Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tích hợp theo chủ đề

Giáo dục tích hợp theo chủ đề

Bí ẩn hồ nước cướp đi hơn 1.700 mạng người sau một đêm

Đọc tiêu đề bài viết này, bạn nghĩ rằng có hàng nghìn người chết đuối ở Hồ? Hay có một sự cố nào đó làm nước hồ tràn ra nhấn chìm và giết chết hàng nghìn người? Nhưng sự thật không phải như vậy. Những người này không chết đuối mà chết vì...ngạt.

Ngày 15/8/1984, một đám mây khí độc phát nổ từ hồ Monoun ở Cameroon (một quốc gia vùng Tây Phi) khiến 37 người chết. Hai năm sau, vào ngày 21/8/1986, Hồ Nyos, một hồ lớn hơn và sâu hơn, đã phát tán cùng loại khí độc này với bán kính 1 km. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ đã có tới trên 1.700 người bị chết ngạt. Mười ngày sau người ta vẫn tìm thấy xác chết trong trong vòng 10km quanh hồ. Hàng nghìn con gia súc bị chết. Một số người bị hôn mê kéo dài, có người sau mãi 36 tiếng đồng hồ mới hồi tỉnh. Vậy khí độc này là gì?

Hồ Nyos và Hồ Monoun đều nằm trên miệng núi lửa. Mặc dù các núi lửa này đều không hoạt động, nhưng núi lửa lại là nguyên nhân gây ra sự giết chóc của hai hồ này. Chúng ta đều biết, núi lửa là lỗ thông hơi qua lớp vỏ Trái Đất, nó mang theo magma, hỗn hợp đá nóng chảy và khí hòa tan đến bề mặt Trái Đất. Khi magma nổi lên bề mặt Trái Đất, áp suất giảm, các khí hòa tan thoát ra khỏi dung dịch và phát tán.

Magma này chứa một lượng lớn các khoáng vật và khí CO2 hòa tan. Chúng sẽ thấm vào nước ngầm chảy dưới các miệng núi lửa. Hồ Nyos và Hồ Monoun được cung cấp nguồn nước từ những con suối núi lửa giàu khoáng carbonate này. Đối với đa số hồ núi lửa, luôn có sự lưu thông cần thiết cho khí CO2 có thể nổi lên mặt hồ và được giải phóng ở dạng khí. Tuy nhiên, nước ở bề mặt Hồ Myos và Hồ Monoun không hề hòa lẫn với nước ở đáy hồ. Vì vậy, lượng CO2 vẫn nằm ở đáy hồ, trong khi các suối núi lửa lại vẫn tiếp tục cung cấp CO2 cho hồ. Kết quả là, tầng nước mặt của hồ thì sạch, trong khi tầng nước đáy hồ thì lại chứa đầy khí CO2.

Các nhà khoa học tin rằng những thảm họa xảy ra ở Hồ Nyos và Hồ Monoun là do sự phá vỡ tính ổn định của các tầng nước hồ, có lẽ là từ một trận lở đất, một trận địa chấn, hay thậm chí là từ một trận gió lớn. Tầng nước đáy hồ đột ngột di chuyển lên mặt hồ, với điều kiện áp suất giảm và nhiệt độ tăng, khí CO2 nhanh chóng thoát ra. Ở Hồ Nyos, sự thoát khí CO2 một cách ồ ạt làm cho hơi nước và CO2 phát tán nhanh vào không khí.

Làm thế nào mà hiện tượng này lại gây ra thảm họa?

Như ta đã biết, khí CO2 nặng khoảng 1,5 lần so với không khí và khoảng 1,4 lần so với khí O2, nên trong không khí, CO2 sẽ nằm ở gần mặt đất hơn O2 và đẩy O2 lên vị trí cao hơn. Chất khí không màu, không mùi này nhanh chóng di chuyển theo các sườn dốc và đến các khu dân cư, làm cho người dân bất tỉnh và chết vì ngạt. Ngay sau khi xảy ra thảm họa, một nhà địa chất Cameroon phát hiện mực nước trong hồ Nyos giảm khoảng 1 mét và đi đến nhận định lượng nước giảm sút ở hồ Nyos tương đương trọng lượng của khoảng 1,7 triệu tấn CO2.

CO2 lại tiếp tục được tích lũy ở đáy hồ. Vì vậy, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đang phát triển kế hoạch để loại bỏ lượng CO2 này bằng cách khử khí. Họ sẽ dẫn những đường ống dài xuống sâu dưới đáy hồ, và hút một lượng nước ở tầng đáy. Điều này sẽ tạo ra sự chênh lệch áp suất, làm cho nước giàu CO2 sẽ thoát ra từ đường ống.

Nguyễn Như Mai Hương
Giáo viên Hóa học - Trường Quốc tế Á Châu

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán