Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Tính tất yếu cho sự ra đời và điều kiện cần thiết để áp dụng chuẩn mực kế toán công việt nam (vpsas) về trình bày báo cáo tài chính

TS Cao Thị Cẩm Vân


Giới thiệu:

Sự kiện công bố 5 Chuẩn mực Kế toán Công Việt Nam (VPSAS) đầu tiên theo Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính là kết quả của cả một quá trình cải cách hệ thống kế toán công mở ra một thời kỳ mới, một bước quyết định trong hội nhập kế toán Công Việt Nam với thế giới. VPSAS được xây dựng trên cơ sở vận dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế (International Public Sector Accounting Standards – IPSAS) và các quy định hiện hành phù hợp với cơ chế tài chính và ngân sách Việt Nam. Trong đó, Chuẩn mực Kế toán Công Việt Nam số 01” Trình bày báo cáo tài chính” sẽ tạo nên hành lang pháp lý cho việc minh bạch thông tin tài chính khu vực công theo thông lệ quốc tế.

Quá trình đổi mới hệ thống thông tin kê toán công đáp ứng yêu cầu quản lý nền tài chính Nhà nước.

- Dự án cải cách Quản lý Tài chính công và yêu cầu cho việc đồi mới hệ thống kế toán công: Về bản chất, Kế toán công chính là công cụ phục vụ cho quá trình quản lý tài chính công, vì thế thông tin cung cấp qua báo cáo tài chính (BCTC) của kế toán Công phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý nền Tài chính Nhà nước. Do vậy, không có gì ngạc nhiên kể từ khi Dự án Cải cách Quản lý Tài chính công Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định số 432/QĐ-TT ngày 21/4/2003 ra đời, hệ thống kế toán khu vực công không ngừng đổi mới, trước hết là Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 ban hành Chế độ Kế toán Hành chính sự nghiệp và sau đó là Thông Tư số 185/2010/TT-BTC, ngày 15/11/2020 hướng dẫn sử đổi bổ sung Chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp. Có thể thấy, với mỗi giai đoạn, BCTC được quy định phù hợp với yêu cầu quản lý. Giai đoạn này, các chỉ tiêu trên BCTC chủ yếu tập trung vào việc giải trình các khoản đã nhận cấp phát từ ngân sách, chưa phản ánh đầy đủ nội dung thông tin cho nhiều đối tượng có nhu cầu sử dụng. BCTC được đánh giá là giảm đi tính hữu ích bởi thiếu nhiều thông tin cần thiết, bảng cân đối tài khoản được dùng để trình bày thông tin thay vì sử dụng Bảng cân đối kế toán, nhiều đối tượng kế toán Nhà nước như các Quỹ ngoài ngân sách Nhà nước chưa được tổng hợp và phản ánh đầy đủ trên BCTC, thậm chí những hạn chế trong khâu xử lý thông tin cũng tạo nên sự bất nhất về thông tin được cung cấp qua các kênh khác nhau.

Ngoài ra, đặc thù khu vực công Việt Nam tồn tại nhiều chế độ kế toán khác nhau, nên thiếu sự thống nhất, đồng bộ, mặc dù hệ thống thông tin quản lý Kho bạc Nhà nước (TABMIS) ra đời, thông tin được tích hợp qua hệ thống thông tin quản lý, song khả năng thu thập, xử lý, khai thác, truyền và nhận dữ liệu tài chính – kế toán vẫn còn nhiều bất cập, chưa kể Chế độ kế toán được áp dụng trên cơ sở tiền mặt và cơ sở dồn tích có điều chỉnh.

- Kế toán được luật hóa và tính cấp thiết cho việc đổi mới hệ thống kế toán công: Sự ra đời của Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 được thông qua ngày 25/6/2015 và Luật kế toán số 88/2015/QH13 ban hành ngày 20/11/2015, kéo theo sự ra đời của Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán HCSN thay thế cho Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 185/2010/TT-BTC.

Nếu so sánh với Quyết định 19 thì Thông tư 107 có nhiều quy định phù hợp với IPSAS như hàng tồn kho chỉ được ghi nhận vào chi phí phù hợp với doanh thu, thay vì được tính hết vào chi phí trong kỳ và quyết toán tại thời điểm cuối năm tài chính như trước đó… Mặc dù Thông tư 107 được đánh giá là có nhiều điểm khá tương đồng với IPSAS, tuy nhiên xét trên bình diện chung, kế toán khu vực công Việt Nam khá khác biệt để có thể vận dụng IPSAS. Cụ thể, Thông tư 107 không áp dụng hoàn toàn cho các đơn vị thuộc khu vực công, nhiều đơn vị kế toán đặc thù như Kế toán Ngân sách và tài chính xã, Kế toán Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho Bạc, Kế toán Bảo hiểm,…lại có Chế độ Kế toán riêng, phù hợp với yêu cầu quản lý của từng hoạt động.

Tiếp theo đó, BCTC theo Thông tư 107 được tách biệt hai phân hệ báo cáo theo mục tiêu sử dụng bao gồm: BCTC: gồm 4 báo cáo: Báo cáo tình hình tài chính; Báo cáo kết quả hoạt động; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; thuyết minh BCTC và Báo cáo quyết toán: gồm 5 báo cáo: Báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động; Báo cáo chi tiết chi từ nguồn NSNN và nguồn phí được khấu trừ để lại; Báo cáo chi tiết kinh phí chương trình dự án; Báo cáo thực hiện xử lý kiến nghị của kiểm toán, thanh tra, tài chính; Thuyết minh báo cáo quyết toán. Ngoài ra, đơn vị kế toán còn phải lập Báo cáo bổ sung thông tin tài chính theo Thông tư số 99/2018/TT-BTC. Trong khi IPSAS quy định về bào báo tài chính tài chính bao gồm: Kế toán trên cơ sở tiền mặt một cáo cáo thu – chi tiền mặt; Kế toán trên cơ sở dồn tích gồm 5 báo cáo: báo cáo tình hình tài chính; Báo cáo kết quả hoạt động; Báo cáo sự thay đổi về tài sản Thuần/ vốn chủ sở hữu; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Chính sách kế toán và giải trình BCTC.

Cơ sở kế toán áp dụng theo Thông tư 107 bao gồm hai cơ sở kế toán đó là kế toán cơ sở dồn tích có điều chỉnh, đến cuối kỳ điều chỉnh lại cơ sở tiền mặt có điều chỉnh, riêng hoạt động sản xuất kinh doanh áp dụng cơ sở dồn tích. Trong khi IPSAS quy định kế toán cơ sở tiền mặt và cơ sở dồn tích.

Thông tư 107 sau một thời gian thực hiện phát sinh nhiều bất cập như chưa phản ảnh đầy đủ thông tin về giá trị của tài sản thuần trên báo cáo tài chính, cụ thể chưa phản ánh các khoản dự phòng tổn thất tài sản (dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh). Mặt khác, các hoạt động sản xuất kinh doanh lại có quy định khá khác biệt với Chế độ Kế toán Doanh nghiệp theo Thông tư 200, trong khi các đơn vị này cùng phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp kinh doanh. Những khác biệt giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế cũng chưa được hướng dẫn ghi nhận trên BCTC.

Sự ra đời của Chuẩn mực Kế toán Công Việt Nam số 01” Trình bày báo cáo tài chính”

Vận dụng IPSAS để xây dựng Chuẩn mực kế toán Công là xu hướng chung của nhiều quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam cũng không ngoại lệ. VPSAS được xây dựng trên cơ sở vận dụng IPSAS, trong đó VPSAS số 1 được tiếp cận từ IPSAS số 1 góp phần làm minh bạch thông tin tài chính theo thông lệ quốc tế.

Tổng quan về Chuẩn mực VPSAS số 1“Trình bày BCTC”: VPSAS số 1 được lập và trình bày trên cơ sở kế toán dồn tích, áp dụng chung cho cả việc lập báo cáo tài chính hợp nhất và lập báo cáo tài chính riêng.

Mục đích lập báo cáo tài chính theo VASPS số 1 khá tương đồng với IPSAS 1, tuy nhiên VASPS số 1 nhấn mạnh đến vai trò cung cấp thông tin hữu ích để dự kiến nguồn lực cần thiết cho các hoạt động trong tương lai và các rủi ro bất ổn đi kèm.

Một bộ báo cáo tài chính bao gồm:

- Báo cáo tình hình tài chính

- Báo cáo kết quả hoạt động.

- Báo cáo về những thay đổi trong tài sản ròng/vốn chủ sở hữu.

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

- Công bố công khai dự toán ngân sách được duyệt thì phải cung cấp số so sánh giữa dự toán ngân sách và số thực hiện, được trình bày như các thông tin tài chính bổ sung

- Thuyết minh báo cáo tài chính.

- Thông tin so sánh với giai đoạn trước.

BCTC phải cung cấp thông tin để đánh giá khả năng đơn vị có thể đảm nhận tiếp tục nhiệm vụ được giao hay không. Bên cạnh đó, các đơn vị sử dụng NSNN phải công khai dự toán đã được duyệt, báo cáo tình hình sử dụng NS được cấp phát.

Các đơn vị báo cáo được khuyến khích tuân thủ quy định pháp luật và chế độ kế toán, trường hợp có sự khác biệt thì đơn vị phải giải trình cho những ảnh hưởng trong tương lai. Ngoài một số quy định mang tính đặc thù, nhìn chung VASPS số 1 khá tương đồng với IPSAS 1, điều này sẽ tạo nên sự thống nhât trong đánh giá tình hình tài chính Nhà nước của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới theo IPSAS.

Điều kiện cần thiết cho việc áp dụng VPSAS số 1:

Như đã trình bày, kế toán công là công cụ quản lý tài chính công, do đó, các quy định của kế toán phải phù hợp với cơ chế quản lý tài chính Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù VASPS số 1 được xây dựng phù hợp với IPSAS có xét đến yếu tố đặc thù về quản lý tài chính công, song, vẫn còn nhiều thách thức để có thể áp dụng VPSAS vào thực tiễn. Cụ thể, hiện khu vực công Việt Nam tồn tại nhiều Chế độ kế toán theo yêu cầu quản lý của từng hoạt động đặc thù, mỗi đơn vị khác biệt nhau từ chứng từ sử dụng đến nội dung thông tin cung cấp qua báo cáo tài chính, hơn nữa, nhiều hoạt động khu vực công vẫn chưa được tổng hợp vào Ngân sách nhà nước.

Những khó khăn để áp dụng cơ sở dồn tích dễ thấy đó là các đơn vị sự nghiệp phải giải trình nhận cấp phát và sử dụng Ngân sách Nhà nước nghĩa là phù hợp cho việc áp dụng cơ sở kế toán tiền. Tiếp theo đó, quy định chi trong thời gian chỉnh lý hiện nay cũng là những quy định làm sai lệch thông tin kế toán. Hơn thế nữa, các Thông tư hướng dẫn cho Nghị định thường được ban hành chậm, khiến đơn vị thực hiện lúng túng, một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất do đó thông tin chung về kế toán công không tránh khỏi bị chia cắt, khó tổng hợp đầy đủ trên BCTC. Các định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu, khó khăn trong việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu cũng như triển khai trong quản lý, việc giao nhiệm vụ đặt hàng được thực hiện theo đơn giá dự toán, không sát thực tế, nhiều trường hợp dẫn đến thất thoát, lãng phí. Mặt khác, Chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107 sẽ không còn phù hợp trong điều kiện áp dụng VPSAS.

Do đó, để VPSAS số 1 có thể áp dụng trong thực tế, cần thiết rà soát các quy định về quản lý tài chính công, đảm bảo sự thống nhất trong việc cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu cho việc lập BCTC theo VPSAS, cần thiết điều chỉnh các định mức kỹ thuật nhằm đảm bảo việc phân bổ nguồn lực tài chính công hợp lý. Về Chế độ kế toán của các đơn vị công, cần nghiên cứu xây dựng thống nhất Chế độ kế toán chung cho các đơn vị thuộc khu vực công nhằm hỗ trợ cho việc hợp nhất thông tin qua BCTC.

Kết luận

Qua phân tích có thể thấy để VPSAS có thể áp dụng trong thực tế cần thiết có sự chung tay của các cơ quan ban ngành rà soát và điều chỉnh các quy định pháp lý về quản lý tài chính công và kế toán công để VPSAS đạt được tính khả thi trong thực tế.


SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán