Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tích hợp theo chủ đề

Giáo dục tích hợp theo chủ đề

Thơ Mới gồm những thể thơ nào?

Thơ Mới gồm thể thơ truyền thống và thể thơ phi truyền thống.

- Thể thơ truyền thống gồm:

Thể thơ năm chữ (ngũ ngôn) vốn đã tồn tại trong thơ ca dân gian và thơ Đường (ngũ ngôn Đường luật) vẫn xuất hiện phổ biến trong Thơ Mới. Những thể thơ năm chữ trong Thơ Mới không gò bó như ngũ ngôn Đường luật; mạch thơ thường được mở rộng hơn, nhờ thế mà thi nhân đã thể hiện tinh tế những cảm xúc mà ít có trong thơ ngũ ngôn Đường luật. Ví dụ bài Tiếng thu (Lưu Trọng Lư), Gái quê (Hàn Mặc Tử).

Thể thơ bảy chữ (thất ngôn) được dùng nhiều trong Thơ Mới. Với thể thơ thất ngôn, Thơ Mới đã thực hiện một cuộc cách tân lớn về khổ thơ, vần điệu. Những bài thơ thất ngôn giờ đây không còn giới hạn số câu, số khổ thơ dù Thơ Mới vẫn phổ biến loại bài bốn khổ, mỗi khổ bốn câu. Vần điệu thơ bảy chữ trong Thơ Mới tự do hơn, không bị gò bó trong thi pháp niêm, luật ngặt nghèo như thơ thất ngôn tứ tuyệt và thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Ví dụ như Những bóng người trên sân ga (Nguyễn Bính), Giây phút chạnh lòng (Thế Lữ), Huyền diệu (Xuân Diệu).

Thể thơ lục bát vẫn tiếp tục phát triển, đây là thể thơ thuần Việt. Trong Thơ Mới, có những bài thơ lục bát mang dáng dấp ca dao như Tương tư, Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính, cũng có những bài có cấu tứ thơ hiện đại như Ngậm ngùi của Huy Cận, Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ, Chiều của Xuân Diệu.

- Thể thơ phi truyền thống gồm:

Thể thơ tám chữ là sáng tạo của Thơ Mới. Đây là thể thơ được sử dụng phổ biến nhất trong phong trào Thơ Mới. Thơ tám chữ phát triển từ thể hát nói – một trong các lối hát ả đào. Nhưng thể thơ tám chữ lại khác với thể hát nói ở chỗ không hạn định số câu, số khổ thơ, không bị gò bó bởi niêm luật. Hình thức thể thơ tám chữ đòi hỏi cách cấu tạo câu thơ, dòng thơ, bài thơ thay đổi. Trước hết là sự thay đổi về từ ngữ, là sự tạo ra kiểu kết hợp từ ngữ sáng tạo như Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt (Nhớ rừng, Thế Lữ); Cả thân hình nồng thở vị xa xăm (Quê hương, Tế Hanh); Mượn hương lòng đượm thơm làn gió mát (Khúc hát bên sông, Thế Lữ). Tiếng Việt tinh tế và giàu có hơn rất nhiều nhờ hệ thống từ ngữ với các kiểu kết hợp như thế.

Thể thơ tự do là sự cởi mở hoàn toàn số câu, số khổ thơ, số chữ trong từng câu thơ. Thể thơ tự do tạo điều kiện để cho bài thơ có một hình thức hiện đại từ tổ chức kết cấu toàn bài đến kết cấu riêng trong từng câu, từ nhịp điệu đến ngôn từ.

Nguyễn Hoài Nam
Giáo viên Văn học - Trường Quốc tế Á Châu

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán