Trang chủ»Kinh tế»Tài chính - Thương mại

Tài chính - Thương mại

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) - 100 năm hình thành & phát triển

Ngày 23/12/1913, "Đạo luật dự trữ liên bang" được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Woodrow Wilson phê chuẩn. Theo đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Federal Reserve System - FED) được thành lập. FED chính thức hoạt động vào năm 1915. Trụ sở chính tại Washington, FED được xem là ngân hàng trung ương của chính phủ Mỹ với bộ máy gồm: Hội đồng thống đốc gồm 7 thành viên, trong đó Chủ tịch FED (nhiệm kỳ là 4 năm) được chỉ định bởi Tổng thống nhưng phải được Thượng viện thông qua. Các thành viên của Hội đồng thống đốc đóng vai trò đa số trong Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC). FED có mạng lưới gồm12 ngân hàng. Các ngân hàng này được đặt ở Boston, New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco, trong đó vai trò của ngân hàng New York được xem là quan trọng hơn.

Chủ tịch của FED hiện nay là Ben Bernanke, người đã thay thế Alan Greenspan vào ngày 1/1/2006. Alan Greenspan giữ cương vị Chủ tịch FED từ năm 1987. Ben Bernanke sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 1/2014, sau 8 năm giữ cương vị Chủ tịch FED. Người thay thế đã được Tổng thống Barack Obama chỉ định và đang chờ Thượng viện Mỹ thông qua là Phó Chủ tịch FED - Jannet Yellen.



Trụ sở của FED tại Washington

Theo Điều 8 Chương 1 của Hiến pháp Mỹ quy định, Quốc hội chịu trách nhiệm phụ trách việc quản lý phát hành tiền tệ, nhưng dự luật này sau đó được điều chỉnh với hình thức sự phân quyền và cân bằng kiểm soát của Hiến pháp Mỹ. Hội đồng thống đốc của FED là cơ quan độc lập của chính phủ liên bang. Hội đồng không chịu sự can thiệp của Quốc hội, các thành viên của hội đồng được quyền miễn yêu cầu của lập pháp và hành pháp, nhưng phải gửi báo cáo tới Quốc hội theo định kỳ.



Ben Bernanke - Đương kim Chủ tịch FED

FED có quyền lực đặc biệt là in tiền. FED có thể in tiền để giải cứu các cá nhân, tổ chức có thể làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ hoặc thế giới. Với vai trò là đồng tiền pháp định, USD không bị ràng buộc (neo) vào bất cứ thứ gì (USD neo vào vàng kết thúc từ năm 1971). Tiền do FED phát hành là nguồn cung tiền tệ, được đưa vào lưu thông qua các Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực.

Theo Hội đồng thống đốc, FED có các nhiệm vụ thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tác động các điều kiện tiền tệ và tín dụng với mục đích tối đa hóa việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn, duy trì sự ổn định nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính, cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản, các tổ chức tài chính nước ngoài và chính phủ Mỹ, đảm bảo vai trò trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia, giám sát và quy định các tổ chức ngân hàng đảm bảo hệ thống tài chính và ngân hàng quốc gia an toàn.

Các ngân hàng sở hữu Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực là của tư nhân và rất nhiều trong số đó có cổ phiếu phát hành trên thị trường. Để bình ổn thị trường tiền tệ, FED thực hiện vai trò là người cho vay cuối cùng. FED kiểm soát nguồn cung ứng tiền tệ bằng các hoạt động thị trường, FED mua hoặc cho mượn các loại trái phiếu, các tài sản có giá trị. Tất cả hoạt động thị trường của FED ở Mỹ đều tiến hành tại bàn giao dịch thị trường của Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực New York.

Để đảm bảo những thay đổi nguồn cung tiền tệ theo chu kỳ hoặc tạm thời, bàn giao dịch thị trường của Ngân hàng dự trữ liên bang New York tham gia các thỏa thuận mua lại với những nhà giao dịch ưu tiên. Các giao dịch mua bán này chủ yếu là các khoản cho vay ngắn hạn và được đảm bảo từ FED. Fed sẽ chuyển tiền vào tài khoản của người giao dịch và nhận thế chấp (là giấy tờ chứng nhận sở hữu như cổ phiếu, trái phiếu, tài sản có giá trị tương ứng). Thời hạn giao dịch từ 1 ngày tới 65 ngày (theo thỏa thuận), nhưng phần lớn là cho vay qua đêm và 14 ngày. Khi hết hạn giao dịch, FED hoàn lại chứng khoán và nhận lại tiền vốn cùng với lợi nhuận từ lãi suất. Trong giao dịch thỏa thuận bán lại (reverse repo), FED sẽ vay tiền từ các người giao dịch ưu tiên bằng cách đặt cọc chứng khoán chính phủ. Khi giao dịch đáo hạn, FED sẽ hoàn trả tiền và các khoản lãi. Bên cạnh đó là giao dịch mua đứt, ở giao dịch này, FED mua lại trái phiếu chính phủ và cung cấp tiền vào tài khoản của người giao dịch đặt tại FED. Vì hoạt động mua đứt nên tăng cung ứng tiền lâu dài nhưng khi trái phiếu hết hạn khoản lãi vẫn được thu, thường là 12 - 18 tháng.



Jannet Yellen được cho là tân Chủ tịch FED vào ngay 31/1/2014

FED mua trái phiếu chính phủ nhằm mục đích tạo sự thanh khoản trong lưu thông tiền tệ. Lãi suất giảm xuống tạo điều kiện cho chi tiêu, vay gia tăng. Tương tự, khi FED bán ra trái phiếu chính phủ, tác động sẽ diễn ra ngược lại. Về quy định lượng tiền mặt dự trữ, nếu FED đề nghị các ngân hàng phải dự trữ một lượng tiền đủ theo yêu cầu của FED, khi đó phần cho vay sẽ giảm đi, như thế lãi suất tăng lên và ngược lãi. Các ngân hàng thành viên của FED được quyền vay tiền từ FED để trang trải các nhu cầu ngắn hạn. Lãi suất này gọi là lãi suất chiết khấu (discounted rate).

Lãi suất mà FED công bố thực chất không phải là lãi suất cơ bản (prime rate) mà là fed funds rate. FED công bố mức lãi suất điều hoà vốn dự trữ trong mỗi thời kỳ (fed funds target rate), thông qua đó FED thực hiện điều hành chính sách tiền tệ. Fed funds rate theo qui định (7 tuần/1 lần và có thể bất thường nếu cần thiết) được đưa ra bởi FOMC. FED dùng các công cụ thị trường mở hướng fed funds rate theo lãi suất mục tiêu giúp đảm bảo phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng GDP ổn định ở một mức tương ứng. Vậy, bên cạnh discounted rate thì fed funds target rate là công cụ thứ hai giúp FED điều hành chính sách tiền tệ. So với prime rate thì fed funds rate thấp hơn. Nếu FED công bố mức lãi suất là 0,25% thì lãi suất cơ bản của các ngân hàng sẽ là từ 3 - 3,5%, và do đó lãi suất thực trên thị trường tín dụng sẽ ở mức trên 3,5%.

FED ấn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ lệ % số tiền ký gửi tại ngân hàng mà ngân hàng giữ lại hoặc gửi tại FED để duy trì hoạt động như chi trả cho khách hàng và các chi phí thường ngày. Quy định này trực tiếp giới hạn khả năng cho vay của các ngân hàng. Trong trường hợp khoản dự trữ này tụt xuống, ngân hàng phải tiến hành vay lẫn nhau hoặc vay của FED để đảm bảo tỷ lệ dự trữ.

Với lịch sử 100 năm hình thành và phát triển cùng nước Mỹ, FED ngày càng chứng minh được vai trò vô cùng quan trọng của nó trong hệ thống ngân hàng cũng như trong nền kinh tế Mỹ, các quyết định được đưa ra tại đây có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Mỹ và thế giới.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 135

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán