Trang chủ»Du lịch»Di sản

Di sản

Người Hy Lạp cổ đại đã thiết kế đền Parthenon như thế nào để gây ấn tượng… và trường tồn

Biểu tượng kiến trúc cổ kính nằm trên đỉnh thành Acropolis này đã bao quát đường chân trời Athens trong 2.500 năm.



Di tích của thành cổ Acropolis ở Athens, Hy Lạp - Ảnh: Lambros Kazan/Getty Images

Hiếm có công trình nào trên thế giới dễ nhận biết hơn đền Parthenon. Nằm chễm chệ trên đỉnh một ngọn đồi đá vôi cao khoảng 152 mét bên trên Thung lũng Ilissos ở Athens, ngôi đền bằng đá cẩm thạch này được xây dựng để bày tỏ lòng tôn kính đến nữ thần Athena mang vinh quang của Hy Lạp cổ đại đến thế giới hiện đại.

Được thi công với tốc độ ấn tượng và là một phần của tòa đại thành Acropolis vào thế kỷ 5, đền Parthenon không chỉ đẹp mà nó còn được xây dựng để trường tồn.

Trải qua các cuộc bắn phá, chiếm đóng, bỏ bê, phá hoại và thậm chí cả động đất, đền Parthenon và các công trình kiến trúc khác của thành Acropolis vẫn trụ vững nhờ các phương pháp tinh vi được sử dụng trong quá trình xây dựng.

Công trình bị gián đoạn

Thành Acropolis đã có người cư trú từ thời đại đồ đồng khi người Mycenae xây dựng một khu phức hợp lớn có tường bao quanh để làm nơi ở cho một trong những thủ lĩnh của họ. Năm 490 trước Công Nguyên, người Athen bắt đầu xây dựng một ngôi đền lớn cho nữ thần Athena tại địa điểm này, và một thập kỷ sau đó, trong khi họ vẫn đang tiếp tục xây dựng thì lực lượng Ba Tư tiến đến cướp phá Athens, phá hủy ngôi đền đang trong quá trình hoàn thiện cùng với mọi công trình kiến trúc khác ở thành Acropolis.

Năm 447 trước Công Nguyên, sau khi Athens lãnh đạo một liên minh gồm các thành bang Hy Lạp giành chiến thắng trước người Ba Tư, vị tướng và đồng thời cũng là chính khách vĩ đại của Athens - Pericles đã ra lệnh bắt đầu xây dựng tòa thành mới.

“Dưới thời Pericles, Athens muốn trở thành thành phố vĩ đại nhất Hy Lạp,” ông Jeffrey Hurwit, Giáo sư danh dự ngành lịch sử nghệ thuật và nghiên cứu cổ điển tại Đại học Oregon và là tác giả của quyển sách “Vệ thành của người Athen” cho biết. Trong khoảng 50 năm, dự án thi công liên quan đến Pericles không chỉ dựng lên ngôi đền lớn cho nữ thần Athena Parthenos, mà cả Propylaea, cửa ngõ vào thành Acropolis, cũng như hai ngôi đền nhỏ hơn, đền Erechtheion và đền thờ Athena Nike.

Ông Hurwit giải thích: “Các nữ thần Athena khác nhau được thờ cúng ở thành Acropolis. Erechtheion thực sự là ngôi đền cuối cùng của Athena Polyas, hay Athena người bảo vệ thành phố. Đền thờ Athena Nike được dành riêng cho Athena với vai trò là nữ thần chiến binh bảo vệ Athens. Vẫn là cùng một nữ thần, nhưng bà được thờ phụng theo những cách khác nhau và dưới các danh nghĩa khác nhau.”

Đền Parthenon - Kỳ quan đến từ sự phá cách

Đền Parthenon bắt đầu được xây dựng vào năm 447 trước Công Nguyên. Thiết kế của đền được công nhận là thuộc về hai kiến trúc sư, Ictinus và Callicrates, cũng như nhà điêu khắc Phidias. Các nhà quan sát cổ đại và hiện đại đều ngạc nhiên trước những kỹ thuật tinh vi được sử dụng để xây dựng ngôi đền này, các kỹ thuật này pha trộn giữa phong cách Doric và Ionic của kiến trúc Hy Lạp cổ điển để tạo ra hiệu ứng tuyệt đẹp.



Quang cảnh và bản thiết kế của đền Parthenon - Ảnh: Dea/A. Dagli Orti/De Agostini/Getty Images

Khi nhìn vào, đền Parthenon trông thẳng tăm tắp và hoàn toàn đối xứng, nhưng trên thực tế, nó được uốn cong một cách khéo léo bắt đầu từ phần móng và chạy dài xuyên suốt các bậc thang, dãy cột và thậm chí cả mái nhà. Thay vì xếp các khối đá để chúng thích nghi theo thời gian, những người xây dựng ngôi đền đã cố tình tạo ra một hiệu ứng uốn cong - thông qua các kỹ thuật như vát hoặc tạo góc cho các khối đá dùng làm bậc thang, khiến dãy cột nghiêng nhẹ vào bên trong và làm các cây cột ở góc to hơn những cây cột khác một chút. Thêm vào đó, các cây cột này còn hơi gồ lên ở đoạn gần giữa, điều này được gọi là entasis.

Kiến trúc sư người La Mã Vitruvius lập luận rằng những kỹ thuật tinh vi như vậy được thực hiện để ngăn các tác động từ ảo ảnh quang học: Khi nhìn từ xa, một đường thẳng tắp sẽ có vẻ võng xuống, ngược lại, đường cong của ngôi đền sẽ ngăn ảo ảnh đó. Nhưng Hurwit gợi ý một lý do khác, một lý do mang tính nghệ thuật hơn cho những kỹ thuật tinh vi này.

“Một công trình lớn như đền Parthenon mà hoàn toàn thẳng tắp, với phương ngang và phương dọc hoàn hảo, thì sẽ có vẻ ít thú vị hơn về mặt thị giác so với một công trình có những điểm phá cách như thế này, lúc ban đầu, chúng ta cảm nhận những điểm phá cách này thay vì thực sự được nhìn thấy hoặc trải nghiệm chúng,” ông nói. “Có vẻ thiết thực hơn nếu cảm nhận theo cách này. Parthenon là một công trình, nhưng nó cũng gần như là một tác phẩm điêu khắc.”

Xây dựng để trường tồn

Đền Parthenon dường như được hoàn thành vào năm 438 trước Công Nguyên, khi bức tượng nữ thần Athena Parthenos khổng lồ bằng vàng và ngà voi được đặt bên trong. Tổng cộng, việc xây dựng chỉ mất 9 năm. Cổng Propylaea, cửa ngõ vào thành Acropolis, thậm chí còn tốn ít thời gian hơn - chỉ 5 năm.

Ông Hurwit chỉ ra: “Theo quan điểm của chúng tôi, những công trình này được xây dựng cực kỳ nhanh. Plutarch, người viết về cuộc đời của Pericles, nhận xét về tốc độ xây dựng các công trình thuộc dự án thi công liên quan đến Pericles nhanh đến không tưởng. Tốc độ này gây ấn tượng với mọi người ngay cả trong thời cổ đại.”

Mặc dù Pericles qua đời vào năm 429 trước Công Nguyên, công trình xây dựng mà ông khởi công sẽ được hoàn thành sau khi ông qua đời. Sau 1.000 năm là trung tâm tôn giáo của Athens, thành Acropolis đã được chuyển đổi thành nơi thờ cúng của Cơ đốc giáo vào thế kỷ 5 sau Công Nguyên dưới sự cai trị của người La Mã và người Byzantine. Sau cuộc chinh phục của Ottoman vào thế kỷ 15, tòa thành này được sử dụng như một nhà thờ Hồi giáo. Vào thời điểm Hy Lạp giành được độc lập vào thế kỷ 19, các công trình thuộc thành Acropolis đã bị hư hại nặng nề nhưng vẫn đứng vững.

Đền Parthenon và các công trình khác đã thể hiện độ bền bỉ đặc biệt khi xảy ra động đất. Ông Hurwit cho biết các công trình này đã vượt qua cuộc thử nghiệm đầu tiên khi một trận động đất làm rung chuyển Athens vào năm 426 trước Công Nguyên, khiến các cây cột bị bật gốc một đoạn nhỏ nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc ban đầu.

Năm 2015, một nhóm kỹ sư tại hội thảo về các biện pháp can thiệp đương đại vào các công trình ở thành Acropolis của Athen đã kết luận rằng các cột mô-đun được sử dụng để xây dựng đền Parthenon và các công trình kiến trúc khác được thiết kế có chủ ý để có “các đặc tính kháng địa chấn tuyệt vời”, dẫn lời một kỹ sư đã nói với phóng viên người Hy Lạp trong buổi khai mạc hội thảo.

Nhờ những thành tựu to lớn về kỹ thuật và nghệ thuật, tầm nhìn đầy tham vọng của Pericles về thành Acropolis đã trường tồn, trở thành biểu tượng nổi tiếng nhất về thời kỳ hoàng kim của Hy Lạp cổ đại.

“Bản thân Pericles từng tuyên bố rằng Athens là 'trường học của Hellas', trường học của Hy Lạp,” ông Hurwit nói. “Thành Acropolis là lớp học tuyệt vời cho nỗ lực thúc đẩy Athens trở thành thành phố vĩ đại nhất trong tất cả các thành phố của Hy Lạp và người dân Athen là người dân vĩ đại nhất trong tất cả người dân Hy Lạp.”

Việt An
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán