Thời trang

Màu sắc Pantone cho 2023

Pantone được bình luận là màu sắc tạo động lực, thúc đẩy các cải tiến. Và lịch sử gam màu này có lẽ chứng minh nhận định ấy không hề sai.



Lewis Hamilton tại giải Grand Prix Ý vào tháng 9/2022 - Ảnh: NurPhoto/Getty Images

Gam màu này nằm giữa đỏ và xanh dương, nóng và lạnh, đứng độc lập thành một quãng trên phổ màu. Màu sắc 150 tuổi nhưng lại mang dáng dấp kỷ nguyên số, vừa cổ kính, song lại vượt thời đại. Đó chính là Viva Magenta, màu Pantone cho năm 2023.

Trong suốt 25 năm qua, Pantone đã thực hiện nhiệm vụ phân tích các sắc màu nổi trội qua nhiều lăng kính như nghệ thuật, thời trang, thiết kế,… để chọn ra gam màu không chỉ phản ánh xu hướng thời đại mà còn đóng vai trò chủ đạo trong năm tiếp theo.

Sau sắc xanh chiều tà cho năm 2020, sắc xám sỏi và vàng chói năm 2021, sắc xanh tím hoa dừa cạn năm 2022, Pantone đã chọn ra màu đỏ tía “táo bạo” cho 2023.

Leatrice Eiseman, giám đốc điều hành Viện Màu sắc Pantone, cho biết: “Đây là màu sắc can trường, bất khuất, thể hiện niềm lạc quan và hạnh phúc mãnh liệt - thứ mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều cần ngay lúc này.”

Ta có thể bắt gặp các sắc độ màu tía tràn ngập trong giới showbiz, từ màu mắt mâm xôi của Charlize Theron khi hóa thân thành nhân vật Clea trong phim Marvel, cho đến bộ phục trang màu mận tím của Emily Blunt trong bộ phim “The English”.

Harry Styles - chàng trai vẫn luôn tiên phong trong các xu hướng thời trang - chọn khoác chiếc áo tía của Gucci khi đến Venice, Ý, quảng bá “Don’t Worry Darling”. Còn Vương phi Catherine xứ Wales trong tuần cuối tháng 11 diện mẫu áo bành tô kết hợp váy của Emilia Wickstead với chiếc mũ đỏ tía ton sur ton đến chào mừng Tổng thống Nam Phi Ramaphosa.



Vương phi xứ Wales tham dự lễ chào mừng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vào tháng 11/2022 ở London - Ảnh: Max Mumby/Getty Images

Gam màu này tuy khó phối, nhưng lại hữu hiệu trong việc truyền tải thông điệp. Ta có thể thấy điều đó qua trang phục của Lewis Hamilton sau màn trình diễn ấn tượng của anh tại Grand Prix Hà Lan.

Công ty sơn Benjamin Moore tại Mỹ trước đó có dự đoán tường nội thất màu đỏ sẽ trở thành mốt, và chọn màu “Raspberry Crush” - khá tương đồng với Viva Magenta - làm màu của năm.

Kể từ năm 2000, màu sắc của năm do Pantone chọn lúc nào cũng là chủ đề bàn tán sôi nổi, và cũng là cơ hội giúp ta nhìn lại hiện tại. Song, mục tiêu của Pantone không chỉ là tạo ra xu thế.



Emily Blunt trong bộ phim “The English” - Ảnh: Diego López Calvín/Amazon Studios

Pantone cho rằng trong năm 2023, chúng ta sẽ không còn phải đối mặt với hậu quả của đại dịch nữa, mà nhìn về tương lại tươi sáng hơn. Laurie Pressman, Phó chủ tịch Pantone, nói Viva Magenta thể hiện khát vọng kiên cường, lạc quan trước nghịch cảnh, tượng trưng cho tư duy vượt khung, đột phá, kiến tạo nên một thế giới ngày một tốt đẹp.

Bà nhận định: “Chúng ta cần sự can đảm, kiên cường tiến lên phía trước, song cũng cần một chút vui tươi. Cuộc sống nay đã khác xưa và tạo ra nhiều thách thức mới - và tôi nghĩ chúng ta cần những gì có thể thúc ta thoát ly khỏi thực tại.”

James Fox, nhà lịch sử nghệ thuật, tác giả cuốn “The World According to Colour” (tạm dịch: “Thế giới qua lăng kính màu sắc”), nhắc nhở màu sắc đóng vai trò trung tâm để con người kể chuyện, giao tiếp, và kết nối với nhau: “Màu này có vẻ là lựa chọn phù hợp cho quãng thời gian u tối, ảm đạm, lúc mọi người dần mất hết niềm tin như hiện nay. Có thể nói gam màu này tượng trưng cho sự kiên cường của tâm trí con người chúng ta.”

Mặc dù trông có vẻ phi tự nhiên, đôi khi mang dáng dấp công nghệ số nhân tạo, sắc tía cũng gợi ta nhớ về đất sét, về các bức hoạ hang động, hay thậm chí là vũ trụ về đêm. Loài thực vật cổ xưa nhất Trái Đất, tồn tại trước khi diệp lục tố xuất hiện, được cho là những loài mang màu tía. Fox nhận xét: “Đây chính là màu sắc khiến võng mạc ta rung lên, rạo rực đến khó tả.”

Fox thừa nhận màu đỏ tía là sản phẩm của con người xuất hiện giữa thế kỷ 19, khi chúng ta tình cờ làm ra được mauveine - loại màu nhuộm nhân tạo gốc anilin đầu tiên. Nhờ thành công về mặt thương mại, cả châu Âu hối hả lùng sục loại nhuộm này.

Năm 1859, sau các phát hiện của giới hoá học tại Pháp và Anh, một loại màu nhuộm đỏ tía được tạo ra ở cả hai quốc gia, biết đến với tên “fuchsine” hay “roseine”.

Tên màu sắc này được đổi thành “magenta” sau cuộc chiến giữa Pháp, Sadegna và Áo tại vùng Magenta, Lombardy của Ý. Tên gọi này không biểu trưng cho những chiếc áo vấy máu của binh lính tử trận như nhiều người lầm tưởng, mà nhằm thể hiện lòng đoàn kết giữa Pháp với người dân Ý, vì một nước Ý độc lập.

Song, sắc đỏ tía này có thể gây cú sốc lớn khi nổi lên trở lại trong thời đại ngày nay. Sau khi các gam màu địa trung hải những năm 1990 mờ nhạt dần, xu hướng trỗi dậy trong các thiết kế nội thất suốt 15 năm qua là màu nâu xỉn.

Ikea, Apple, cùng nhiều hãng khác đã giúp các gam màu đơn sắc, tối giản trở thành chuẩn thẩm mỹ toàn cầu. Các chương trình truyền hình và tác phẩm điện ảnh cũng dần đơn sắc hoá, khiến một TikToker nổi tiếng phát biểu hồi tháng 8/2022: “Cứ như thế giới này đang mất dần màu sắc vậy.”

Những ai mong muốn được nổi bật trên nền màu tối giản của thời đại đều phải gắng sức “thét lớn”, “thét” bằng những dòng tin nhắn vàng chói thời đại dịch hay những chiếc mũ MAGA màu đỏ rực.

Là gam màu hoà trộn giữa sắc đỏ và xanh dương, màu tía tượng trưng cho sự hoà hợp phi chính trị, theo Fox. Fox luận bàn: “Vừa thuộc vùng tử ngoại, vừa thuộc vùng hồng ngoại, màu tía đáng lẽ không tồn tại trên quang phổ… nhưng bằng cách thần kỳ nào đó lại đại diện cho cả dải màu ta tri nhận được lẫn những màu mà mắt ta không thể nhìn thấy.”



Người mẫu tại buổi trình diễn Roksanda SS23 ở London - Ảnh: Yannis Vlamos/Shutterstock)

Vậy nên Viva Magenta và các sắc độ của nó mới là màu phù hợp nhất của năm: khó xác định đích xác, nhưng lại không thể phủ nhận sự tồn tại. Leatrice Eiseman kết luận: “Làm sao bạn có thể làm ngơ màu sắc này được chứ? Đó là điều không thể.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán