Trang chủ»Du lịch»Di sản

Di sản

Nhà thờ Hagia Sophia

Istanbul làthành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ và nằm trên cả hai châu lục Châu Âu và Châu Á. Đây cũng là thành phố ưa thích nhất của nhân vật điệp viên James Bond trong loạt tác phẩm của nhà văn Ian Fleming. Ngoài ra, nó cũng là bối cảnh cho các tập phim From Russia with Love (phần 2) và The World is Not Enough (phần 19). Vào dịp kỷ niệm 50 năm kể từ lần đầu tiên nhân vật hư cấu James Bond xuất hiện, nơi đây đã được chọn làm các cảnh quay quan trọng nhất trong tập phim mới nhất về James Bond, Skyfall.

Trong số các kỳ quan cổ đại của Istanbul, nổi tiếng nhất là nhà thờ Hagia Sophia (hay Ayasofya), quận Sultanahmet. Công trình này đóng vai trò là một bảo tàng trong 77 năm qua, trước đó, là một trung tâm tôn giáo của Istanbul và thế giới trong hơn 1.400 năm. Ban đầu, theo lệnh của Hoàng đế đế chế Byzantine (Đế quốc Đông La Mã), Justinian I, công trình này được xây dựng làm nhà thờ (năm 537).



THagia Sophia nhìn từ bên ngoài và bên trong

Vẫn là công trình lớn nhất thế giới ngay cả khi Ottoman (Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) biến thành một nhà thờ Hồi giáo sau khi chiếm Istanbul từ tay Byzantine vào năm 1453. Sultan Ahmet I, vua của đế chế Ottoman lúc bấy giờ lấy công trình này làm hình mẫu, từ đó ra lệnh xây dựng thánh đường nổi tiếng của mình, Blue Mosque. Blue Mosque kết hợp một số yếu tố từ phong cách kiến trúc Byzantine của Hagia Sophia với kiến trúc Hồi giáo truyền thống.

Sau đây là một vài điểm nổi bật của Hagia Sophia - di sản kiến trúc kỳ vĩ của Istanbul nói riêng và thế giới nói chung.

Emperor Door

Là cánh cửa lớn nhất của Hagia Sophia, có niên đại từ thế kỷ thứ 6, Emperor Door ban đầu chỉ dành riêng cho các hoàng đế Byzantine và đoàn tùy tùng của họ. Nó dẫn du khách đi thẳng vào phần kiến trúc chính. Cánh cửa dài 7m, làm bằng gỗ sồi và có khung bằng đồng. Lá cửa được bọc bởi các tấm đồng.



Omphalion

Omphalion là nơi mà các hoàng đế Byzantine được trao vương miện. Được tạo thành từ những phiến đá cẩm thạch tròn, nhiều kích cỡ và màu sắc đa dạng. Người Byzantine coi mình là những người kế vị của đế chế La Mã cổ đại sau khi đế quốc này bị phân chia thành Tây La Mã và Đông La Mã vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Sau sự phân chia, Đông La Mã tiếp tục tồn tại gần một thiên niên kỷ sau khi Tây La Mã bị diệt vong.



Tranh khảm

Trong thời kỳ Byzantine, Hagia Sophia được trang trí vô cùng đẹp mắt bằng những bức khảm mô phỏng hình Đức Mẹ Maria, Chúa Giêsu, các thánh, các hoàng đế hay hoàng hậu. Người ta vẫn chưa xác định được những tác phẩm khảm xuất hiện đầu tiên vì phần nhiều trong số chúng đã bị phá hủy hoặc phủ lấp trong giai đoạn phong trào bài trừ thánh tượng diễn ra.

Ngay phía trên Emperor Door là một trong những bức tranh khảm đáng chú ý của Hagia Sophia - bức tranh mô tả hình ảnh chúa Giêsu đang giữ trong tay một cuốn sách. Hai bên là hai vòng tròn nhỏ có hình chân dung của Đức Mẹ Maria và thiên thần Gabriel. Quỳ dưới chân chúa Giêsu là một hoàng đế râu rậm, người được cho là Leo VI đang cầu xin chúa tha thứ cho bốn cuộc hôn nhân của mình. Bức khảm có niên đại giữa 886 và 912 sau Công nguyên, giai đoạn trị vì của hoàng đế Leo.



Bức tranh khảm phía trên Imperor Door

Khi cuộc thập tự chinh thứ tư diễn ra vào năm 1204, quân thập tự cướp phá nhiều công trình kiến trúc Byzantine trong đó có Hagia Sophia. Nhiều bức khảm tuyệt đẹp bị gỡ bỏ và mang đến Venice. Sau khi Ottoman chiếm đóng Constantinople (tên gọi trước đây của Istanbul) vào năm 1453, cùng lúc đó Hagia Sophia bị biến thành nhà thờ Hồi giáo, những mảng tường có trang trí khảm đều bị quét vôi trắng hoặc trát vữa.

Năm 1934, Mustafa Kemal Ataturk ra lệnh biến Hagia Sophia thành một bảo tàng, ngay sau đó công việc phục hồi và trùng tu có quy mô được tiến hành. Tuy nhiên, nhiều bức khảm đẹp tuyệt vời mà hai anh em kiến trúc sư nhà Fossati lưu giữ đã biến mất mà nguyên nhân có lẽ là do trận động đất năm 1894.

Mái vòm

Di sản kiến trúc vĩ đại nhất của Hagia Sophia là mái vòm với đường kính 110 feet (33,5 m). Trong thời kỳ mà chưa có thép để xây dựng công trình, mái nhà và mái vòm lớn chỉ có thể được nâng đỡ bởi các cột trụ và bức tường lớn. Constantinople nằm trong khu vực dễ bị động đất, cấu trúc lớn của công trình được cho là đủ khả năng chống chịu lại các mối đe dọa này. Nhưng kỳ vọng này sớm đổ vỡ khi nhiều phần của nhà thờ và mái vòm bị phá hủy sau những trận động đất diễn ra vài năm sau khi công trình hoàn thành. Để khắc phục những hư hại này, người ta tiến hành xây dựng những trụ ốp lớn để chống đỡ mái vòm và các bức tường. 40 khung sườn chịu lực cũng được gia cố thêm để nâng đỡ mái vòm khổng lồ này.



Cột Weeping

Trong khi nhiều người đến Hagia Sophia để ngắm vẻ uy nghi của nó, một số người lại đến với mục đích duy nhất là ướm ngón tay cái vào một hốc nhỏ ở cây cột, nếu ngón tay bị ướt thì lời cầu nguyện chữa lành mọi bệnh tật của họ thành hiện thực.

Cây cột được lấy từ Đền Artemis ở Ephesus và hiện đứng ở góc phía Bắc của bảo tàng. Làm bằng đá cẩm thạch trắng với một đai bằng đồng vòng quanh phần dưới của cột, một lỗ hổng gần bệ cột, nước chảy ra từ lỗ hổng này gắn liền với rất nhiều truyền thuyết, phổ biến nhất trong số đó là khả năng chữa bệnh của nó.



Uyển Nhi
(Tổng hợp và lược dịch)

123456789[10]...18  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán