Thời trang

Trang phục phụ nữ thời Nguyễn được phục dựng trong tranh vẽ theo phong cách chibi

Một dự án nghệ thuật phục dựng các trang phục đặc trưng của phụ nữ dưới triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) được tạo ra bởi họa sĩ Nguyễn Quốc Trí (Kris Nguyễn), hiện đang sinh sống ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, trong thời gian giãn cách xã hội.



Trang phục phụ nữ thời Nguyễn gồm hơn 10 hình ảnh minh họa theo phong cách chibi, nhằm làm sáng tỏ hơn về trang phục Việt Nam trong thời kỳ lịch sử - Ảnh: Kris Nguyễn

“Có nhiều ý kiến cho rằng trang phục thời nhà Nguyễn không đa dạng, và kiểu quần áo được biết đến rộng rãi nhất trong thời kỳ này là áo dài năm vạt truyền thống (hay còn được gọi là áo dài truyền thống Việt Nam) với tay áo bó sát, vốn là tiền thân của chiếc áo dài hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng rất đa dạng. Các vùng khác nhau đều có phong cách ăn mặc và biến tấu khác nhau về áo năm vạt.” Kris trả lời trong cuộc phỏng vấn của Việt Nam News.

“Vì vậy, tôi hy vọng rằng bản thân sẽ mang đến một cái nhìn khác và giúp mọi người hiểu rõ hơn về trang phục trong thời đại này thông qua một dự án nghệ thuật,” anh cho biết thêm.

Họa sĩ trẻ giải thích rằng anh chọn phong cách chibi để khắc họa trang phục theo cách đơn giản hóa giúp người xem dễ dàng tiếp cận mà không cảm thấy nhàm chán.

Quần áo phụ nữ thời Nguyễn được hoàn thành trong vòng một tháng. Năm hình minh họa mô phỏng các dạng trang phục truyền thống đầu tiên đã được hoàn thành và giới thiệu trong hai tuần đầu và phần còn lại được hoàn thành trong một tuần sau.



Áo dài Nhật Bình vốn là trang phục thường thấy của các phi tần, công chúa ở Cố đô Huế - Ảnh: Kris Nguyễn

Để đảm bảo độ chính xác của trang phục, Kris đã đơn giản hóa các họa tiết và tập trung vào việc khắc họa kiểu dáng của chúng. Đồng thời tham khảo nhiều nguồn thông tin uy tín và các tiến sĩ chuyên nghiên cứu về lịch sử.

Điều khó khăn nhất đối với Kris là thay đổi tư duy của người xem.

“Một số người vẫn nghĩ rằng trang phục cổ xưa của Việt Nam giống trang phục của người Trung Quốc hoặc không giống người Việt Nam chính thống. Vì vậy, tôi cần tạo ra một loạt hình ảnh mới, đơn giản và dễ tiếp thu, có thể thuyết phục ngay cả những người khó tính nhất,” anh nói.



Một phụ nữ miền Bắc Việt Nam trong trang phục áo dài năm vạt với tay áo bó sát - Ảnh: Kris Nguyễn

Trong số trang phục của phụ nữ thời Nguyễn, Kris ấn tượng nhất với chiếc áo dài năm vạt và tay áo được may ôm sát, kiểu trang phục đơn giản nhất và cũng là tiền thân của áo dài hiện đại.

“Sự phối hợp giữa các phụ kiện và kiểu tóc của những người phụ nữ trong trang phục này vô cùng đa dạng. Hơn nữa, các vùng khác nhau có các biến thể khác nhau. Sự đa dạng trong thiết kế hoa văn cũng là một trong những điều làm nên nét độc đáo cho loại trang phục này”, anh nói.

Hiện tại, các kiểu trang phục dành cho phụ nữ thời Nguyễn chưa được khai thác và thương mại hóa nên Kris có kế hoạch phát triển các hình minh họa này thành một bộ bưu thiếp và có thể bán nó trực tuyến ngay khi đại dịch được kiểm soát.

Hậu duệ của chúa Nguyễn Phúc Khoát, vị lãnh chúa thứ 8 của triều Nguyễn, ông Tôn Thất Minh Khôi đã đánh giá cao phong cách vẽ tranh dễ thương nhưng đặc biệt này của dự án nghệ thuật vì nó giúp đề tài lịch sử trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn với khán giả đại chúng.

Ông cũng nhận xét rằng người thực hiện dự án này đã tham khảo và sử dụng các nguồn tư liệu rõ ràng, đáng tin cậy, và giúp người xem có thể hình dung trang phục của phụ nữ Việt Nam thuộc các tầng lớp nhân dân và ở các vùng miền khác nhau trong triều đại nhà Nguyễn, từ đó tạo ra nguồn tham khảo trực quan sinh động để nghiên cứu.

“Dự án của Kris đã phản ánh sự đa dạng trong trang phục của triều Nguyễn, đồng thời, tạo tiền đề cho những nghiên cứu tương tự tiếp theo. Tôi rất kỳ vọng vào dự án trang phục nam giới của Kris,” ông Khôi trả lời với báo điện tử Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh.



Một phụ nữ miền Nam Việt Nam trong trang phục áo dài năm vạt với tay áo bó sát - Ảnh: Kris Nguyễn

Trang phục Phụ nữ thời Nguyễn không phải là dự án đầu tiên của cựu sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng với niềm đam mê văn hóa và truyền thống. Trước đó, Kris đã thực hiện nhiều dự án nghệ thuật mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam hiện đại.

Phong cách của anh đã chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi Mai Trung Thứ và Lê Phổ, hai họa sĩ Việt Nam quá cố, những người đã đặt nền móng cho nghệ thuật đương đại Việt Nam.



Một phụ nữ miền Nam Việt Nam trong trang phục áo dài năm vạt với tay áo bó sát - Ảnh: Kris Nguyễn

Ngoài công việc thiết kế đồ họa và vẽ tranh minh họa tại TP.HCM, Kris còn là đồng sáng lập của Hoa Niên, một doanh nghiệp về trang phục cổ Việt Nam, đây là nguồn cảm hứng để anh nghiên cứu và phát triển các dự án nghệ thuật của mình.

“Tôi có niềm đam mê mãnh liệt với các nền văn hóa Châu Á, đặc biệt là của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam từ khi tôi còn là một sinh viên. Càng nghiên cứu sâu, tôi càng thấy rằng nhiều vấn đề trong văn hóa Việt Nam ít được công chúng biết đến. Do đó, các dự án nghệ thuật của tôi được tạo ra nhằm mang đến một cái nhìn mới về Việt Nam - một quốc gia thịnh vượng, đầy màu sắc và sôi động, ” anh nói.

Kris cũng tiết lộ trong tương lai rằng anh sẽ tạo thêm nhiều dự án về những câu chuyện cung đình và dân gian Việt Nam, trong đó nổi bật là trang phục và lối sống của người Việt cổ, nhờ vậy các bạn trẻ sẽ được nghe về những câu chuyện ngày xưa.

Vân Anh
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán