiểm toán mà trưởng nhóm thực hiện, tổ chức họp với khách hàng và Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc và thông qua, phê duyệt báo cáo kiểm toán cùng với Giám đốc/Tổng Giám đốc.

5. Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc kiểm toán: các bạn lên được vị trí này phải có ít nhất từ 9 năm kinh nghiệm trở lên tùy công ty. Lúc này bạn sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng của cuộc kiểm toán.

7. Những môn học của ngành kiểm toán:

Khá giống với ngành Kế toán, nhưng Kiểm toán cũng có một số môn chuyên ngành để có thể giúp học viên vận dụng tốt cho nghề nghiệp sau này: Kiểm toán căn bản, Kiểm soát nội bộ, Kiểm toán Báo cáo tài chính.

TẠI SAO CHỌN HỌC KẾ TOÁN – KIỂM TOÁN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ SÀI GÒN (SIU)

Ngày nay, thế hệ GenZ đang và sẽ là những thế hệ tiếp theo đóng góp vào sự phát triển trong lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán. Với tư duy sáng tạo, tiếp cận với thông tin, công nghệ từ rất sớm, GenZ đang có nhiều cơ hội hơn trong việc áp dụng những phương thức làm việc tiên tiến trên thế giới trong ngành Kế toán – Kiểm toán vào môi trường làm việc tại Việt Nam thông qua sự tìm tòi, học hỏi, tham gia các Hiệp hội nghề nghiệp Kế toán – Kiểm toán Quốc tế như ACCA, CPA Australia.

Tại trường đại học Quốc tế Sài Gòn (The Saigon International University - SIU) với môi trường giáo dục theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ (SIU đạt kiểm định chất lượng Học Kỳ IACBE ngành quản trị kinh doanh năm 2020) phù hợp GenZ có cơ hội lựa chọn học tập trực tuyến phù hợp với tình hình dịch mà không bị gián đoạn. Tại SIU, nhà trường đầu tư công nghệ để phát triển các mô hình đào tạo mới phù hợp các bạn trẻ GenZ tiếp cận nền tảng tiếng Anh tốt và học theo các chương trình chuẩn quốc tế chính là cơ hội để thế hệ Z thực sự trở thành công dân toàn cầu.

Ngoài ra, tại SIU, các bạn còn cơ cơ hội tiếp xúc với những ứng dụng, công nghệ, hay ngôn ngữ đang được áp dụng trong ngành Kế toán – Kiểm toán hiện nay như phần mềm ERP, hệ thống SAP, các nguôn ngữ lập trình SQL, ứng dụng Power BI, ngôn ngữ lập trình Python,… ứng dụng trong phân tích Big Data phục vụ phân tích dữ liệu kế toán hay báo cáo tài chính được các giảng viên chia sẻ.

SIU xây dựng môi trường học tập, cung cấp một hệ sinh thái để sinh viên tương tác, kết nối giữa học sinh, giảng viên và các đối tác bên ngoài như doanh nghiệp, nghiên cứu, chuyên gia ngành để sinh viên được giải đáp thắc mắc kịp thời về chuyên môn hay định hướng nghề nghiệp.

Sinh viên sẽ không chỉ học với sinh viên trong trường mà còn mở rộng ra sinh viên từ cộng đồng đối tác trong nước và quốc tế qua hình thức trao đổi, online. Dịch vụ trong trường chuyển thành một “dịch vụ đào tạo” với sinh viên là trung tâm. Ngoài ra sinh viên sẽ cần có nhiều “người thầy” (mentor) từ các chuyên gia ngành trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán tại các công ty Big4, các công ty kế toán, kiểm toán hay các Tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Các bạn có thể học tại doanh nghiệp, học từ những người có ảnh hưởng, học từ những người có kinh nghiệm và kỹ năng sống.

SIU chú trọng phát triển kĩ năng mềm hiệu quả cho sinh viên thông qua các chương trình, hoạt động ngoại khóa, tham quan, kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp lớn hoặc tập đoàn ngay trong chương trình học từ năm 1 cho đến học phần khoá luận tốt nghiệp của sinh viên tại SIU, có thể tham quan tại các văn phòng làm việc của các Tập đoàn lớn, đa quốc gia, tham quan văn phòng của các công ty kiểm toán như EY, Deloitte, PwC, KPMG. Các bạn cũng có thể được tham gia các chương trình chuẩn bị tuyển dụng, ở đó, nhà Trường sẽ mời các chuyên gia hướng dẫn các bạn trong việc viết và trình bày CV, các buổi sửa CV, phỏng vấn thử, hay các Hội thảo nghề nghiệp, ngày hội tuyển dụng cho sinh viên.


SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán