Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Các phong cách học của trẻ

Tìm hiểu cách học của trẻ không chỉ giúp các em làm bài nhanh và hiệu quả hơn mà còn giúp cải thiện thành tích học tập cho các em.

Ảnh minh họa từ internet

Hãy chú ý khi thấy con bạn cứ cựa quậy không yên mỗi khi làm bài tập toán hay cứ đòi nghe nhạc trong lúc học từ vựng. Có vẻ các bé đang muốn chọc giận bạn nhưng thật ra, các bé chỉ đang thực hiện các cách giúp học chuyên tâm hơn.

Maureen McKay, tác giả trang web Optimistic Outcomes, người có nhiều đóng góp hữu ích cho các bậc phụ huynh về phong cách học tập của trẻ, chia sẻ: “Tôi thì thích ngồi học yên tĩnh tại bàn, trong khi đó, con gái tôi lại không thể. Cô bé thích chạy lăng xăng với quả bóng và nghe nhạc. Thỉnh thoảng, bọn trẻ chỉ thực hiện những cách có hiệu quả với chúng.”

Các nhà sư phạm từ lâu đã nhận ra rằng việc học không thể rập khuôn cho mọi đứa trẻ. Trong một lớp học điển hình, một số trẻ xử lý thông tin tốt hơn khi được nghe giảng, một số khác thì học bằng cách nhìn lên bảng và số còn lại thì học thông qua các bài tập thực hành. Ngày càng nhiều trường đại học giảng dạy cho các tân sinh viên về phong cách học tập nhằm giúp sinh viên cải thiện thói quen học tập hiệu quả. Bên cạnh đó, các trường tiểu học và trung học cũng tiến hành khảo sát nhằm giúp giáo viên hiểu thêm về các phong cách học của học sinh. Học bằng thính giác, xúc giác và thị giác là ba phong cách học tập cơ bản.

Học bằng thính giác: thích nghe hơn là đọc và thích học bài bằng cách đọc to. Những trẻ học bằng cách này hoặc thích vừa học vừa nghe nhạc hoặc thích học trong không gian thật yên tĩnh.

Học bằng xúc giác: học bằng cách sờ nắn và thực hành. Trẻ sẽ ít khi chịu ngồi yên để học bài. Học bằng cách viết bài hoặc hoạt động tay chân sẽ giúp trẻ tiếp thu bài nhanh hơn.

Học bằng thị giác: tiếp thu thông tin bằng cách đọc, nhìn hình hoặc xem thực hành. Trẻ có cách học này dễ nắm bắt thông tin bằng cách xem biểu đồ hơn là ngồi yên và nghe giảng.

Cũng có nhiều trẻ kết hợp tất cả các loại phong cách trên với nhau. Tuy nhiên, trẻ vẫn thiên về một phong cách học nhất định. Theo tác giả McKay, hiểu được cách học của con, phụ huynh có thể tạo điều kiện thích hợp giúp con làm bài tập nhanh và hiệu quả hơn, đồng thời, phụ huynh và học sinh dễ dàng trao đổi và gần gũi nhau hơn. Khi là trợ giảng, tác giả đã quan sát các cách học của học sinh và cô bắt đầu đi vào nghiên cứu các cách học này khi con gái cô gặp phải khó khăn lúc học tiểu học.

Cô bé gặp khó khăn trong việc nghe giảng bài trên lớp; do đó, McKay đã tìm kiếm những bài tập củng cố kỹ năng nghe. Cô bé đặc biệt thích học bằng cách vừa nghe bài vừa đọc bài. Hiện tại, cô bé đang học rất tốt ở bậc Trung học. Theo cô McKay, thành công này có được là nhờ giáo viên và phụ huynh đã nắm bắt được phong cách học đặc trưng của trẻ.

Một khi đã hiểu được phong cách học tập chủ đạo của trẻ, phụ huynh có thể trao đổi với giáo viên về cách học và phương pháp giúp trẻ học hiệu quả nhất. Tác giả McKay cho hay: "Giáo viên rất sẵn lòng hợp tác với phụ huynh được gợi ý các cách giúp trẻ học tốt."

Khi trẻ lớn lên, cách học cũng có thể thay đổi ít nhiều. Bên cạnh đó, những trẻ có thể học theo những cách học khác nhau sẽ dễ dàng tiếp thu thông tin hơn. Do đó, theo tác giả McKay, phụ huynh cũng nên cho trẻ rèn luyện nhiều kỹ năng khác nhau.

"Những học sinh thông thạo nhiều kỹ năng sẽ dễ dàng học theo những cách khác nhau. Khả năng học theo nhiều phong cách sẽ là một lợi thế cho trẻ", cô McKay chia sẻ.

Chẳng hạn, khi dạy trẻ học toán, phụ huynh có thể áp dụng nhiều cách khác nhau. Nếu trẻ chán với phương thức nghe và nhìn (flash card,…), phụ huynh có thể cho trẻ chơi board game có dùng hai viên súc sắc và cho trẻ cộng số trên súc sắc. Đây là cách sinh động hơn nhưng chỉ phù hợp cho những trẻ học bằng thị giác và thính giác.

Tác giả còn chia sẻ thêm: "Hiểu được các cách học của trẻ giúp phụ huynh áp dụng nhiều hoạt động làm cho các bài tập thậm chí là công việc nhà trở nên sinh động và thu hút hơn đối với trẻ". Chẳng hạn, khi trẻ không chịu ngồi học thuộc chính tả, phụ huynh có thể cho trẻ học đánh vần bằng cách chơi Scrabble (trò chơi ghép từ).

Không chỉ vậy, nắm bắt được phong cách học của trẻ, phụ huynh có thể giúp trẻ làm bài tập hiệu quả hơn, đồng thời, giúp thắt chặt mối quan hệ giữa trẻ và phụ huynh.


Một vài gợi ý dành cho từng cách học:

Trẻ học bằng thính giác thường tiếp thu thông tin bằng lời nói. Các phương pháp học tập hiệu quả cho trẻ là:

  • Trao đổi với phụ huynh hoặc thầy cô về những gì mình đang học
  • Đọc to những thông tin quan trọng, có thể ghi âm và phát lại sau đó
  • Vừa đọc và nghe sách cùng lúc
  • Tạo bảng liên kết từ
  • Ghi nhớ thông tin bằng cách sáng tạo thông tin thành bài hát
  • Hạn chế mọi tiếng ồn làm phân tán sự tập trung

Trẻ học bằng xúc giác thích hoạt động trong khi học và khó lòng tập trung được khi phải ngồi yên một chỗ. Các cách học hiệu quả cho trẻ là:

  • Đọc to và rà theo từ bằng ngón tay
  • Viết đi viết lại nhiều lần cho đến khi nhớ
  • Hightlight và gạch dưới
  • Chơi bóng hoặc đồ chơi trong khi học
  • Đi đi lại lại trong lúc học hoặc thường xuyên nghỉ giải lao
  • Thực hiện các hoạt động thực hành như xây mô hình hoặc chơi trò chơi

Trẻ học bằng thị giác tiếp thu nhanh khi xem bài trên bảng hoặc có hình minh họa cụ thể. Trẻ học bằng cách này ít chịu ngồi yên để nghe giảng trong thời gian dài. Các cách học hiệu quả cho trẻ học bằng thị giác là:

  • Dùng flash card
  • Học bằng biểu đồ, bảng biểu và bản đồ
  • Hình ảnh minh họa
  • Viết bài và thường xuyên xem lại bài
  • Highlight và gạch dưới
  • Bài học nhiều màu sắc

Ngọc Trâm
Theo SchoolFamily

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán