Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tích hợp theo chủ đề

Giáo dục tích hợp theo chủ đề

Tại sao nói hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại?

Một đất nước đã qua nhiều gian khổ và tổn thất của những cuộc chiến tranh như Việt Nam, "Ngày thế giới vì hòa bình" trở thành vô cùng thiêng liêng. Nhưng chúng ta cũng hiểu thêm các dân tộc khác trên thế giới, bởi cũng không ít dân tộc trong lịch sử của mình luôn phải gắn với thanh gươm và yên ngựa. Hòa bình, thực sự là khát vọng ngàn đời của cả loài người. Dân tộc Việt Nam bé nhỏ và dũng cảm, để tồn tại đã phải trải qua không ít những cuộc chiến tranh. Truyền thuyết còn ghi về sự lớn dậy phi thường của cậu bé làng Gióng, sự kỳ diệu của nỏ thần Kim Quy. Điều đó thể hiện khát vọng chiến thắng, cũng là khát vọng hòa bình của nhân dân ta từ ngay những ngày đầu dựng nước. Sử sách cũng ghi lại bài thơ thần Lý Thường Kiệt đọc trên dòng sông Như Nguyệt của phòng tuyến chống quân Tống ở thế kỷ thứ X. Đền thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được dựng lên khắp nơi từ Bắc chí Nam thể hiện sự ghi nhớ của dân tộc ta về ba cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông của thời đại nhà Trần. Và hiện nay, mỗi xã của đất nước ta đều có một đài nghĩa trang liệt sĩ để ghi công của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho cuộc sống yên bình của dân tộc. Điều đó thể hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam đối với hòa bình.

Trên thế giới cũng vậy thôi. Các dân tộc "khác nhau ít, giống nhau nhiều đến thế". Khát vọng hòa bình của các dân tộc thể hiện rõ nhất bằng thông điệp qua các tác phẩm văn học còn lưu lại và được lan truyền ra khắp thế giới như: Iliát (Hy Lạp), Manhabrata (Ấn Độ), Tam quốc diễn nghĩa (Trung Quốc), Chiến tranh và hòa bình (Nga), Cuốn theo chiều gió (Mỹ)… Mỗi dân tộc một phong cách, có sự suy nghĩ về chiến tranh và hòa bình với một sắc thái riêng, dẫu ca ngợi chiến tranh chính nghĩa hay lên án các cuộc chiến tranh phi nghĩa thì cũng đều thể hiện một khát vọng chung, khát vọng được sống trong hòa bình.

Thế kỷ XX mà nhân loại vừa đi qua là một thế kỷ đầy biến động của những cuộc xung đột và chiến tranh lớn nhất trong lịch sử loài người mà tiêu biểu là hai cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất và lần thứ 2. Riêng đại chiến thế giới lần thứ 2, nhân loại đã chết hơn bốn chục triệu người và biết bao tổn thất khác đi theo đối với hàng chục nước trên thế giới. Điều đó đã thúc đẩy nhân loại phải đoàn kết lại, cùng nhau ngăn chặn chiến tranh và chọn ngày 1/9 hàng năm làm "Ngày thế giới vì hòa bình".

"Ngày thế giới vì hòa bình" năm nay càng có ý nghĩa khi ngọn lửa chiến tranh vừa mới bùng lên ở Trung Đông, tuy đã được tháo gỡ, nhưng nguy cơ bùng nổ trở lại vẫn tiềm ẩn, khi những vụ đánh bom khủng bố vẫn diễn ra hàng ngày ở Iraq và những âm mưu khủng bố lớn vừa được ngăn chặn ở Anh và nhiều nơi trên thế giới.

Hàng ngày, qua màn hình tivi của mỗi gia đình, chúng ta đều được chứng kiến cảnh chết chóc, tang thương của bao người dân lao động hiền lành vô tội. Họ chỉ còn biết cầu nguyện Thánh Ala và Đức chúa trời. Không hiểu vì sao chiến tranh lại giáng lên đầu họ? Nhưng thực tế không có một lực lượng siêu nhiên nào có thể cứu vớt họ ngoài sự đoàn kết của toàn thế giới, bằng những hành động thiết thực ngăn chặn chiến tranh, thông qua tổ chức quốc tế lớn nhất là Liên hiệp quốc. "Ngày thế giới vì hòa bình" năm nay đến với nhân dân Việt Nam khi đất nước ta đang có hòa bình thực sự. Chúng ta vừa tổ chức "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trong không khí bình yên, ổn định và trật tự xã hội được đảm bảo. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam yêu hòa bình và hiểu hết cái giá của hòa bình. Chúng ta đang lao động sáng tạo xây dựng đất nước để bù đắp cho những mất mát, hy sinh của mấy chục năm chiến tranh. Với phương châm là bạn của tất cả các nước trên thế giới, cùng nhau ổn định và phát triển, cùng nhau hợp tác giữ gìn hòa bình, ngăn chặn chiến tranh, nước ta đã có những đóng góp to lớn, xứng đáng vào phong trào giữ gìn hòa bình của nhân loại

Trần Thị Thanh Hoa
Giáo viên Giáo dục công dân - Trường Quốc tế Á Châu

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán