Truyện ngắn

Cậu bé Vanka

Vanka Zhukov là cậu bé chín tuổi theo học nghề đóng giày với ông Aliakhin đến nay đã được ba tháng. Đêm Giáng sinh, cậu không ngủ mà chờ ông bà chủ và toàn bộ thợ giày đến nhà thờ làm lễ thì mới lấy lọ mực và cây bút cũ kỹ ra. Trải một tờ giấy dúm dó phía trước mặt, cậu cặm cụi viết.



Ảnh: pixabay.com

“Kính gửi ông ngoại Konstantin Makarych. Con chúc ông một Giáng sinh vui vẻ, cầu Chúa ban phước lành cho ông. Con không có cha mẹ, chỉ còn có mỗi ông thôi.”

Đoạn Vanka hướng mắt ra cửa sổ, lớp kính phản chiếu ánh đèn dầu sáng tỏ. Trong vầng sáng ấy, cậu nhớ lại nét mặt ông Konstantin, lính gác đêm tại Messrs. Ông có dáng người nhỏ, quắc thước, tuy đã 65 tuổi và mắt đã đục nhưng hãy còn năng động, tràn đầy sức sống, hay cười lắm. Cả ngày ông hoặc ngủ trong chái bếp hoặc cãi cọ với mấy tay đầu bếp. Tối đến, ông mặc áo lông cừu dày rảo bước quanh khu vực, liên tục cầm dùi cui vỗ tay thành nhịp. Theo sau ông là con chó Kashtanka và Viun, nó có tên như vậy vì bộ lông đen nhánh và thân như con cá chạch. Viun hiếu khách đến kỳ quái, vẫy đuôi mừng người lạ chẳng khác gì họ là chủ. Nhưng đừng để bị lừa. Nó sẵn sàng luồn ra sau táp chân người ta hay lẻn vào kho lương thực và chuồng gà đớp vài miếng mồi rồi bỏ chạy. Nó từng bị người ta đánh cho đến gần gãy chân sau một lần, bị treo lên hai lần, và bị đánh như cơm bữa. Nhưng lần nào nó cũng bình phục rất nhanh.

Chắc là trong đêm nay, ông ngoại đang đứng trước cổng, nheo mắt nhìn cửa kính nhà thờ trong làng, dậm chân với đôi ủng nặng trịch, chọc phá người đi hành lễ. Dùi cui giắt thắt lưng, hai tay ôm lấy người vì lạnh, đôi lúc lại ho khan lên vài tiếng, chốc chốc lại vẹo má mấy cô người hầu hay mấy tay đầu bếp. Chắc hẳn ông đang làm những chuyện như thế.

Ông sẽ chìa hộp thuốc lá cho các cô: “Mấy cô muốn rít một hơi chứ?” Các cô các bà hít lấy rồi xì mũi cả. Rồi ông sẽ cười phá lên: “Coi chừng lỗ mũi đóng băng dưới cái tiết trời này đấy!”

Ông cũng vo vài mẩu thuốc lá cho hai con chó. Con Kashtanka xì mũi, ngoảnh mặt đi xa tỏ vẻ bực bội. Con Viun nhất quyết không chịu ngửi mà chỉ quẫy đuôi. Thời tiết lúc này rất đẹp, quang đãng mà buốt giá, nhưng không có lấy một ngọn gió. Trên nền trời tối đen nổi lên các mái nhà phủ trắng tuyết, với các ống khói chọc ra, tỏa hơi nóng nghi ngút. Có thể thấy cả những gò tuyết trắng xóa bên dưới các cành cây đầy sương muối nữa. Bầu trời đêm lấp lánh ánh sao, hiện rõ Dải Ngân Hà lẩn sau các bông tuyết chầm chậm rơi.

Vanka thở dài, chấm bút vào nghiên mực rồi viết: “Tối qua con bị đánh. Ông chủ túm tóc lôi con ra sân, dùng dây đánh vào mông con chỉ vì con ngủ quên khi đưa nôi cho thằng bé nhà lão. Trong tuần, bà chủ có bảo con moi ruột con cá trích. Con phanh cá từ đuôi và thế là bà ta ném cả đầu cá vào mặt con. Bọn thợ lại hay trêu chọc con, sai con đến quán rượu mua vodka hoặc trộm dưa leo của ông chủ, thế là lão lại lôi con ra, vớ được gì thì lấy đó đánh con luôn. Cái ăn gần như là không có; buổi sáng chỉ một mẩu bánh mì, buổi chiều một ít cháo, rồi buổi tối lại là bánh mì. Trong khi hai ông bà lão thì tu trà hay ngốn xúp cải bắp. Hai người đó bắt con phải ngủ ngoài tiền sảnh và mỗi khi thằng nhỏ khóc um lên, con không chợp mắt được miếng nào mà phải đưa nôi dỗ nó ngủ. Ông ơi, ông hãy đưa con đi khỏi đây đi ông, đưa con về làng. Con không chịu nổi cảnh này nữa… Con xin lạy ông, và cầu Chúa, mong cho con đi khỏi nơi này càng sớm càng tốt. Không thì con chết mất…”

Khoé miệng Vanka xệ xuống, cậu đưa bàn tây lấm bẩn lên lau mắt. Từng dòng lệ bắt đầu lăn dài. Cậu viết tiếp: “Con sẽ nghiền bột thuốc lá giùm ông. Con sẽ cầu Chúa phù hộ ông. Và nếu con có làm gì sai, ông hãy cứ đánh con như đánh lũ dê xám vậy. Nếu ông cho là con không thể tìm được việc, lạy Chúa, con sẽ làm tất cả, kể cả đánh giày hay thay Fedya làm chăn cừu tập sự. Ông ơi, con không thể chịu nổi nữa, con sẽ chết mất… Con muốn chạy về nhà mình, nhưng con chẳng có giày và con sợ mình sẽ chết cóng. Lớn lên, con sẽ bảo vệ ông, không cho ai động đến ông. Khi ông mất, con sẽ cầu cho ông yên nghỉ, như con đã cầu nguyện cho mẹ Pelagueya.”

Rồi cậu viết: “Ở Moskva này chỉ toàn nhà cao cửa rộng. Đường tấp nập ngựa xe và chẳng có bóng dáng con cừu nào. Mọi con chó ở đây đều hung dữ. Đến Giáng sinh, bọn trẻ không được cầm sao xuống phố, không ai được hát trong dàn hợp xướng. Một lần nọ, con đi qua cửa hàng kia thì thấy bán đủ loại cần và móc câu dành cho đủ loại cá, tiện lợi vô cùng. Có cả lưỡi câu bắt được cá nheo nặng nửa ký nữa. Rồi có cả cửa hàng bán súng tương tự như cái của ông chủ, chắc cũng phải đến 100 rúp. Cửa hàng thịt có đủ loại thịt, từ dẽ gà, gà gô, đến thỏ rừng. Nhưng chủ hàng thịt không nói ai đã săn thịt này và bán cho ông. Ông ngoại biết không? Khi chuẩn bị cây thông Giáng sinh, ông chủ có giấu hạt óc chó mạ vàng trong hộp màu xanh của con. Khi con hỏi cô chủ nhỏ Olga Ignatyevna, cô nói đó là quà dành cho Vanka.”

Vanka nấc lên rồi thở dài, lại ngẩng mặt nhìn qua khung cửa sổ. Cậu nhớ những lúc cùng ông lên rừng chặt cây vào Giáng sinh. Lúc đấy hạnh phúc biết bao nhiêu! Băng tan răng rắc, ông cháu cũng cười khục khặc. Trước khi bắt tay vào chặt cây, ông ngoại lấy tẩu ra, bỏ ít thuốc lá vào, rít một hơi dài, rồi trêu cậu bé Vanka lạnh co ro dưới trời đông. Những cây linh sam phủ sương muối đứng lặng, hồi hộp chờ xem hai ông cháu sẽ “hạ thủ” người bạn nào hay là chính mình. Thoáng chốc lại có vài chú thỏ rừng nhảy vọt qua các gò tuyết, khiến ông thốt lên: “Mau, bắt lấy nó đi! Bắt lấy con quỷ tinh ranh cụt đuôi ấy đi!”

Rồi khi cây đã đốn hạ, ông ngoại mới kéo lê nó về nhà ông chủ, rồi cả hai ông cháu cùng nhau trang trí nó. Cô chủ nhỏ Olga Ignatyevna, bạn thân của Vanka, là người bỏ nhiều công sức trang trí nhất. Khi mẹ Vanka, bà Pelagueya, còn sống và làm hầu gái trong gia đình này, cô chủ nhỏ hay cho Vanka ăn kẹo, rồi còn dạy cậu cách đọc, cách viết, cách đếm tới 100, rồi còn dạy cậu khiêu vũ nữa. Nhưng khi mẹ qua đời, cậu bé Vanka và người ông bị đuổi xuống xó bếp. Rồi Vanka sau đó bị đưa đến Moskva ở cùng với thợ giày Aliakhin.

Cậu bé tiếp tục cầm bút viết: “Ông hãy đến nhanh lên đi. Con van Chúa xin Người cho con rời khỏi nơi đây. Hãy rủ lòng thương đứa trẻ mồ côi này. Họ đánh đập con, bỏ đói con, con buồn đến khóc không thành lời. Hôm kia, lão chủ đánh con khiến con ngã lăn quay ra đất, tưởng đã chết. Đời con thật khổ, còn thua cả hạng chó. Hãy đến đây với con, ông ơi.”

Vanka gấp tờ giấy lại làm tư, bỏ vào phong thư cậu đã mua đêm trước. Cậu dừng lại ngẫm nghĩ, rồi chấm bút vào nghiên mực và viết địa chỉ: “Đến ngôi làng, dành cho ông tôi.” Đoạn cậu vò đầu, nghĩ lại một chút, gạch hết dòng vừa viết và thay vào đó: “Konstantin Makarych.”

Vui mừng vì chẳng ai bắt gặp lúc viết thư, cậu đội mũ trùm đầu, không thèm mặc áo lông cừu mà cứ thế chạy ra ngoài đường đêm.

Chủ hàng thịt tối hôm trước có nói rằng cậu cần phải bỏ thư vào hòm. Những lá thư này sẽ được những tên bưu tá nghiện ngập đánh xe ngựa đưa đi khắp nơi, giữa đường còn rung chuông nữa. Vanka chạy đến hòm thư đầu tiên cậu bắt gặp và đẩy lá thư quý báu của mình qua khe hở.

Một tiếng sau, cậu về nhà, lòng tràn trề hy vọng, ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ của mình, cậu thấy một lò sưởi. Ông cậu đang ngồi đung đưa hai cái chân trần trước lửa, rồi đọc thành tiếng lá thư cậu viết cho các đầu bếp. Còn con Viun đi vòng vòng quanh cái lò sưởi, quẫy quẫy cái đuôi.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán