Thời trang

Khởi nghiệp khi đã 60 tuổi

Bà Cathy Wood có cảm tình đặc biệt với thời trang vintage và việc mở một cửa hàng buôn bán loại quần áo này sau nhiều thăng trầm của cuộc đời đã giúp bà tìm lại chính mình.



Bà Cathy Wood đã biến niềm yêu thích của mình dành cho đồ vintage thành sự nghiệp kinh doanh - Ảnh: Christopher Thomond/The Guardian

Trở lại Giáng sinh năm ngoái, khi hai cô con gái 19 tuổi và 21 tuổi của bà Wood vẫn còn đang tất bật ôn thi, bà nhớ lại: “Vợ chồng tôi ít gặp mặt hai con… và thế là đâm chán nản.” Vậy là bà Cathy Wood mua 45 kg quần áo đã qua sử dụng về để trong nhà và chưa biết sẽ làm gì với mớ đồ này.

Bà Wood, 62 tuổi, trước đây là giáo viên tiếng Anh chuyên ngành, rất thích mua sắm quần áo vintage với hai cô con gái và từng có lúc cân nhắc chuyện mở một cửa hiệu, nhưng chi phí thuê mặt bằng khiến bà nhiều lần bỏ ý định. Thế rồi một tuần trước khi túi đồ cũ được chở đến, bà quyết định thuê một cửa hiệu ở Chợ Thủ công West Didsbury.

Bà Wood kể lại: “Trước đây, bà tôi dạy thủ công mỹ nghệ; cả bà và mẹ dành rất nhiều thời gian may vá và tôi học được kỹ năng này từ họ.” Lúc còn theo học ngành kinh doanh tại Trường Leicester Polytechnic, bà Wood “thường xuyên chơi với nhóm bạn bên ngành thời trang” và tự may cho mình những chiếc váy xếp ly, những chiếc đầm nhung, hay những bộ cánh lãng mạn.

Nhưng được đứng trước cửa hàng quần áo do mình sở hữu lại là trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Ban đầu, bà còn xởi lởi chào hỏi khách hàng: “Ồ, xin chào, đây là tiệm quần áo của tôi.” Nhưng sau đó thì: “Khách hàng thường là những người ‘đánh nhanh rút nhanh’ hay đợi tới khi tôi vào nhà vệ sinh họ mới mua.” Thế là bà đã phải kiềm chế bản thân và học cách “nhìn xa vào vô tận” khi khách lựa đồ.

Bà Wood bán được 4 bộ đồ trong phiên chợ đầu tiên và được một chút tiền lãi. Giờ đây, bà thường xuyên bán được 30 bộ mỗi ngày. Nhưng điều khiến bà vui thú nhất vẫn là cơ hội trò chuyện với khách hàng và những người khác trong khu chợ. Bà nói: “Khu chợ vô cùng thân thiện và bạn có thể tán gẫu, làm quen với bất cứ ai. Đây là điều tôi thích nhất bởi đã lâu tôi không được trò chuyện nhiều như thế này.”

Sau khi sinh đứa con thứ hai vào năm 42 tuổi, bà Wood bị sa tử cung và buộc phải đeo khung nẹp cố định hông. Bà cho biết: “Tôi ngày càng thấy đau đớn hơn mà chẳng hiểu tại sao. Rồi tôi cũng chẳng thể tự lái xe đến các công ty để dạy nhân viên nữa mà phải quanh quẩn trong nhà. Con tôi ngày càng lớn, bước qua tuổi thiếu niên. Đó là khoảng thời gian khá trầm cảm.”

Mặc dù trải qua ba lần phẫu thuật để lấy khung nẹp ra, bà Wood không thật sự rõ phần nào đã được lấy ra và phần nào vẫn còn nằm trong người bà; chỉ biết là cơn đau vẫn đeo bám bà dai dẳng. Vì đau mà bà không thể ngồi dạy trực tuyến qua Zoom trong khoảng thời gian dài. Trong khi đó, những khi được điều hành tiệm quần áo, tự tay chọn đồ cũ, mua sỉ, lựa đồ, vá lại chỗ rách, ủi cho thẳng, rồi giặt hấp quần áo, bà lại cảm thấy nhẹ nhõm, không còn nghĩ ngợi, lo lắng nữa: “Tôi thấy việc buôn bán thật là hữu ích.”

Bà Wood chỉ muốn “phục vụ cộng đồng” và đã giảm giá các mặt hàng bày bán cho phù hợp với thời buổi kinh tế khó khăn. Có trong tay bằng thạc sĩ tài nguyên thiên nhiên, bà cũng rất chú trọng đến khía cạnh phát triển bền vững của việc bán lại đồ cũ. Nhiều lúc tiệm vắng người, bà lại lấy quần áo rách ra vá lại và nhớ về bà và mẹ mình: “Tôi nghĩ về những cảm xúc mà những bộ quần áo này gợi ra trong tôi; đó là những ước mơ thật xa vời. Tôi ước mình có thể lành lặn lại như trước. Nhờ những bộ đồ này mà tôi như lại trở về thời xưa, khi mọi chuyện còn quá đỗi giản đơn. Cảm giác lúc ấy thật dễ chịu. Hoài niệm đôi khi cũng có ích đấy chứ.”

Bà bộc bạch: “Sau khi ngừng việc dạy học, tôi cảm thấy mình không còn là một con người trong xã hội nữa. Tiệm quần áo này là thứ khiến tôi cảm thấy mình lại là một phần của cộng đồng, được đóng góp gì đó, được vui vẻ trò chuyện cùng mọi người.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán