Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

10 lý do trẻ cảm thấy lo lắng khi lần đầu đến trường



Tất cả chúng ta đều mong muốn ngày đầu tiên trẻ đến trường sẽ đầy hứng khởi và không còn lo lắng. Việc đầu tiên để làm dịu nỗi sợ hãi đó là phải tìm ra lý do. Sau đây là 10 nguyên nhân chính có thể khiến trẻ lo lắng về trường học.

1. Môi trường mới

Cho dù trẻ đang đối mặt với ngày đầu tiên trong lớp mới hay trường mới thì cảm giác lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Hãy nói chuyện với trẻ về ngày đầu tiên sẽ như thế nào. “Khi trẻ có thể hình dung về điều gì đó trước, chúng sẽ cảm thấy ít lo hơn”, nhà tâm lý học Erin L. Enyart cho biết. Nhắc trẻ rằng mọi người đều có chung cảm giác lo lắng đó vào ngày đầu đến trường, hãy cho chúng thời gian để thích nghi và giải thích rằng mọi việc sẽ tốt hơn sau đó. Nếu có thể hãy dành nhiều thời gian bên trẻ vào những ngày đầu tiên này.

2. Sự thất bại

Trẻ thường lo lắng về việc học ở trường sẽ quá khó, e sợ không theo kịp các bạn hay sẽ không biết câu trả lời khi được gọi tên. Động viên trẻ, nói cho trẻ hiểu rằng ai cũng có thể mắc lỗi, sau đó hãy khen ngợi những nỗ lực của chúng.

3. Lo lắng về những kì thi

Rất nhiều trẻ đang bị đặt dưới áp lực thi cử. Chúng lo lắng về thời gian và khả năng làm bài không tốt. Cách tốt nhất để giúp con bạn vượt qua nỗi sợ này là hãy cùng con ôn tập, giúp con tự tin rằng chúng đã chuẩn bị sẵn sàng, đã biết câu trả lời và chúng sẽ làm tốt.

4. Lo lắng về các mối quan hệ xã hội



Ảnh: everthinehome.com

Trẻ thường  lo lắng liệu rằng chúng có hòa nhập tốt không? Có kết bạn được không? Hay có bị trêu chọc hoặc bị bỏ mặc? Động viên con bạn đối mặt với những tình huống đó hơn là tránh né, đồng thời hãy chỉ cho chúng cách kết bạn. Theo Hiệp hội Tâm lý học đường Quốc gia Hoa Kỳ (NASP), dạy cho trẻ các kĩ năng xã hội, cách giải quyết vấn đề và mâu thuẫn sẽ giúp phát triển đời sống tinh thần khỏe mạnh cho trẻ.

5. Điểm số

Một vài trẻ thường bị áp lực về điểm số. Chúng lo lắng về điểm A, về bảng vinh danh và cả về việc làm sao để duy trì những thứ ấy. Hãy cho con bạn biết rằng bạn không yêu cầu sự hoàn hảo.

6. Căng thẳng

Trẻ thường cảm thấy căng thẳng khi chúng cảm thấy môi trường học không được như mong đợi. NASP khuyến nghị các phụ huynh nên lắng nghe, giúp con đối mặt với vấn đề bằng cách cùng chúng tìm kiếm hướng giải quyết.

7. Làm việc nhóm



Ảnh: combined.nhs.uk

Dù con bạn có muốn tham gia vào các hoạt động nhóm như tham gia đội cổ vũ, đội kịch hay đơn giản chỉ là đội bóng vào giờ giải lao thì điều quan trọng là hãy bên cạnh nhắc nhở trẻ rằng không phải ai lúc nào cũng thành công. Còn nhiều cơ hội khác để tham gia vào các hoạt động nhóm. Bên cạnh đó hãy thực hành cùng con, cùng trẻ làm tua cổ vũ, diễn tập lại vở kịch, chơi bóng…để giúp trẻ tự tin và nắm vững những kĩ năng cần thiết cho sự lựa chọn của chúng.

8. Áp lực từ bạn bè

Trẻ luôn muốn hòa nhập với mọi người nên chúng thường hay lo lắng không biết bạn bè nghĩ gì về chúng. Hãy khuyến khích trẻ nói về những mối bận tâm và nỗi lo lắng. Tiếp đến hãy lắng nghe nhưng đừng vội giải quyết hết các rắc rối cho trẻ. Thay vào đó, hãy cùng chúng xem xét lại vấn đề và đưa ra các hướng giải quyết cùng với nhau. Chủ động tham gia vào giải quyết vấn đề là cách tốt nhất giúp trẻ học cách tự lập.

9. Bị ức hiếp



Ảnh: the-fitter-fitter.blogspot.com

Trẻ thường sợ bị ức hiếp bởi bạn bè cùng trường và điều này có thể làm cho chúng cảm thấy vô cùng khó chịu. Hãy xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Giải thích với trẻ rằng những kẻ bắt nạt thường cảm thấy mạnh mẽ khi có thể làm người khác buồn hoặc khiếp sợ, đồng thời chỉ cho trẻ cách giải quyết để những kẻ bắt nạt không đạt được những gì mà chúng muốn. Tập cho trẻ cách lờ đi những lời trêu chọc, hãy bước qua chúng và trưởng thành.

10. Hoàn cảnh gia đình

Theo trang Kidshealth.org, đôi khi nguyên nhân khiến trẻ không muốn đến trường là do chúng nghĩ rằng ở trường không có việc gì để làm, gia đình cần chúng hơn bởi vì ba hoặc mẹ đang bị mệt mỏi, căng thẳng hoặc còn nhiều vấn đề khác đang ảnh hưởng đến gia đình chúng. Trong trường hợp này, câu trả lời nằm ở cách giải quyết các vấn đề trong gia đình.

Nếu những nỗi sợ trên vẫn kéo dài khi năm học mới đến gần, hãy thông báo cho giáo viên của trẻ. Ở hầu hết các trường đều có các nhân viên tư vấn, các nhà tâm lý học đường sẵn sàng trò chuyện và giúp chúng vượt lên những nỗi sợ đó.

Ngọc Bắc
Theo education.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán