Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tích hợp theo chủ đề

Giáo dục tích hợp theo chủ đề

Thơ Mới là gì?

Thơ là bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy văn chương Việt Nam. Với sự xuất hiện của Thơ Mới đã đánh dấu một bước phát triển của ngôn ngữ thơ nói riêng và của tiếng Việt nói chung. Bên cạnh đó, Thơ Mới còn khai phóng con người - mà nói như Hoài Thanh, Hoài Chân là “để định lại giá trị những khuôn phép xưa”.

Thơ Mới là một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng. Có thể nhận định bối cảnh ra đời của Thơ Mới là vào khoảng những năm 30 của thế kỉ XX, căn cứ vào giai đoạn nở rộ những hiện tượng văn học. Xã hội nước ta lúc bấy giờ có sự tiếp xúc văn hóa Á – Âu dẫn đến việc sử dụng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán lẫn chữ Nôm. Cùng với đó, tầng lớp tư sản, tiểu tư sản, thị dân hình thành, một thế hệ thanh niên trí thức được đào tạo theo lối Tây học, họ được tiếp xúc với nền văn hóa lãng mạn Pháp dẫn đến sự thay đổi về ý nghĩ và cảm xúc. Họ ý thức bản thân, yêu cầu giải phóng cá nhân khỏi khuôn khổ ý thức hệ, lễ giáo phong kiến. Theo định nghĩa của tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam : “tinh thần thời nay - hay Thơ Mới nằm trong "chữ tôi", tức là ở nguồn cảm hứng của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa lãng mạn đã trở thành linh hồn của Thơ Mới”. Và chính các nhà Thơ Mới đã tạo nên một thời đại của chữ Tôi.

Thơ Mới còn là sự đổi mới về hình thức: sự phá bỏ rào cản thi pháp thơ truyền thống (thơ chữ Hán, chữ Nôm) với cách phô diễn ý tứ, cách đặt câu mới mẻ. Tự do sáng tạo chủ đề, đề tài. Song, quan trọng hơn là sự đổi mới ở nội dung ý tưởng, tình cảm người làm thơ. Nói như tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam “Ta không còn có thể vui cái vui của ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu, ghét, giận, hờn, nhất nhất như ngày trước”. Những “kiểu thi nhân mới” (cách dùng từ của Trần Đình Sử) giờ đây ý thức của họ đã khác thế hệ trước, họ đã vượt ra khỏi ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ, họ xem ái tình không chỉ là hôn nhân mà nó có muôn hình vạn trạng: say đắm, thoáng qua, mơ mộng, chua chát,… Nhà văn Lưu Trọng Lư, trong buổi diễn thuyết ở Quy Nhơn (tháng 6/1934) đã nói: Các cụ ta ưa màu đỏ chót, ta ưa màu xanh nhạt, đứng trước một cô gái xinh đẹp, các cụ xem như là việc làm tội lỗi, còn đối với ta, như đứng trước cánh đồng xanh mát mẻ. Các “kiểu thi nhân mới” họ lắng nghe tất cả các cung bậc tình cảm của mình và của mọi người. Họ đưa vào thơ tất cả cảnh vật làm trái tim mình rung động. Không còn một nhân vật trữ tình thấp thoáng trong thơ, giờ đây, nhân vật ấy hiện hữu rõ nét.

Như vậy, ở Việt Nam khoảng những năm 30 của thế kỉ XX đã xuất hiện phong trào Thơ Mới rất sôi động, được xem là “một cuộc cách mạng trong thơ ca, một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh). Thơ Mới là tên gọi của một “thể thơ tự do” - từ “tự do” được hiểu là sự phá bỏ rào cản thi pháp thơ truyền thống, tự do sáng tạo chủ đề, đề tài và cách thể hiện. Nội dung thường có tính chất lãng mạn, cái tôi trữ tình thể hiện rõ ràng, thẳng thắn. Đây là một phong trào thơ có tính chất lãng mạn tiểu tư sản, khi vừa ra đời nó đã nhanh chóng khẳng định vị trí xứng đáng trong nền văn học dân tộc với các nhà thơ tiêu biểu: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh,…

Nguyễn Hoài Nam
Giáo viên Văn học - Trường Quốc tế Á Châu

SIU Review - số 135

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán