Âm nhạc

Dòng nhạc dân gian

Thuật ngữ nhạc dân gian (folk music) xuất phát từ nước Anh, có nguồn gốc từ chữ "volk" trong tiếng Đức, nghĩa là con người. Thuật ngữ này chỉ những thường dân ở Anh, những người nông dân mù chữ, họ kể lại các câu chuyện hay truyền thuyết thông qua các bài hát vì không có khả năng để xuất bản thành sách. Đây thường được xem là cách truyền đạt trong đời sống của cộng đồng, từ đó mà âm nhạc phát triển và trở thành một công cụ tuyệt vời giúp các nhà sử học khám phá ra lối sống của một dân tộc. Mặc dù thuật ngữ nhạc dân gian chỉ mới được sử dụng từ thế kỷ thứ 19, nhưng thực chất dòng nhạc này đã xuất hiện từ hàng trăm năm về trước.



Ảnh: audiosparx.com

Dòng nhạc dân gian khá phổ biến vào đầu thời kỳ lãng mạn. Josef Haydn và Beethoven là hai nhà soạn nhạc lừng danh đã cải tiến lại dòng nhạc này. Nhiều người cũng đã sáng tác ra các điệu múa dân gian truyền thống gần như rất khó phân biệt với các điệu múa và bài hát của thường dân. Tuy nhiên, dòng nhạc dân gian đã không có được sự hưng thịnh mãi cho đến thế kỷ 20. Lễ hội âm nhạc dân gian đầu tiên diễn ra vào năm 1928 tại Asheville, Carolina. Woody Guthrie là một trong những người đã có đóng góp tích cực trong việc làm hồi sinh lại dòng nhạc này. Cũng giống như các nghệ sĩ khác theo đuổi thể loại dân ca, Woody Guthrie đã biểu diễn lại các ca khúc mà ông đã được nghe từ mẹ khi còn là một đứa trẻ.



Woody Guthrie - Ảnh: en.wikipedia.org

Trong những thập niên 30 và 40 của thế kỷ 20, nhạc dân gian tiếp tục trở nên phổ biến. Các ngôi sao như Jimmy Rodgers, Burl Ives đã đưa dòng nhạc này lên đỉnh cao vào những năm 1950 với các nhóm nhạc và ca sĩ nổi tiếng như The Weavers, Harry Belafonte và Kingston Trio. Phong cách của họ là sự mô phỏng lại âm nhạc dân gian trong quá khứ. Phong cách này thịnh hành đến cuối những năm 60 khi thể loại "folk rock" ra đời và nhóm nhạc The Beatles bắt đầu làm khuynh đảo thế giới.

Trong những năm 1960, thuật ngữ "âm nhạc biểu tình" trở nên phổ biến, các ca sĩ của dòng nhạc dân gian hát để phản đối chủ nghĩa tư bản, phản đối chiến tranh ở Việt Nam và ủng hộ phong trào dân quyền ở Mỹ. Một số người gọi đây là loại nhạc "antifolk", dựa trên quan niệm rằng tự do chính trị làm giảm đi tầm quan trọng của tính cách dân tộc vốn là một bộ phận thiết yếu trong dòng nhạc dân gian.

Trước năm 1975, sự phục hồi của dòng nhạc dân gian gần như tắt hẳn, mãi đến cuối những năm 1990 mới hồi sinh trở lại nhưng ở mức độ thấp hơn trước đây rất nhiều. Trong các thập niên 70 và 80, một số ban nhạc nổi tiếng cũng đã vận dụng các yếu tố của thể loại nhạc dân gian. Ngày nay, ở tất cả các nơi trên thế giới đều có câu lạc bộ cũng như tổ chức các lễ hội về dòng nhạc này. Ví dụ như đại nhạc hội Cambridge Folk Music Festival ở Anh hay Port Fairy Folk Festival ở Úc là những sự kiện rất phổ biến và được mong đợi nhất.

Dù không còn ở giai đoạn đỉnh cao, nhưng ngày nay dòng nhạc dân gian vẫn còn rất phổ biến. Và đây sẽ là một dòng nhạc tồn tại mãi mãi dù năm tháng có trôi qua.

Mỹ Hằng
Theo music-folk.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán