Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Rào cản cho việc áp dụng ifrs tại việt nam & các đề xuất

Cẩm Vân SIU (6/2021)

Bộ Tài chính ban hành “Đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam” theo Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/03/2020 với lộ trình thực hiện trải qua 3 giai đoạn bao gồm giai đoạn 1: chuẩn bị (2020 – 2021), giai đoạn 2: tự nguyện (2022 – 2025), giai đoạn 3: bắt buộc (2025 trở đi). IFRS là các Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế do Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) ban hành nhằm đảm bảo cho Báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp (DN) được minh bạch, nhất quán và có thể so sánh được trên toàn cầu. Áp dụng IFRS, các DN sẽ có thể được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế như tiếp cận nguồn vốn quốc tế, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững. Theo nhận định chung của nhiều chuyên gia, việc áp dụng IFRS không hoàn toàn dễ dàng đối với các DN Việt Nam bởi hàng loạt những rào cản nhất định từ thực trạng nền kinh tế, trình độ, nhận thức của nguồn nhân lực, đặc điểm DN,....Do đó, để thực hiện đúng lộ trình của Bộ Tài Chính đề ra, Việt Nam phải nỗ lực tháo gỡ những rào cản và có những biện pháp thiết thực trong tiến trình thực hiện.

Tính cấp thiết của việc áp dụng IFRS tại Việt Nam

IFRS ra đời với mục tiêu tạo nên ngôn ngữ chung cho việc lập và trình bày các báo cáo tài chính, nâng cao tính khách quan, tính có thể so sánh được của thông tin tài chính trên toàn cầu. Trong khi đó, nhận định về kế toán Việt Nam TS Trịnh Đức Vinh (phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài Chính) cho rằng mặc dù Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đã có những đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển và hoàn thiện hệ thống kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, VAS ngày càng bộc lộ những hạn chế nhất định như lạc hậu, lỗi thời gây nhiều bất cập cho các DN. Cụ thể, VAS hướng đến ghi nhận tài sản và nợ phải trả theo giá gốc trong khi nền kinh tế thị trường luôn có sự biến động, thông tin trên Báo cáo tài chính không còn mang tính hữu ích do tính trung thực và hợp lý bị suy giảm, dẫn đến hàng loạt rủi ro mà đơn vị sử dụng thông tin có thể gặp phải, chưa có yêu cầu về thuyết minh Báo cáo tài chính làm giảm khả năng so sánh thông tin và tính minh bạch từng khoản mục,….

IFRS được nhận định là có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam (DN VN) trong thời đại hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Cũng theo TS Trịnh Đức Vinh, IFRS tạo điều kiện và cho các DNVN Việt Nam đủ điều kiện niêm yết trên thị trường quốc tế hoặc nhận được các khoản vay ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế như WB, IMF, ADB .. giúp các doanh nghiệp FDI tiết kiệm chi phí phí sử dụng vốn, chi phí chuyển đổi BCTC đối với các công ty mẹ ở nước ngoài khi thực hiện hợp nhất BCTC.

Nếu như VAS dựa trên phương pháp giá gốc thì IFRS được yêu cầu xác định giá trị tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý, giúp DN đánh giá và cung cấp thông tin tài chính tin cậy tại thời điểm báo cáo tài chính làm căn cứ để nhà quản trị thực hiện công tác quản trị, điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn.

Rào cản nào cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam?

- Nhận thức của nhà quản trị trong vận dụng IFRS:

Theo KPMG (Klynveld Peat Marwick Marwick Goerdeler) – một trong những tổ chức kế toán của Big Four, một số khảo sát về việc chuyển đổi IFRS tại một số quốc gia bị thất bại hoặc gặp không ít khó khăn xuất phát từ nhận thức của nhà quản trị doanh nghiệp. Theo đó, các nhà quản trị cho rằng việc chuyển đổi này chỉ là chuyển đổi chính sách kế toán, thuộc về trách nhiệm của bộ phận kế toán. Trong khi đó, để đảm bảo yêu cầu thông tin theo IFRS, DN cần tổ chức bộ máy kế toán sao cho có sự kết nối chặt chẽ giữa với bộ phận kinh doanh, bộ phận bán hàng và bộ phận tài chính phù hợp với mô hình kinh doanh của đơn vị mình, xây dựng quy chế hoạt động phối hợp giữa các bộ phận nhằm đảm bảo kiểm tra, soát xét được hoạt động của DN. Mặt khác, những khác biệt giữa IFRS và VAS đòi hỏi DN phải rà soát sửa đổi sao cho phù hợp với yêu cầu hạch toán theo IFRS. IFRS bao gồm các mô hình tính toán phức tạp, các xét đoán mang tính chủ quan, phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá của nhà quản lý, các nhà quản lý phải có trình độ hiểu biết nhất định để đọc hiểu các thông tin được cung cấp theo IFRS nhằm đề ra các quyết định kinh tế trong quá trình điều hành tổ chức. Do đó, vai trò của nhà quản trị được đánh giá là khá quan trọng để kết nối, thiết lập hệ thống thông tin làm cơ sở cho việc quản trị DN, kiểm tra đánh giá và là cơ sở giải trình với các cơ quan quản lý trong thiết lập và trình bày BCTC .

Theo Ông Đỗ Hồng Dương - Giám đốc Dịch vụ kiểm toán và đảm bảo của Deloitte Việt Nam, thách thức lớn khi áp dụng IFRS đối với các nhà điều hành đó là IFRS đòi hỏi sự linh hoạt theo hướng chủ quan, trong khi kế toán Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa khuôn mẫu, nguyên tắc, điều này tạo nên rào cản nhất định trong quá trình thực hiện. Tiếp theo đó, áp dụng IFRS thông tin tài chính của DN sẽ được trình bày sát thực và thận trọng hơn dựa trên vận dụng giá trị hợp lý, điều này có thể làm cho BCTC của DN không khả quan như hiện nay, đặc biệt là các DN Nhà nước vì thế các DN này sẽ trì hoãn, không sẵn lòng để áp dụng IFRS.

- Nhận thức vai trò kế toán trong bối cảnh áp dụng IFRS:

Ngày nay, cần thay đổi tư duy trong hoạt động nghề nghiệp của kế toán. Kế toán không đơn thuần là ghi chép sổ sách, tính toán chi phí, giá thành, lợi nhuận… hay đến cuối năm thực hiện quyết toán năm, lập báo cáo tài chính theo quy định mà thực hiện nhiệm vụ với vai trò phân tích dữ liệu như sử dụng mô hình dự đoán từ các nguồn dữ liệu khác nhau để khai thác nguồn lực và dự báo nhằm cải thiện kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro. Vì thế, kế toán phải có trình độ chuyên môn cao, nắm bắt được các xu thế, hình dung được các quy trình kế toán mới trong quá trình làm việc, biết lựa chọn các nguyên tắc kế toán phù hợp để phản ánh các giao dịch kinh tế phát sinh dựa trên tình huống thực tế tại đơn vị. Từ đó, kế toán có thể kiểm tra thông tin, truy xuất dữ liệu, tổng hợp và phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin và tham mưu cho nhà quản trị. Do đó, để áp dụng IFRS kế toán cần phải có kiến thức về tài chính, kỹ năng tổng hợp, phân tích dự báo cho tương lai như biết cách xác định giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, ước lượng những tổn thất,… đây là một thách thức đáng kế đối với nguồn nhân lực kế toán bởi hầu hết kế toán đã quen với hạch toán, ghi nhận theo khuôn mẫu, nguyên tắc cứng nhắc.

- Hạn chế về khả năng tiếp cận IFRS:

Hiện nay, ngoại trừ kế toán tại một số doanh nghiệp đã và đang tự nguyện áp dụng IFRS, đa số kế toán viên tại các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa được đào tạo IFRS, trong khi IFRS được biết là chứa đựng nhiều nội dung mới, khá phức tạp điều này dẫn đến tâm lý ngại đổi mới đối với kế toán. Cho đến nay, IFRS chưa được đưa vào chương trình đào tạo kế toán tại các Trường Đại học thậm chí nhiều giảng viên chưa tiếp cận hết kiến thức của IFRS, trước mắt việc đào tạo trong giai đoạn hiện nay do các tổ chức nghề nghiệp như ACCA, ICAEW… đảm nhận.

Một thách thức nữa đặt ra đối với nguồn nhân lực đó là thông tin kế toán được thu thập từ các bộ phận liên quan như bộ phận tài chính, bộ phận bán hàng,… vì thế doanh nghiệp phải có kế hoạch trang bị kiến thức cũng như hiểu biết về IFRS cho các bộ phận liên quan để phối hợp thực hiện.

- Chi phí phát sinh cho việc chuyển đổi sang IFRS:

Chi phí phát sinh cho việc chuyển đổi sang IFRS được dự đoán là khá lớn, trước hết là cần thiết lập một hệ thống thông tin đủ mạnh để đảm bảo quản trị hiệu quả nội bộ, đảm bảo sự kết nối tốt thông tin giữa các bộ phận chức năng, các công ty trong hệ thống công ty Mẹ con hoặc công ty trực thuộc. Bên cạnh chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin, chi phí đào tạo nguồn nhân lực cũng là một khoản chi phí đáng kể bởi vai trò của mỗi thành viên trong từng bộ phận công ty, đặc biệt là các nhà quản trị đều có tính chất quyết định cho việc áp dụng thành công IFRS. Đồng thời, việc ghi nhận các giao dịch kinh tế theo IFRS theo hướng coi trọng bản chất và cách thức vận hành, vì thế, kế toán phải được trang bị kiến thức về kinh doanh, tài chính, để vận dụng vào từng tình huống cụ thể, do vậy, áp dụng IFRS thành công phụ thuộc nhiều vào việc chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực.

- Việt Nam thiếu thị trường để xác định giá trị tài sản:

Để đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý nhất thiết phải có thị trường thích hợp, tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn chưa có đủ thị trường để xác định giá trị tài sản, hơn nữa cơ sở để đánh giá cũng như các quy định pháp lý hiện nay vẫn chưa đầy đủ. Song song đó, quy mô DN Việt Nam còn nhỏ nên thị trường trái phiếu chuyển đổi chưa phát triển, dẫn đến công cụ vốn và công cụ nợ nếu muốn tính theo chuẩn mực quốc tế còn gặp khó khăn, do chưa có đầy đủ các thị trường để có thể đo lường và xác định giá trị.

Các đề xuất cho việc áp dụng IFRS:

- Nâng cao nhận thức, vai trò của nhà quản trị trong chuyển đổi áp dụng IFRS:

Nhà quản trị cần nhận thức vai trò của lãnh đạo DN trong việc tổ chức một hệ thống thông tin kế toán kết nối từ các bộ phận trong DN để phục vụ cho yêu cầu cung cấp thông tin trên BCTC và giải trình với cơ quan thuế theo IFRS. Với các mô hình tính toán phức tạp, các xét đoán mang tính chủ quan, áp dụng IFRS phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá của nhà quản lý, vì thế, hiểu biết chuyên sâu về IFRS không những giúp nhà quản trị kiểm soát tốt nguồn lực mà còn là cơ sở để nhà quản trị đề ra các quyết định kinh tế.

- Thiết lập kế hoạch và xây dựng quy trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp:

Theo đề xuất của của KPMG giai đoạn đầu doanh nghiệp có 2 lựa chọn: (i) Thực hiện các bút toàn chuyển đổi từ VAS sang IFRS một cách thủ công; (ii) Triển khai ngay phần mềm kế toán có khả năng phục vụ công tác hạch toán kế toán theo IFRS song song với việc hạch toán kế toán theo VAS trong giai đoạn chuyển đổi tiến tới chỉ áp dụng một hệ thống kế toán theo IFRS. Trường hợp này DN phải đầu tư hệ thống phần mềm sao cho có khả năng đáp ứng cả IFRS và VAS. Khi đó, kế toán sẽ phải thực hiện ghi sổ trên 2 phần mềm và thực hiện các đối chiếu để lập BCTC theo IFRS. Do đó, tùy theo quy mô, đặc điểm DN để xây dựng quy tắc chuyển đổi cho phù hợp.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu:

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu một cách sẵn sàng và đồng bộ là rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của IFRS. Hệ thống cơ sở dữ liệu phải vừa chú trọng đến thông tin tài chính nhằm xác định định giá theo giá trị hợp lý, lãi suất thị trường,.. vừa cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giúp DN áp dụng các mô hình tài chính theo IFRS và làm cơ sở dự báo thị trường.

- Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực:

Như đã trình bày IFRS bao gồm các mô hình phức tạp, kế toán cần có thời gian tiếp cận với kiến thức ngay từ bây giờ để bắt kịp theo tiến độ mà Bộ Tài chính đề ra. Việc học hỏi để nhận diện các giao dịch kinh tế, phân tích thông tin, ghi nhận nghiệp vụ theo đúng “bản chất hơn hình thức”, là những yêu cầu mới để trình bày và thuyết minh BCTC theo IFRS. Đi liền với kiến thức chuyên môn kế toán cũng cần được trang bị kiến thức về tài chính, phân tích, dự báo phục vụ việc ra các quyết định quản lý của nhà quản trị.

- Đổi mới công tác đào tạo kế toán:

Đào tạo kế toán ngày nay cần coi trọng khả năng tư duy, phương pháp luận giải, xử lý vấn đề cho người học để áp dụng phù hợp nguyên tắc kế toán chứ không đơn thuần là việc ghi Nợ, Có. Hơn nữa, dự kiến Chuẩn mực kế toán Việt Nam theo định hướng IFRS, sẽ không quy định Chế độ kế toán chi tiết như hiện nay mà thay vào đó là ban hành bộ hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán. DN có thể tự đặt số hiệu tài khoản để tổng hợp và lập và trình bày BCTC. Đào tạo ngày nay phải chú trọng đến khả năng phân tích các giao dịch, bản chất của sự kiện kinh tế để giải quyết vấn đề. Tiếp theo đó, kỹ năng công nghệ thông tin, quản trị dữ liệu thích ứng kịp thời với sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ là hết sức cần thiết để tiếp cận với IFRS. Cuối cùng, kế toán được đề xuất là phải có khả năng về ngoại ngữ để đọc hiểu IFRS bởi việc chuyển ngữ sang tiếng Việt đôi khi không diễn đạt rõ nghĩa, do đó, biết ngoại ngữ sẽ là lợi thế cho những người làm kế toán khi tìm hiểu IFRS.

Áp dụng thành công IFRS không phải là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà là sự sống còn của mỗi DN trong quá trình hội nhập để nắm bắt cơ hội phát triển bền vững, IFRS cũng là cơ hội cho kế toán Việt Nam vươn đến tầm cao mới trong hội nhập với kế toán quốc tế, phá bỏ những rào cản là trách nhiệm của mỗi cá nhân để chuyển đổi thành công IFRS.


SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán